Một người khuyết tật được giúp đỡ về quê nhà - Ảnh: TẤN LỰC
Mấy trăm phận người vừa hồi hương là chừng ấy cảnh đời khó khăn. Người là thợ nề, người bán vé số, bán hàng rong, hay sinh viên, công nhân lao động chật vật xoay trở vì dịch. Hôm nay, bà con đã trở về an yên trong vòng tay rộng mở của quê nhà.
Tạm biệt những ngày làm bạn với mì gói
Đặt chân xuống sân bay Đà Nẵng trưa 21-7, bạn Lê Ngọc Đan Thi (21 tuổi, quê tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) không giấu được vẻ xúc động khi trở về quê hương.
Suốt những năm đi học xa nhà, chặng bay Đà Nẵng - TP.HCM không quá xa lạ với Đan Thi. Hôm nay, vẫn chặng bay ấy nhưng cảm giác trong Thi thật khác: rưng rưng nơi khóe mắt và chộn rộn trong tâm hồn. Cảm thấy thật may mắn xen lẫn lòng biết ơn, trong niềm vui đoàn tụ có niềm tự hào về quê hương thương mến.
Không chỉ mỗi Đan Thi, trong hàng trăm đồng bào vừa hồi hương trên chuyến bay ấy, dư vị ngọt ngào và thiêng liêng tỏa ra từ hai chữ đồng hương như thấm đẫm trong tim, lan tỏa tới từng tế bào.
Những ngày còn kẹt lại TP.HCM với Thi không chỉ khó khăn mà còn là nỗi bất an. Phường Phú Thạnh (quận Tân Phú), nơi Thi đang ở trọ, tuy dịch bệnh chưa căng thẳng như một số nơi khác nhưng cuộc sống cũng không dễ dàng.
"Đó là những ngày làm bạn thân thiết với mì gói, suốt ngày nhốt mình trong căn phòng trọ nóng bức đến stress vì không dám đi ra ngoài. Không bà con, người thân nào bên cạnh, thân gái một mình giữa tâm dịch, đêm nằm trằn trọc đến mất ngủ vì bất an. Nhiều lúc em còn nghĩ xui rủi đau ốm hay mắc COVID-19 không biết sẽ chống chọi một mình như thế nào nữa" - Thi tâm sự.
Cũng như nhiều lao động xa xứ khác đang mắc kẹt tại TP.HCM, đợt dịch dữ dội lần này khiến Thi lâm cảnh khánh kiệt. Cô vừa ra trường, đi thử việc tại một công ty chuyên thiết kế thời trang tròn một tháng thì dịch ập đến. Công ty đóng cửa, Thi nghỉ việc vô thời hạn hơn hai tháng qua. Chưa có hợp đồng lao động, những chế độ hỗ trợ của TP chưa đến được tay bạn.
Đến nay, dù đã trở về, Thi vẫn còn nợ tiền thuê trọ và phải hẹn trả vào dịp khác. Những ngày TP nháo nhào do giãn cách, đến việc mua bó rau, cân thịt cũng hết sức khó khăn vì khan hàng. Vậy là Thi cố thủ trong phòng, ai mang cho gì nhận cái đó, thực phẩm cầm cự hằng ngày quanh đi quẩn lại cũng chỉ có mì gói, đồ hộp.
"Em mừng phát khóc khi nghe mẹ từ quê điện vào báo Đà Nẵng sẽ tổ chức đưa bà con về tránh dịch. Đã vậy còn được đưa về bằng máy bay, ở khách sạn cách ly không mất tiền. Với em, đó thực sự là tình nghĩa tuyệt vời mà quê hương dành cho những người con xa xứ" - Thi tâm sự.
Những gia đình có trẻ nhỏ được TP Đà Nẵng ưu tiên đưa về trong đợt đầu tiên - Ảnh: TẤN LỰC
Ấm lòng những người con xa xứ
Máy bay vừa hạ cánh, anh Trần Huy Dũng (39 tuổi, quê xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) thở phào như vừa tạm trút được gánh nặng. Tay xách nách mang balô, dắt theo mẹ già và người vợ kém 6 tuổi cùng 3 đứa con đi từ nhà ga ra xe đón về khách sạn mà lòng anh ngổn ngang tâm sự.
Lần đầu tiên được đi máy bay, các con anh - đứa lớn nhất 7 tuổi, đứa út vừa tròn 1 tuổi - dường như bị thu hút bởi khung cảnh đẹp đẽ của nhà ga và những chiếc máy bay mà quên mất khó khăn cả nhà đã trải qua mấy tháng nay. Sau ba năm đưa cả gia đình rời quê hương mang theo giấc mộng lập nghiệp, nay anh tay trắng trở về. Nguồn thu nhập duy nhất nuôi sống gia đình với 6 con người đã bị cắt đứt từ lúc chính quyền TP cấm buôn bán hàng ăn uống tại chỗ. Khi chiếc xe đẩy bán nước giải khát trên vỉa hè đường Lý Chính Thắng phủ bạt rồi xếp vào một xó, khó khăn bắt đầu ập tới.
