Trong buổi nói chuyện trên StarTalk , kênh YouTube do chính diễn giả khoa học Neil deGrasse Tyson lập ra và trực tiếp dẫn chương trình, chủ đề nóng nhất mấy hôm nay được nhắc tới: tỷ phú bay lên rìa không gian bằng chính tên lửa do công ty mình chế tạo.
Richard Branson và Jeff Bezos, hai tỷ phú người Anh và người Mỹ, thực hiện chuyến bay lịch sử dưới tư cách những hành khách đầu tiên của những “chuyến bay vũ trụ với mục đích thương mại đầu tiên”.
Ông deGrasse Tyson chỉ ra điểm đặc biệt của những chuyến bay này, là đều được thực hiện bởi những hãng hàng không vũ trụ tư nhân. Tuy nhiên, không đáng để tâng bốc thành tích của Virgin Galactic và Blue Origin, hai công ty của hai vị tỷ phú đang dự định thương mại hóa những chuyến bay tới rìa không gian.
Theo nhận định của deGrasse Tyson, những nhà vật lý không gian, những người nghiên cứu vũ trụ sẽ không coi hai chuyến bay này là “vào không gian”. Bên cạnh đó, ông chỉ ra một số nhầm lẫn của nhiều người về trạng thái không trọng lực.
Đã từ lâu, có tồn tại một khái niệm đường Kármán do Liên đoàn Thể thao hàng không Thế giới đề ra; nó là ranh giới giữa bầu khí quyển và không gian ngoài vũ trụ, cao 100km tính từ mực nước biển trung bình. Hai chuyến bay của Branson và Bezos chưa chạm tới được đường Kármán, họ bay lên độ cao lần lượt là 86km và 76,2km.
Richard Branson trong môi trường không trọng lực.
Bay cùng Jeff Bezos là em trai của ông Mark Bezos, huyền thoại ngành hàng không bà Wally Funk, và cậu chàng tuổi teen Oliver Daemen, người đại diện cho lớp khách hàng đầu tiên trả tiền cho trải nghiệm thăm quan Vũ trụ.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng mỗi quốc gia lại có những điều lệ riêng quy định ranh giới này ở độ cao bao nhiêu, đường Kármán chỉ là ước tính. NASA từng sử dụng đường Kármán để làm mốc đo, nhưng rồi cũng đã thống nhất với Không quân Hoa Kỳ, lấy độ cao 80km làm ranh giới mới. Theo định nghĩa này, mới chỉ Richard Branson đã lên không gian, Jeff Bezos mới chỉ tới rìa không gian thôi.
Neil deGrasse Tyson cũng tính toán và đưa ra so sánh: nếu coi kích cỡ Trái Đất tương đương với quả địa cầu thường thấy trong các lớp học (đường kính khoảng 30cm), Trạm Vũ trụ ISS sẽ nằm ở độ cao khoảng 1cm so với bề mặt quả địa cầu (thực tế, ISS bay ở độ cao 408km so với mực nước biển).
Tỷ phú Branson mới chỉ tới độ cao 86km, tức là mới chỉ bay lên được độ cao 2mm so với quả địa cầu ví dụ kia. Theo lời deGrasse Tyson, độ cao này chưa đủ để nhìn được đường cong của Trái Đất. Ông cho rằng định nghĩa "ngoài không gian" khác nhau của hai phía, một bên là công ty hàng không vũ trụ tư nhân và một là các nhà nghiên cứu, nên sẽ không thể đi đến kết luận chung được.
Còn về quan niệm sai lầm mà một người xem phim nhiều có thể ngộ nhận: trạng thái không trọng lực chỉ xuất hiện khi tàu Branson và Bezos đang trong trạng thái rơi tự do. Việc những người đi trên hai con tàu của Virgin Galactic và Blue Origin có thể trải nghiệm cảm giác không trọng lực không phải bằng chứng cho thấy họ đã ra ngoài Vũ trụ.
Kim
Pháp luật & bạn đọc