Tàu thuyền cập cảng Singapore - Ảnh: BLOOMBERG
Theo Hãng tin Bloomberg, doanh thu nhiên liệu hàng hải của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua.
Quốc gia này đang nỗ lực thu hút tàu thuyền tới các cảng biển gần những trung tâm kinh tế lớn như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Singapore vẫn đang dẫn đầu với tư cách nhà cung cấp chủ lực cho ngành nhiên liệu hàng hải trị giá hơn 30 tỉ USD của châu Á. Thế nhưng, giới quan sát cảnh báo Trung Quốc đang tăng tốc rất nhanh.
Năm 2020, Singapore bán được khoảng 50 triệu tấn nhiên liệu hàng hải, tương đương 1/5 tổng sản lượng này trên toàn thế giới.
Trong khi đó, hãng tư vấn OilChem ước tính doanh số của Trung Quốc đã tăng liên tiếp 5 năm qua, đạt 16,9 triệu tấn trong năm ngoái.
SeaCred, một công ty tình báo hàng hải, định giá thị trường nhiên liệu hàng hải ở châu Á vào khoảng 31-32 tỉ USD trong năm 2020.
Trung tâm ngành nhiên liệu hàng hải của Trung Quốc thuộc thành phố Chu San, tỉnh Chiết Giang.
Chu San nằm ở phía nam Thượng Hải, trên bờ biển phía đông Trung Quốc. Một số cơ sở lọc dầu lớn và mới nhất của quốc gia này đều được xây dựng tại đây.
Chính phủ Trung Quốc cũng đã tung ra nhiều ưu đãi thuế để giúp ngành nhiên liệu Trung Quốc có thêm thế mạnh cạnh tranh.
“Singapore có lợi thế hơn những cảng châu Á khác về mọi mặt. Dù điều này đến nay vẫn đúng, song các cảng khác đang dần đuổi kịp. Chu San chắc chắn sẽ giành một phần tàu thuyền từ các cảng ở Đông Bắc Á”, ông Jayendu Krishna - giám đốc hãng tư vấn hàng hải Drewry - nhận định.
Theo Bloomberg, các cảng nhộn nhịp nhất thế giới đa phần nằm ở Trung Quốc nhờ vào ngành công nghiệp sản xuất đồ sộ của nước này.
Chính quyền Trung Quốc đang chi 80 triệu USD để mở rộng khu neo đậu và xây dựng các kênh vận chuyển mới tại Chu San.
TTO - 52% công ty Trung Quốc ở Mỹ thừa nhận sẽ giảm đầu tư vì sự không chắc chắn trong quan hệ Mỹ - Trung và môi trường chính sách bất lợi. Khoảng 44% doanh nghiệp tiết lộ sẽ chuyển hướng sang châu Á, châu Âu hoặc Nam Mỹ.