Sáu con người chen chúc trong một phòng trọ chật chội chỉ 20m2 tại phường 9, quận 3, với giá thuê 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Không có thu nhập, tiền tiết kiệm vơi dần, thịt cá trong bữa cơm hằng ngày được thay thế bằng mì gói, cháo gói. Cả nhà ăn uống kham khổ, tạm bợ qua ngày. Nhưng dịch bệnh tại TP.HCM ngày một lan nhanh, anh lo lắng không biết bao giờ được đẩy xe mưu sinh trở lại. TP giãn cách, về không được, ở cũng không xong, anh thấm thía nỗi đau của phận người xa xứ.
Dường như trong lúc tuyệt vọng người ta hay nghĩ về quê nhà. Anh ước được về quê nương tựa bà con thân thuộc, san sẻ rau dưa, tìm một công việc chân tay để kiếm ít tiền cho vợ chợ búa nuôi con.
"Nghe hội đồng hương báo tin sẽ đưa cả nhà về Đà Nẵng, tim tôi thắt lại, lòng nghẹn ngào mà miệng không biết nói gì để cảm ơn. Những người tha hương vào đây có người thành đạt nhưng cũng không ít kẻ lay lắt qua ngày, vất vả đánh đu với cuộc mưu sinh. Tình cảm đồng hương và những sẻ chia lúc này như ngọn lửa sưởi ấm lòng người xa xứ" - anh Dũng tâm sự.
Bà con trở về đa phần có hoàn cảnh khó khăn, đau ốm - Ảnh: TẤN LỰC
Tự hào quê hương Đà Nẵng
Khi chuyến bay cuối cùng an toàn hạ cánh, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu - chủ tịch Hội đồng hương Đà Nẵng tại TP.HCM - thở phào nhẹ nhõm. Ông biết trong số người đăng ký về quê có những bệnh nhân hiểm nghèo, mắc ung thư, chạy thận nhân tạo. Không ít sinh viên, lao động không còn tiền trang trải cái ăn, cả tuần ăn mì gói cầm cự qua ngày.
"Tôi rất tự hào về quê hương Đà Nẵng, nơi đầu tiên hành động đưa đón người về ngay khi biết nhiều bà con kẹt lại TP.HCM. Những ngày nay anh em trong hội mất ăn mất ngủ vì vô số việc cần giải quyết để đưa được bà con ra khỏi nhà đến sân bay trong bối cảnh TP giãn cách nghiêm ngặt. Nhưng may mắn là UBND TP.HCM đã rất quan tâm hỗ trợ nhiệt tình, giúp người dân được di chuyển về quê. Thay mặt bà con đồng hương, tôi xin cảm ơn UBND TP Đà Nẵng, UBND TP.HCM và các tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ hoạt động nhân văn này" - bác sĩ Đẩu chia sẻ.
Chung tay san sẻ cùng đồng hương
Bà con đồng hương Đà Nẵng đầu tiên trở về từ TP.HCM trưa 21-7 tại sân bay Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Trong chiến dịch đưa hàng trăm bà con Đà Nẵng hồi hương lần này không thể không nhắc tới sự chung tay đồng hành của các doanh nghiệp, cơ sở lưu trú. Trong đó, dù hoạt động kinh doanh đang rất khó khăn, Công ty CP Đầu tư khai thác nhà ga quốc tế Đà Nẵng vẫn hỗ trợ mua vé 3 chuyến bay cho bà con trở về. Sáu khách sạn, vốn đang lao đao vì dịch, đồng ý mở cửa tiếp nhận hơn 600 bà con về cách ly miễn phí. Ngoài miễn phí lưu trú, khách sạn 5 sao Risemount Resort Danang còn miễn phí cả tiền ăn và cam kết phục vụ bà con với chất lượng tương đương khách hàng.
Trong giờ khắc khó khăn, tinh thần sẻ chia, lá lành đùm lá rách của người Việt thật đáng quý.
TTO - Chiều 21-7, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có kế hoạch đón 1.000 công dân đang làm việc, sinh sống tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam có nhu cầu về quê do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Xem thêm: mth.96110922212701202-hcid-hnart-euq-ev-mch-pt-ut-ux-ax-noc-iougn-gnuhn-nod-gnan-ad/nv.ertiout