Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), cho biết trong lúc bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nhiều DN vẫn nỗ lực thực hiện "3 tại chỗ". Việc duy trì sản xuất - kinh doanh trong điều kiện "3 tại chỗ" càng khó khăn hơn vì rất nhiều vướng mắc phát sinh trong khâu vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa lẫn việc tổ chức thu mua, nhập hàng và đặc biệt căng thẳng trong việc chăm lo, ổn định DN.
Vì vậy, kiến nghị các cơ quan chức năng nhanh chóng hướng dẫn DN thực hiện "3 tại chỗ" thế nào để thuận lợi hơn trong việc tổ chức hoạt động trong giai đoạn khó khăn này. "Trước đây, TP đã ban hành 6 bộ tiêu chí phòng chống dịch cho các DN, nay đề nghị TP ban hành bộ tiêu chí hướng dẫn DN tổ chức sản xuất theo "3 tại chỗ" cho phù hợp. Tháo gỡ các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa, nguyên liệu, kho bãi, hỗ trợ phục hồi các chuỗi cung ứng trong nước. Cùng với đó là cung cấp nguồn vốn, chính sách giãn nợ thuế…" - ông Dũng nói.
Chia sẻ với các DN hội viên, ông Dũng nhìn nhận diễn biến dịch bệnh còn rất phức tạp. Các chuyên gia y tế đánh giá từ nay đến giữa tháng 8, tình hình dịch mới giảm mạnh. Nếu kéo dài "3 tại chỗ" đến lúc đó thì nhiều DN không chịu đựng nổi. Theo ông Dũng, với tình hình hiện tại, nguy cơ chuỗi cung ứng tại thị trường nội địa bị đứt gãy ngày càng cao, DN buộc phải nhập nguyên liệu nước ngoài về để sản xuất, DN cung ứng trong nước sẽ mất thị phần.
Cũng lo lắng khả năng DN không thể kéo dài "3 tại chỗ" đến 30-40 ngày, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP HCM, cho rằng nhà nước đã có những chính sách rất tốt tháo gỡ vướng mắc về thuế, ngân hàng, giao thông… nhưng DN cần biết kế hoạch chống dịch của TP để chủ động chuẩn bị. "Trong thời gian thực hiện "3 tại chỗ" phát hiện F0 thì sẽ xử lý sao?" - bà Chi đặt vấn đề.
Thực tế, đã có DN phát hiện ca F0 trong lúc thực hiện "3 tại chỗ" nhưng báo với chính quyền các cấp đều không được hướng dẫn xử lý kịp thời khiến DN rất bị động, lo lắng đưa F0 đi rồi có được phun khử khuẩn, cho sản xuất tiếp không, các bước triển khai thế nào? "TP cần trao quyền về cho chính quyền phường trong việc xử lý ca F0. Nếu có ca F0 tại DN là phường xử lý ngay để DN ổn định sản xuất" - bà Chi kiến nghị.
Tại chương trình, các DN đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức "3 tại chỗ", nhất là vấn đề quản lý "xã hội DN". Theo các DN, đang có khó khăn trong "xã hội DN", nếu chủ DN không kịp giải quyết thì sẽ rất phức tạp. Dự báo mâu thuẫn nội bộ trong hệ thống DN trong những ngày "3 tại chỗ" sẽ là thách thức lớn cho các DN. Người lao động không được về nhà và mang nhiều lo lắng, ức chế sẽ dồn nén dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, thậm chí không hiệu quả. "Áp dụng "3 tại chỗ" thì chi phí sản xuất lẫn kinh doanh đều tăng và không thể kéo dài" - ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Bidrico, nói.
Xem thêm: mth.47990802212701202-ohc-iat-3-iad-oek-eht-gnohk-ol-peihgn-hnaod/et-hnik/nv.moc.dln