4 ngư dân huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên) được đưa lên xe của Đội SOS Chữ thập đỏ Phú Yên lúc 0h sáng 20-7 tại huyện Thuận Nam (tỉnh Ninh Thuận) - Ảnh: CAO MINH
Tuổi Trẻ Online ngày 20-7 đăng bài Xuyên đêm ‘ứng cứu’ 4 ngư dân đi bộ từ Ninh Thuận về Phú Yên tránh dịch có lời kể của 1 trong 4 ngư dân là ông Nguyễn Văn Thanh - xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên:
"Không may chuyến đi đầu tiên này chủ thuyền đánh bắt thất bát, lỗ vốn nặng nên 3 ngày trước chúng tôi vào bờ thì không được chia đồng nào. Ở lại cũng chẳng ai nuôi, tiền bạc đâu mà ăn uống, dịch COVID-19 đang phức tạp nên 6 anh em Phú Yên quyết định xách đồ đi bộ 275km để về nhà".
Chủ tàu: cho tạm ứng mỗi ngư dân 3 triệu đồng
Một số báo cũng thông tin do không có tiền, không đón được xe nên 4 ngư dân nêu trên đã quyết định đi bộ về quê, nhưng sau đó họ được xe của Đội SOS Chữ thập đỏ ứng cứu tại huyện Thuận Bắc và đưa về nhà an toàn lúc rạng sáng 20-7.
Tuy nhiên, sau khi thông tin này được đăng trên các báo, UBND xã Cà Ná (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã mời ông Nguyễn Hải, chủ tàu NT-90760-TS, để xác minh vụ việc nêu trên.
Tại đây, ông Hải cho biết tàu ông có 9 người, trong đó có 6 ngư dân Phú Yên là Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Nhanh, Nguyễn Văn Khoa, Nguyễn Văn Hồng, Nguyễn Tấn Ngọc và một người tên Hân.
Sau chuyến biển, ngày 18-7 ông Hải đưa tàu về cảng cá Cà Ná để tránh gió, đợi chuyến biển kế tiếp thì các ngư dân Phú Yên đề nghị cho về để nghỉ ngơi, chờ bớt gió và biển có cá sẽ vào đi biển tiếp.
Ông Nguyễn Hải đã hỗ trợ kinh phí cho mỗi thuyền viên 3 triệu đồng để về tỉnh Phú Yên. Ông cho rằng việc các ngư dân Phú Yên nói không được chủ tàu chi tiền và không tiền nên phải đi bộ về là không chính xác.
Ngư dân ‘kể thật’
Trong ngày 22-7, chúng tôi cố gắng liên lạc nhiều lần với ngư dân Nguyễn Văn Thanh, nhưng ông này không nhận cuộc gọi. Tuổi Trẻ Online đã liên hệ với ông Nguyễn Văn Hồng (ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, một trong bốn ngư dân đi bộ về), thì ông Hồng mới "nói thật câu chuyện để anh Hải (chủ tàu) khỏi buồn".
Theo ông Hồng, sau khi tàu neo ở cảng Cà Ná, thấy tình hình dịch COVID-19 ngày càng nghiêm trọng nên 6 ngư dân mong muốn về quê tránh dịch. Các ngư dân có được chủ tàu đưa lên Trạm xá xã Cà Ná để định test COVID-19 nhưng trạm không thực hiện được.
"Ông Hải có cho mỗi người trong chúng tôi ứng trước 3 triệu đồng, riêng tôi được ông cho thêm 300.000 đồng vì quá trình đi biển có hỗ trợ, giúp đỡ nhiều cho chủ tàu" - ông Hồng kể.
Còn trước đó ông có thông tin chủ tàu cho mấy trăm nghìn để về là vì "nhà báo không hỏi chuyện ứng tiền và thực tế thì chúng tôi cũng chưa được chia tiền".
Được hỏi vì sao với số tiền ấy các ngư dân không thuê xe để về mà đi bộ, ông Hồng nói có gọi taxi nhưng tài xế nói chỉ chở được gần tới Khánh Hòa thôi, chứ không đi thêm được vì các chốt kiểm soát dịch không cho qua.
Do vậy, 6 ngư dân phải đi bộ, sau đó ông Ngọc và ông Hân theo được xe tải quen về. Đến 0h ngày 20-7, xe của Đội SOS Chữ thập đỏ Phú Yên vào tới huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) đón 4 ngư dân còn lại về quê.
Chiều 22-7, ông Huỳnh Văn Khoa - chủ tịch UBND huyện Tuy An - cho biết kết quả xác minh của công an huyện và 2 xã An Ninh Đông, An Ninh Tây cho thấy cả 6 ngư dân đều được chủ tàu hỗ trợ 300.000 đồng và có tạm ứng 2-3 triệu đồng/người.
"Việc thông tin không đúng sự việc hoặc không đầy đủ của ngư dân với báo chí là việc đáng buồn, gây hiểu nhầm không hay. Chúng tôi mong bà con không nên lặp lại những việc như vậy" - ông Khoa nói.
Khen thưởng 1 tập thể, 4 cá nhân giúp 4 ngư dân về quê
Chủ tịch UBND huyện Tuy An tặng giấy khen cho đại diện Đội SOS Chữ thập đỏ Phú Yên - Ảnh: CAO MINH
Ngày 22-7, UBND huyện Tuy An khen thưởng tập thể Đội SOS Chữ thập đỏ Phú Yên và 4 cá nhân vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác hỗ trợ đưa các công dân về huyện Tuy An trong tình hình dịch COVID-19 phức tạp.
Ngay khi hay tin 4 ngư dân Tuy An đang đi bộ từ Ninh Thuận về quê, Đội SOS Chữ thập đỏ Phú Yên thực hiện ngay thủ tục cần thiết và vượt hơn 200km xuyên đêm để đưa 4 ngư dân về quê.
TTO - Không tiền, không đón được xe, 4 ngư dân định đi bộ hơn 275km từ Cà Ná (Ninh Thuận) về Tuy An (Phú Yên) để tránh dịch COVID-19. Lúc họ mệt mỏi nhất thì được Đội SOS Chữ thập đỏ Phú Yên đưa xe vượt hơn 210km ‘ứng cứu’.