Tôi làm gì để tố cáo hành vi này?
Luật sư tư vấn
Theo Tổng cục quản lý thị trường, việc tiếp nhận các hành vi đầu cơ, găm hàng và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, sẽ được các cơ quan Nhà nước tiếp nhận xử lý thông qua việc liên hệ bằng số điện thoại đường dây nóng.
Tất cả số điện thoại đường dây nóng do 23 Cục Quản lý thị trường khu vực miền Nam phụ trách sẽ hoạt động thông suốt 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần. Mọi thông tin sẽ được tiếp nhận theo quy định của pháp luật, đồng thời các thông tin của tổ chức, cá nhân trình báo và nội dung tin phản ánh được giữ bí mật. Quá trình tiếp nhận, xử lý tin báo được thực hiện theo chế độ "Mật" và theo quy định của pháp luật.
Nếu bạn ở TPHCM, bạn có thể gọi đến số điện thoại tiếp nhận tố giác các vi phạm pháp luật về giá 0283.9.321.014 để tố cáo hành vi đó.
Các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ cụ thể là hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết hàng hóa sẽ bị xử phạt như sau:
Theo điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn, cá nhân có hành vi bán giá cao hơn giá niêm yết hàng hóa thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Nếu vi phạm là hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện...., mức phạt từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Tiền phạt với tổ chức bằng hai lần mức phạt tiền với cá nhân.
Ngoài hình thức phạt tiền, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết. Trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách.
Bên cạnh đó, cá nhân, tổ chức có hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý sẽ bị xử lý theo quy định tại điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Tùy từng mức tăng trên tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ, từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, sẽ bị xử phạt từ 5 triệu đồng đến 60 triệu đồng. Mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân.
Tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do vi phạm hành chính.
Luật sư Phạm Thanh Bình
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội
Xem thêm: lmth.7358234-oan-eht-tahp-ib-es-hcid-tod-gnort-aig-ioht-gnah-auc/ten.sserpxenv