Các bạn trẻ tham gia tổ chức hoạt động vui chơi của người cao tuổi trước khi sang Nhật Bản - Ảnh: HÀ QUÂN
Ưu tiên người nghèo, dân tộc thiểu số
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), chương trình đưa ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (EPA) khóa 11 đang tuyển 240 chỉ tiêu.
Đối tượng ưu tiên là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân tộc thiểu số, người sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.
Vì là chương trình phi lợi nhuận nên người tham gia EPA được đài thọ toàn bộ tiền ăn ở, học tập, vé máy bay khứ hồi, visa sang Nhật, hỗ trợ sinh hoạt phí khi học tiếng Nhật, tham gia khóa đào tạo nâng cao… Người lao động đạt chứng chỉ tiếng Nhật N1, N2 không phải tham gia khóa đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam. Mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý thông thường từ 160.000 - 180.000 yen/tháng.
Về điều kiện, ứng viên hộ lý tham gia EPA phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa, không quá 35 tuổi… Với ngành điều dưỡng, ngoài các điều kiện trên phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, ứng viên ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng (bao gồm thời gian tập sự 9 tháng).
Thanh niên người dân tộc, hộ nghèo... là đối tượng ưu tiên của chương trình EPA - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Nhật Bản ưu tiên ứng viên chăm sóc người cao tuổi
Theo ông Phạm Viết Hương - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2012 đến nay, hơn 2.000 ứng viên Việt Nam (10 khóa EPA) đã được tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật trước khi sang làm việc tại Nhật Bản. Trong đó, 1.696 ứng viên đã sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản.
Ông Hương cho biết ứng viên tham gia EPA có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên sâu, chẳng hạn như kê đơn thuốc, dược phẩm trong các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi.
Qua nhiều năm tiếp nhận, các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi đánh giá ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam có thái độ làm việc chăm chỉ, chịu khó, hòa nhập nhanh với công việc, vượt trội so với ứng viên từ các nước khác. Điều đó thể hiện qua tỉ lệ thi đỗ chứng chỉ hành nghề quốc gia để làm việc lâu dài ở Nhật Bản cao hơn Indonesia, Philippines. Ví dụ, số hộ lý thi đỗ đạt trên 90%.
Theo ý kiến của Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, việc tiếp nhận ứng viên điều dưỡng, hộ lý là hoạt động đặc biệt được triển khai trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Chính phủ. Thời gian tới, Nhật Bản mở rộng tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài, ưu tiên hàng đầu là nhân lực chăm sóc người cao tuổi.
Trước đó ngày 6-9, tại cuộc gặp với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi nhấn mạnh chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là mở rộng dần các ngành nghề, lĩnh vực cho thực tập sinh nước ngoài. "Trước mắt, một số ngành nghề được mở rộng và ưu tiên hàng đầu là chăm sóc người cao tuổi", ông Yasuhito Hanashi cho hay.
Là điều dưỡng tại Bệnh viện Đại học Y Saitama (Nhật Bản), anh Vũ Văn Minh cho hay bản thân khi mới sang Nhật cũng bỡ ngỡ do chưa quen với tiếng địa phương. Do đó, anh khuyên các bạn trẻ tham gia chương trình cần dành nhiều thời gian nâng cao chuyên môn cũng như ngoại ngữ để quá trình khám chữa bệnh, điều trị cho bệnh nhân hiệu quả.
Còn anh Vũ Phi Hùng, ứng viên hộ lý tại một viện dưỡng lão ở tỉnh Ehime (Nhật Bản), cho biết khi có chuyên môn, kỹ năng nhất định cộng với vốn ngoại ngữ tốt, người tham gia EPA hoàn toàn có thể làm việc lâu dài, thậm chí đưa người thân sang Nhật.
Thời gian nhận hồ sơ chương trình EPA từ 7-6-2022 đến 31-10-2022 (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Ứng viên tìm hiểu thêm thông tin qua Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 024.3824.9517 (số máy lẻ 513, 611).
TTO - Trước tình trạng thiếu điều dưỡng tại các bệnh viện ở TP.HCM, ngành y tế TP mong muốn có thêm trợ lý điều dưỡng như mô hình ở nước ngoài. Những người này được đào tạo ngắn hạn trong 3 tháng.
Xem thêm: mth.52033505180012202-man-teiv-iougn-yl-oh-gnoud-ueid-meht-nahn-peit-noum-nab-tahn/nv.ertiout