Thắng sấy nhãn để giúp người dân bớt được mùa thì mất giá - Ảnh: THÀNH NHƠN
"Xứ mình vốn là vùng trồng nhãn lớn nhất tỉnh. Trái nhãn mang hương vị thơm ngon do được trồng trên vùng cù lao dọc sông Tiền, nhưng nhiều thời điểm cứ được mùa lại mất giá. Nhìn cảnh bà con nông dân rầu rĩ, loay hoay tìm đầu ra nên mình nảy sinh ý định chế biến nhãn thành các dòng sản phẩm mang giá trị kinh tế cao hơn như nhãn sấy, nhãn đóng lon" - Huỳnh Thắng, người con quê Đồng Tháp, tâm sự và ấp ủ đưa hương nhãn quê hương vươn xa đến mọi miền đất nước.
Khởi nghiệp từ lợi thế địa phương sẽ góp phần làm giàu cho bà con quê hương. Đó là hướng đi đúng đắn và đem lại thành công cho tui.
Huỳnh Thắng
Khởi nghiệp với cây kiểng, chậu nhựa
Mới 26 tuổi, Thắng đã là ông chủ doanh nghiệp quản lý hàng chục nhân sự với doanh thu hơn chục tỉ đồng mỗi năm. Chàng trai xứ sen hồng Đồng Tháp chọn cách khởi nghiệp bền bỉ, âm thầm hướng đến những giá trị cốt lõi cho cộng đồng thay vì "khua chiêng gõ trống".
Sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Châu Thành (Đồng Tháp), từ nhỏ Huỳnh Thắng - giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Thắng Đồng Tháp - đã quá đỗi thân thuộc với trái nhãn. Lên Sài Gòn nhập học, ra trường và có thời gian công tác trong ngành ngân hàng nhưng ước mơ về việc nâng cao giá trị cho loại trái cây quê nhà luôn thôi thúc Thắng.
Dịch COVID-19 hoành hành, trái nhãn cũng như bao loại trái cây khác không tránh khỏi việc rớt giá thảm. Nhiều thời điểm giá nhãn chỉ còn từ 7.000-10.000 đồng/kg, không đủ chi phí phân, thuốc.
Thật sự, không chờ đến tận khi dịch giã bắt đầu thì người trồng nhãn mới gặp khó khăn, bởi trước đây điệp khúc "được mùa mất giá" vẫn luôn thường trực. Thời điểm này, Thắng đang tích cực thu mua nhưng kho lạnh của công ty đã chứa hàng trăm tấn nhãn và khó có khả năng tiếp nhận thêm.
"Một vụ nhãn từ khi xử lý cơi đợt, đổ thuốc đến thu hoạch mất gần cả năm mà giá nhãn như thế này thì ai cũng xót. Quần quật cả năm mà không đủ tiền phân, thuốc bỏ ra" - Thắng chia sẻ.
Rời ngành tài chính ở TP.HCM, Thắng về làm giám đốc công ty thiết kế, thi công cây xanh cho những resort, công trình triệu đô khắp đất nước cùng việc kinh doanh chậu nhựa phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Nhãn chỉ là hướng đi gần đây của Thắng, nhưng anh luôn kiên định dù lợi nhuận thu được từ trái nhãn chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng thu nhập hiện tại của công ty.
"Mình làm việc này không đơn thuần hướng đến lợi nhuận. Trước tiên là giải quyết bài toán tiêu thụ trái nhãn quê hương, tiếp theo là nâng cao giá trị và quảng bá trái nhãn đến mọi miền" - Thắng cho biết.
Nhiều người sẽ bất ngờ khi biết Thắng học ngành kế toán của ĐH Công nghiệp TP.HCM. Từ thời sinh viên anh đã cộng tác làm trong lĩnh vực ngân hàng rồi ra trường làm kiểm toán. Thắng từng có suy nghĩ sẽ lập nghiệp tại Sài Gòn, nhưng bất ngờ mẹ bệnh nên anh phải khăn gói về quê dù vẫn muốn gắn bó với chốn thị thành.
"Lúc đó công việc cũng ổn định, làm trong môi trường chuyên nghiệp, năng động nên mình chưa từng nghĩ sẽ về quê. Nhưng sự cố mẹ bệnh đã rẽ mình theo một con đường khác đầy chông gai nhưng cũng dẫn đến thành công, chứ không phải đợi mỗi tháng ký lương" - Thắng tâm sự.
Với vốn liếng ít ỏi tích góp trong vài năm làm việc tại TP.HCM từ lúc còn là sinh viên, Thắng bắt đầu khởi nghiệp bằng việc kinh doanh cây kiểng. Đầu tiên chỉ là công việc làm ăn nhỏ, lấy cây ở làng hoa Sa Đéc và các vùng lân cận bán cho những khách hàng có nhu cầu. Về sau, Thắng chuyển sang đấu thầu, nhận cung cấp cây xanh, thi công những công trình resort, chung cư...
"Khó khăn nhất vẫn là tìm kiếm khách hàng. Mình phải lân la làm quen, bỏ thầu các dự án nhỏ và không ít lần rớt thầu cay đắng. Không nản chí, mình tiếp tục trau dồi, tìm kiếm thêm khách hàng và cố thuyết phục họ. Mình đi học những lớp đào tạo ngắn về thiết kế để phục vụ công việc. Trải qua vài dự án thi công hoàn thiện, chỉn chu thì khách hàng bắt đầu tin tưởng và giao mình những dự án lớn hơn" - Thắng bộc bạch.
