Trong tháng này, Nga và Trung Quốc đã kỷ niệm 20 năm ký kết Hiệp ước láng giềng tốt và hợp tác thân thiện - văn kiện mà Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi là "hành động pháp lý quốc tế cơ bản" đưa quan hệ song phương trong những năm qua lên mức độ “cao chưa từng có", tờ South China Morning Post (SCMP) đưa tin.
Quan hệ Nga - Trung tốt hơn một liên minh
Trước sức ép ngày càng lớn từ các quốc gia dân chủ do Mỹ lãnh đạo, cả hai nước đều muốn thể hiện sự đoàn kết chặt chẽ của họ.
Trong cuộc điện đàm hồi tháng 6 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Putin nhấn mạnh hiệp ước này bao gồm các thỏa thuận quan trọng như sự hỗ trợ lẫn nhau trong việc duy trì sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong khi đó, ông Tập cam kết rằng hợp tác song phương sẽ tiếp tục “bất kể con đường phía trước phải vượt qua bao nhiêu trở ngại”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: REUTERS
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gọi hiệp ước là "cơ sở pháp lý cho mối quan hệ song phương Nga-Trung", một mối quan hệ chặt chẽ hơn một liên minh chính trị - quân sự cổ điển.
Ông Tập gọi mối quan hệ Nga - Trung là “ví dụ điển hình của một kiểu quan hệ quốc tế mới”, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị mô tả nó là tốt hơn một liên minh. Nhìn chung, các quan chức Trung Quốc hạn chế gọi tên cụ thể của mối quan hệ song phương để tránh gây thêm căng thẳng với phương Tây.
Những tảng đá trong quan hệ song phương
Theo SCMP, quan hệ song phương Moscow - Bắc Kinh cũng có những hạn chế của nó. Các quan chức Nga và Trung Quốc đều cho rằng việc ưu tiên bảo mật dữ liệu là điều vô cùng quan trọng.
Theo SCMP, Moscow hiện vô cùng thận trọng đối với cơ sở hạ tầng công nghệ quan trọng của mình, tránh tin tưởng quá mức vào các thiết bị của phương Tây hoặc Trung Quốc. Các nhà chức trách Nga đang tìm cách khiến tất cả các nhà mạng di động nước này chỉ sử dụng thiết bị LTE do Nga sản xuất.
Bên cạnh đó, quan hệ đang ấm dần lên giữa Trung Quốc và Ukraine cũng là một trong những hạn chế của quan hệ Nga - Trung. Trong tháng này, Nga và Ukraine đã công bố một thỏa thuận mở rộng về các dự án cơ sở hạ tầng. Động thái này diễn ra vài ngày sau khi Ukraine đột ngột rút lại quyết định ủng hộ việc đưa ra tuyên bố chung kêu gọi Liên Hợp Quốc thực hiện một cuộc điều tra độc lập về tình hình quyền con người ở khu vực Tân Cương của nước này.
Trong cuộc điện đàm vào ngày 13-7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói với ông Tập rằng Ukraine có thể là “cầu nối châu Âu” cho các doanh nghiệp Trung Quốc.
Cùng ngày, ông Tập cho biết Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Ukraine để “thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống, hiểu biết sâu sắc lẫn nhau và tăng cường các hợp tác thiết thực”.
Vấn đề Crimea cũng là một trong những hạn chế trong quan hệ song phương vì Bắc Kinh chưa chính thức công nhận Crimea là một phần của Nga. Tuy nhiên, Moscow dường như không muốn thúc ép Bắc Kinh về vấn đề này và tránh làm nổi bật vấn đề, ngay cả khi cả hai bên đều hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Trong tháng này, đặc phái viên Nga tại Trung Quốc Andrei Denisov nhấn mạnh rằng Nga công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc theo các quy định của hiệp ước hữu nghị và sẽ không liên kết vấn đề Crimea với vấn đề Đài Loan.
Theo SCMP, căng thẳng trong quan hệ Nga - Trung có thể gia tăng do Bắc Kinh ngày càng tăng cường can dự vào các vấn đề chính trị và an ninh ở khu vực Trung Đông.
Ngày 17-7, ông Vương Nghị cho biết Bắc Kinh phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy việc thay đổi chế độ ở Syria và sẽ đẩy mạnh hợp tác với chính quyền Damascus trong các dự án liên quan đến Sáng kiến Vành đai và Con đường và chống khủng bố.
Cũng trong ngày 17-7, ông Vương cũng có buổi nói chuyện với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif, nhấn mạnh Trung Quốc sẵn sàng tăng cường quan hệ với chính phủ mới của Iran.
Theo SCMP, các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực, bao gồm cả việc tăng cường bán vũ khí, có thể dẫn đến việc gia tăng sự cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Moscow.