Biến đổi khí hậu và nạn chặt phá rừng bừa bãi đã biến cả một khu vực rộng lớn tại Amazon trở thành nơi phát thải CO2. Nói cách khác, rừng Amazon đang từ chỗ là niềm hi vọng chống lại ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lại trở thành kẻ thù của nhân loại - theo một báo cáo đưa ra vào ngày 21/7 vừa qua.
Cụ thể theo như nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature, hàng trăm mẫu không khí thu thập được trong thập kỷ vừa qua đã cho thấy khu vực phía Đông Nam của Amazon đã chuyển từ một bể lưu trữ thành nguồn phát thải CO2 - thành phần chính của khí nhà kính hiện nay.
Được biết, hệ sinh thái trên cạn là một thành phần rất quan trọng của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, trong bối cảnh thế giới đang nỗ lực giảm tải lượng CO2 phát thải vốn đã vượt quá 40 tỉ tấn kể từ năm 2019. Suốt 50 năm qua, cây cối và đất đai đã hấp thụ hơn 1/4 con số ấy, kể cả khi lượng CO2 thải ra tăng thêm 50%. Trong đó, khu vực rừng Amazon chứa đựng đến phân nửa số rừng mưa nhiệt đới của thế giới, và cũng là nơi hấp thụ, lưu trữ CO2 hết sức hiệu quả.
Tuy nhiên nếu như rừng Amazon - với hơn 450 tỉ tấn CO2 đang được giam giữ trong cây cối và nền đất - trở thành nguồn phát thải, cuộc chiến nói trên chắc chắn sẽ đối mặt với một thách thức to lớn.
Theo các chuyên gia, có một số nguyên nhân khiến khu vực phía Đông của Amazon có sự thay đổi lớn như vậy.
"Chặt phá và suy thoái rừng đã khiến khả năng giam giữ carbon của Amazon giảm đi" - tác giả nghiên cứu cho biết.
Kể từ năm 1970, khu vực rừng mưa nhiệt đới của Amazon đã thu hẹp tới 17%, chủ yếu do các hoạt động của con người - chặt phá rừng để chăn nuôi và phục vụ nông nghiệp. Con người thường phát quang bằng lửa, tạo ra nhiều vụ cháy khiến số lượng cây giảm đi ở khu vực lớn, đồng thời cũng thải ra một lượng CO2 đáng kể.
Cháy rừng, chặt phá rừng là những nguyên nhân khiến Amazon mất đi khả năng lưu trữ CO2
Bên cạnh đó, việc khí hậu biến đổi cũng là một nguyên nhân. Nhiệt độ trong các mùa khô tại Amazon đã tăng gần 3 độ C so với trước thời kỳ công nghiệp, gấp 3 lần so với mức trung bình trên toàn thế giới. Nó tạo điều kiện cho những đợt cháy rừng bùng phát mạnh mẽ hơn, khiến số lượng cây giảm đi và thay đổi chức năng của bản thân khu rừng này.
Điểm cực hạn của khu rừng
Tổng hợp lại, những lý do trên đã làm "dấy lên nghi ngờ về khả năng khu rừng (Amazon) có thể giữ lại lượng lớn khí thải từ nhiên liệu hóa thạch trong tương lai" - trích lời Scott Denning, chuyên gia khí tượng từ ĐH Bang Colorado.
Trên thực tế, việc rừng Amazon mất đi khả năng lưu giữ CO2 ở mức độ nào từ lâu đã là một chủ đề gây tranh luận cho các nhà khoa học. Tuy nhiên dữ liệu từ vệ tinh (một phần vì mây mù thường xuyên che phủ khu vực) đã khiến việc tìm ra câu trả lời gặp khó.
Để giải quyết câu chuyện, nhóm chuyên gia do nhà khoa học Luciana Gatti từ Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia (Brazil) đã sử dụng máy bay để thu thập gần 600 mẫu CO2 và CO trong giai đoạn 2010 - 2018 ở độ cao 4,5km tại khu rừng này. Họ thu được nhiều kết quả khác nhau.
Phía Tây Bắc Amazon, CO2 ở mức cân bằng. Nghĩa là khu rừng phát thải CO2 bằng với mức nó hấp thụ. Nhưng ở phía Tây, đặc biệt là vào mùa khô, lượng phát thải là lớn hơn mức hấp thụ rất nhiều.
Một nghiên cứu gần đây sử dụng cách tiếp cận khác cũng cho kết luận tương tự. Theo đó, Amazon đã thải ra nhiều CO2 hơn gần 20% trong giai đoạn 2010 - 2019 so với thập kỷ trước.
Trong một nghiên cứu khác về các ngưỡng của Trái đất nóng lên có chỉ ra rằng, nhiệt độ tăng lên đến một thời điểm nào đó sẽ chạm đến điểm cực hạn của rừng mưa nhiệt đới, biến nó trở thành môi trường đồng cỏ savannah khô nóng hơn. Điều này sẽ dẫn đến một hậu quả rất kinh khủng, gây ảnh hưởng đến nơi chứa đựng hệ sinh thái đa dạng nhất của toàn cầu.
Bản thân rừng Amazon là một trong những điểm cực hạn của hệ thống khí hậu thế giới, bên cạnh thềm băng của Greenland, vùng Tây Nam Cực, vùng băng vĩnh cửu của Siberia, mưa gió mùa của Nam Á, san hô và hệ thống các dòng biển.
Nguồn: Science Alert
JD
Pháp luật và bạn đọc