- Tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam
- Cơ hội và chính sách ưu đãi thu hút các nguồn lực đầu tư ở Phú Yên
- Thái Bình tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng khu dân cư nông thôn kiểu mẫu
- Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới
- Tập trung nguồn lực đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc và miền núi giảm nghèo nhanh và phát triển bền vững
Thảo luận tại tổ về Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến giai đoạn 2021-2025, sáng 24/7, ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) bày tỏ tâm đắc khi báo cáo lần này Chính phủ chỉ ra nhiều hạn chế với thái độ thẳng thắn, cầu thị, rất đúng, rất trúng. Đó là những hạn chế về thể chế, chính sách pháp luật, trình tự thủ tục đã trở thành rào cản khiến chậm tiến độ phân bổ nguốn vốn, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện; việc bố trí vốn còn dàn trải; phân cấp, phân quyền không rõ ràng...
ĐBQH Hoàng Đức Thắng thảo luận tại tổ. |
Đại biểu đề nghị phải chuyển nhận thức trong huy động vốn đầu tư. "Lâu nay chúng ta nặng chờ vốn ngân sách Trung ương, trong khi huy động vốn đầu tư xã hội dư địa rất lớn, do đó mục tiêu Chính phủ đặt ra hoàn toàn đúng. Phải huy động tối đa các nguồn lực đầu tư trong xã hội để làm thay đổi về chất trong huy động nguồn vốn đầu tư công trung hạn", ĐBQH Hoàng Đức Thắng nêu quan điểm.
Theo ông, phải xem trong 5 năm tới giải pháp nào là đột phá để tập trung. "Giải pháp đột phá thứ nhất là về thể chế, chính sách pháp luật, làm sao tách giải phóng mặt bằng ra khỏi các dự án đầu tư để triển khai nhanh. Các trình tự, thủ tục, thời gian giao vốn cũng phải đột phá, vì các tỉnh miền Trung gắn với bão lũ, nếu giao vốn chậm thì việc tổ chức thực hiện rất khó khăn", đại biểu nói và đề nghị tăng cường phân cấp, giao quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi liền với siết chặt kỷ luật, kỷ cường trong đầu tư công...
ĐBQH Phạm Thị Thanh Trà (Yên Bái) cho rằng, chủ trương đầu tư công trung hạn cần tư duy mới, tầm nhìn chiến lược để với nguồn lực không nhiều chúng ta vẫn có thể đầu tư trọng tâm, trọng điểm, hài hòa, có tính lan tỏa, phù hợp. Làm sao lấy đầu tư công dẫn dắt, thu hút nguồn lực xã hội, đảm bảo mục tiêu thực sự đột phá cho sự phát triển hạ tầng, tháo gỡ thể chế chính sách...
ĐBQH Phạm Thị Thanh Trà thảo luận tại tổ. |
Nhấn mạnh việc tháo gỡ vướng măc về thể chế, đại biểu đánh giá đây có thể là yếu tố thu hút nguồn lực lớn từ xã hội. "Nếu COVID-19 tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nguồn lực đầu tư, do đó cần có phương án dự phòng vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy nguồn vốn các địa phương. Chẳng hạn, liên quan giải phóng mặt bằng, gần như những dự án trọng điểm ở địa phương nào thì địa phương ấy phải tự giải quyết", nữ đại biểu nhận định.
ĐBQH Nguyễn Văn Mạnh (Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp quyết liệt để khắc phục các hạn chế từ nhiều năm nay: nhiều dự án chậm tiến độ, bố trí vốn không đúng, tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, giao vốn kế hoạch trung hạn hàng năm chậm và giao nhiều lần, sử dụng vốn vay nước ngoài chậm và phải gia hạn...
"Qua thực tế cơ sở, tôi nhận thấy, vướng mắc giải phóng mặt bằng các dự án là điểm nghẽn quan trọng nhất. Liên quan vấn đề đất đai, các dự sán sau khi kê khai, kiểm đếm, đền bù người dân mà không đồng thuận thì các địa phương quyết liệt cưỡng chế. Tuy nhiên bị vướng các luật liên quan thu hồi đất, nguồn gốc đất, giá đền bù...", đại biểu đề nghị Chính phủ khảo sát, rà soát tất cả nội dung liên quan vấn đề đất đai, từ đó đề xuất Quốc hội có 1 luật sửa rất nhiều luật, trong đó có luật đất đai. Đồng thời, trong khi chờ sửa Luật Đất đai nên có động thái sớm gỡ vướng mắc để khai thông các điểm nghẽn, thúc đẩy đầu tư công, phát triển kinh tế - xã hội...