Ngoài ra, nhận thấy tiềm năng trong ngành nhựa với việc sản xuất hoa kiểng, Thắng đầu tư nhà xưởng, máy móc để sản xuất chậu nhựa, lưới nhựa phục vụ nông nghiệp, gia dụng. Thắng xây dựng nhà máy trên diện tích 500m2, đầu tư hệ thống máy móc sản xuất nhựa hiện đại, tổng chi phí gần chục tỉ đồng.
"Trung tâm khuyến công tỉnh cũng hỗ trợ một phần, phần còn lại do mình tích góp từ công việc kinh doanh cây kiểng trước đó" - Thắng chia sẻ.
Công việc kinh doanh thuận lợi. Thắng ít khi có mặt ở nhà, mà luôn bận bịu với những chuyến ra Bắc vào Nam để giám sát thi công công trình, làm việc với bộ phận kinh doanh, tìm kiếm đối tác...
Dòng sản phẩm nhãn sấy và nhãn đóng lon phát huy tiềm năng quê hương của anh Thắng - Ảnh: THÀNH NHƠN
Trăn trở với trái nhãn quê hương
Hôm tôi tìm đến, Thắng giới thiệu mới đầu tư hệ thống nhà xưởng cùng hệ thống máy móc hiện đại vào lĩnh vực chế biến nông sản.
"Thật sự tôi đam mê với lĩnh vực chế biến sản phẩm trái cây, đầy tiềm năng nhưng cũng không ít thách thức. Đặc biệt ở Châu Thành thì có sẵn nguồn cung trái nhãn dồi dào, lại canh tác theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, quá thuận lợi cho sản xuất" - Thắng bộc bạch.
Mặc dù mới giới thiệu và đưa sản phẩm ra thị trường khoảng một năm nay, doanh thu sản phẩm nhãn sấy đã là 100 - 150 triệu đồng/tháng. Với kênh phân phối sẵn trước đó, sản phẩm của Thắng chủ yếu tiêu thụ ở nhà hàng, quán karaoke. Ngoài ra Thắng đang xúc tiến đưa sản phẩm vào những kênh buôn bán như siêu thị, cửa hàng tiện lợi và đẩy mạnh bán online...
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Thắng thu mua trái tươi của những thành viên tổ hợp tác sản xuất nhãn theo tiêu chuẩn an toàn. Nhãn sau khi thu mua được phân loại, chế biến và đóng gói trên dây chuyền hiện đại.
"Hằng ngày tui thu mua khoảng 2 tấn nhãn tươi, tương đương 60 tấn nhãn/tháng. Trung bình 8kg nhãn tươi mới có thể cho ra 1kg nhãn khô. Phải trải qua nhiều mẻ sấy, điều chỉnh về nhiệt độ mới cho ra thành phẩm hoàn chỉnh" - Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Trọng Bình, nông dân trồng nhãn hợp tác với Thắng, cho biết đã bán nhãn cho Thắng được gần một năm nay. "Dịch này bà con vùng trồng nhãn ai cũng khó khăn vì không bán được, riêng Thắng vẫn cố gắng thu mua nhãn cho tui với giá ổn định" - ông Bình hồ hởi nói.
Thời gian gần đây, Thắng đã tìm tòi và cho ra đời dòng sản phẩm nhãn đóng hộp tương tự các sản phẩm đào đóng hộp, vải đóng hộp để khách hàng thuận lợi trong chế biến sử dụng. "Vừa rồi tui cũng có xuất khẩu sang Campuchia, tín hiệu cũng tích cực. Mong tình hình dịch qua đi, mọi việc sẽ tiến triển hơn" - Thắng cho biết.
Thiện nguyện vì người nghèo
Hằng năm, anh Thắng đều có nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa như tặng quà các gia đình nghèo khó, tặng xe đạp mới cho học sinh không có điều kiện đến trường. Đặc biệt khi dịch COVID-19 đang hoành hành quê hương, anh đã ủng hộ 70 triệu đồng cùng 1,5 tấn gạo và 4 thùng khẩu trang cho chính quyền địa phương. "May mắn mình khá giả hơn người khác nên cũng muốn chia sẻ một phần nào đó may mắn đến với người khác. Trước giờ mình quyên góp rồi làm âm thầm thôi, không cần rùm beng cho ai biết cả" - Thắng chia sẻ.
---
Bỏ hai công việc thu nhập 50 - 60 triệu/tháng ở Sài Gòn, cô gái quyết lên Đà Lạt lập nghiệp ở tuổi... 21 để sống trọn đam mê bản thân, dù không ít lần cô bị chính đam mê ấy "dạy cho một bài học".
Kỳ tới: Cứ làm, thất bại không hối tiếc
TTO - Bỏ ngang việc học Đại học Bách khoa khi đang năm thứ 3, Nguyễn Tiến Huy, 36 tuổi, còn có biệt danh Huy "bút chì" đã giã từ con đường quen thuộc là tốt nghiệp ĐH và đi làm công ăn lương.