- Thách thức mới trong chiến lược An ninh Quốc gia của Nhật Bản
- Trung Quốc và Nga phản ứng về Chiến lược An ninh quốc gia của Mỹ
Đối đầu lâu dài
Với độ dài 44 trang, Chiến lược An ninh quốc gia là một tài liệu đáng chú ý vì không chỉ bao gồm các vấn đề an ninh quốc gia mà còn có cả các vấn đề khác, từ kinh tế đến môi trường, các giá trị sống và quốc phòng. Theo nhiều nhà phân tích, chiến lược này không phải là một tài liệu mang tính cách mạng, ngược lại, ở một mức độ đáng kể, nó chỉ đơn giản là xây dựng dựa trên tài liệu năm 2015. Tuy nhiên, nó đánh dấu sự thay đổi tiến bộ trong các ưu tiên của Điện Kremlin và là sự chắt lọc cuối cùng các lợi ích quốc gia và nhận thức về mối đe dọa của Nga.
Điều đáng chú ý là chiến lược mới vẽ ra một bức tranh đáng báo động hơn về các mối đe dọa mà Nga phải đối mặt từ phương Tây và khái niệm hóa những mối đe dọa đó theo các nghĩa rộng hơn. Danh sách "các quốc gia không thân thiện" mới công bố được đề cập trong chiến lược với cáo buộc đang tìm cách phá hủy đoàn kết nội bộ Nga bằng các phong trào phản đối cực đoan. Đồng thời, Nga nhắc lại lập trường có từ chiến lược an ninh năm 2015 và khái niệm chính sách đối ngoại năm 2016 về việc xây dựng quan hệ với Cộng đồng Các quốc gia độc lập (CIS), Trung Quốc và Ấn Độ thông qua các phương thức song phương và dưới sự bảo trợ của các sáng kiến đa phương như Quan hệ đối tác Á-Âu mở rộng, Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) và Các nền kinh tế mới nổi (BRICS).
Chiến lược An ninh quốc gia 2021 được cho là phản ánh thế giới quan mới của lãnh đạo Nga. Ảnh: Kremlin.ru |
Thực tế, các chủ đề và vấn đề nói trên đã được đề cập đến trong tài liệu năm 2015, do thời điểm đó có những mâu thuẫn lớn giữa Nga với Mỹ và châu Âu. Nhưng, vẫn có những khác biệt cụ thể, cả về nội dung và giọng điệu của văn kiện năm 2021 khiến việc này trở nên có ý nghĩa hơn. Sự khác biệt dễ thấy nhất là trong việc liệt kê các ưu tiên quốc gia, mục tiêu hàng đầu "bảo tồn con người Nga và phát triển tiềm năng con người"; với sự thay đổi cụ thể trong việc ghi nhãn các ưu tiên khác so với năm 2015, ngoại trừ quốc phòng, an ninh quốc gia và công cộng. Những thay đổi này cho thấy cách lãnh đạo Nga nhận thức những thách thức an ninh bên trong và bên ngoài mà nước này đang phải đối mặt và nó cũng được phản ánh trong các phần nội dung của tài liệu chiến lược.
Hầu hết mọi lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược An ninh quốc gia năm 2021 đều có nội dung chỉ trích các hành động của phương Tây có chủ đích làm suy yếu lợi ích quốc gia của Nga. Tài liệu nói rằng Mỹ, các đồng minh, các tập đoàn xuyên quốc gia và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (NGO) cùng những tổ chức khác đang tích cực tấn công các giá trị truyền thống của Nga với mục tiêu khiến Nga mất "chủ quyền văn hóa". Phương Tây cũng đang tìm kiếm cách hạn chế hoạt động của các công ty Nga và "cản trở sự phát triển của Nga ở Bắc Cực; xuyên tạc lịch sử thế giới, phục hóa chủ nghĩa phát xít; xúi giục phong trào phản đối và chia rẽ xã hội Nga".
Quyền lợi của Nga ở Bắc Cực được nhắc trong Chiến lược An ninh quốc gia 2021. Ảnh: Getty |
Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow, Dmitri Trenin nhận định: "Bất chấp hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga vừa kết thúc tại Geneva (Thụy Sĩ), đây là dấu hiệu cho thấy "cuộc đối đầu lâu dài" giữa Nga và phương Tây. Nó cũng đánh dấu sự thay đổi so với năm 2015 khi các mối quan hệ vẫn được cho là có thể được cứu vãn. Các cuộc đàm phán sau này dự kiến sẽ bị hạn chế và chỉ giới hạn trong các lĩnh vực cụ thể".
Vai trò của an ninh thông tin
Thế giới quan này cũng đã dẫn đến việc coi an ninh thông tin như một ưu tiên riêng biệt, nơi ngoài những lo ngại như khủng bố, tấn công mạng và rửa tiền, Nga còn nhận thấy mối đe dọa từ việc sử dụng Internet để huy động các sự kiện hàng loạt, cũng như xuyên tạc lịch sử. Dmitri Trenin lập luận rằng đây là dấu hiệu cho thấy an ninh thông tin đang trở thành một "không gian chiến đấu chính" giữa các quốc gia.
Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga nhấn mạnh: kẻ thù của Nga bao gồm cả các công ty công nghệ quốc tế tấn công Nga bằng cách phát tán những thông tin không được kiểm chứng” và ngăn dòng chảy thông tin mà Chính phủ Nga coi là những thông tin có ý nghĩa xã hội quan trọng. Nhắc tới nỗ lực của một số tổ chức nước ngoài nhằm vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng thông tin ở Nga, chiến lược có đoạn cảnh báo: “Gia tăng bất ổn và xung đột địa chính trị, gia tăng mâu thuẫn liên quốc gia gắn kèm với gia tăng mối đe dọa sử dụng vũ lực quân sự”.
Bảng so sánh những trọng tâm trong Chiến lược An ninh quốc gia của Nga năm 2021 với 2015. |
Theo chiến lược mới, nguyên tắc và quy chuẩn luật pháp quốc tế đang suy yếu, các thể chế và hiệp ước hiện có trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí quốc tế đang ít dần hoặc bị loại bỏ. Điều này chỉ khiến gia tăng căng thẳng và làm trầm trọng thêm tình hình quân sự-chính trị, trong đó có khu vực biên giới Nga. Nga vẫn cam kết tăng cường ổn định hệ thống pháp lý quốc tế và ngăn chặn hệ thống này đổ vỡ, suy yếu hoặc bị áp dụng có chủ ý.
Liên quan đến việc bảo vệ các giá trị truyền thống của Nga và nhận thức về việc nước này đang bị bao vây, trọng tâm trong chiến lược năm 2021 đã tăng lên đa dạng, phù hợp với việc đề cao Nga như một nhà lãnh đạo bảo thủ trong những năm qua. Theo nhà phân tích chính sách đối ngoại người Nga Vasily Kashin, việc tập trung vào các giá trị truyền thống, đảm bảo an ninh thông tin, chống lại tuyên truyền của phương Tây khiến chiến lược năm 2021 trở thành "một văn kiện hoàn toàn mới" và có ảnh hưởng lâu dài. Ông lưu ý rằng những thay đổi này sẽ "không tác động đến chính sách đối ngoại, mà là chính sách nội bộ và hệ tư tưởng". Ngược lại, nó cho thấy có sự đổi thay từ thời điểm mà những vấn đề này được giới tinh hoa tranh luận, chuyển sang một sự đồng thuận tập trung hơn.
Ngoài những thay đổi này, tài liệu cũng kêu gọi chú trọng đến "an ninh kinh tế". Nga nhận thấy nhu cầu chuyển đổi kinh tế từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang chế biến sâu và đa dạng hóa sang các ngành công nghệ cao, đồng thời hướng tới giảm thương mại bằng đồng USD. Trong chiến lược, Nga cũng thừa nhận nhu cầu về thu nhập cao hơn, giảm bất bình đẳng, chăm sóc sức khỏe tốt hơn và thúc đẩy hơn nữa tăng trưởng kinh tế-xã hội. Chưa hết, tài liệu còn ghi nhận tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nhu cầu hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Tác động của đại dịch, kết hợp với tốc độ tăng trưởng vốn đã chậm chạp của Nga trước khi bị COVID-19 tấn công, đã khiến trọng tâm này càng trở thành cấp thiết. Phát triển công nghệ là một lĩnh vực trọng tâm khác, nơi người ta thấy cần phải vượt qua "sự phụ thuộc quan trọng của nền kinh tế Nga vào các công nghệ nhập khẩu", bao gồm đảm bảo tính độc lập về công nghệ của khu vực quốc phòng và sự thay đổi cấu trúc nền kinh tế...
Bảo mật an ninh thông tin là ưu tiên mới xuất hiện trong Chiến lược An ninh quốc gia Nga 2021. Ảnh: Getty |
Trong tài liệu, Nga nhắc lại quan điểm của mình là tìm cách xây dựng một chính sách đối ngoại đa phương, tăng cường vai trò của Liên Hợp quốc (LHQ) và của Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời duy trì sự ổn định chiến lược. Bất ổn địa chính trị sẽ tiếp tục khi trật tự thế giới thay đổi và Chiến lược An ninh quốc gia mới của Nga lập luận rằng các nỗ lực đang được tiến hành để kiềm chế Nga và phương Tây muốn duy trì sự thống trị của mình. Những khẳng định này, đã được Chính phủ Nga nhiều lần đưa ra trong quá khứ, giờ đây đã được thể hiện cụ thể hơn trong Chiến lược An ninh quốc gia.
Một lĩnh vực khác liên tục xuất hiện trong tài liệu liên quan đến quan hệ với phương Đông, xây dựng mối quan hệ với các cường quốc trong khu vực. "Thứ bậc ưu tiên" vẫn giữ nguyên: Cấp một - CIS/Liên minh kinh tế Á-Âu, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Belarus. Cấp hai gồm Trung Quốc và Ấn Độ. Cấp 3 là SCO, BRICS, RIC... "Việc tập trung vào Trung Quốc và Ấn Độ nhấn mạnh tốc độ thay đổi nhanh chóng của trật tự ở châu Á-Thái Bình Dương và tầm quan trọng của Nga đối với khu vực địa lý này.
Cuối cùng, Chiến lược An ninh quốc gia năm 2021 của Nga cũng vạch ra những tham vọng, mối quan tâm cũng như tầm nhìn của cho tương lai. Nó xác định nhu cầu cải thiện tăng trưởng kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn môi trường...; đồng thời, tăng cường tập trung vào một số chủ đề thường xuyên được giới lãnh đạo Nga đề cao trong những năm gần đây bao gồm: thay đổi hệ thống quốc tế, chủ nghĩa bảo thủ; tập trung vào các giá trị truyền thống, mối đe dọa đối với sự ổn định trong nước từ các hành động của phương Tây.
Sông ThươngXem thêm: /588056-agN-auc-iom-aig-couq-hnin-nA-coul-neihC-gnort-ig-oC/gtna-naul-hniB-neik-uS/nv.moc.dnac.gtna