Công ty cổ phần dịch vụ hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2021 với doanh thu thuần chỉ 94 tỷ đồng. Đây là quý thứ 5 liên tiếp doanh thu của SASCO ở mức thấp. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, SASCO thường thu về 600-700 tỷ đồng mỗi quý.
Trong cơ cấu doanh thu của SASCO, mảng bán hàng miễn thuế chỉ đem về 27,5 tỷ đồng, bán hàng tại các trung tâm thương mại là 18 tỷ đồng, doanh thu hoạt động phòng chờ là 19,4 tỷ đồng và doanh thu các hoạt động khác là 28,6 tỷ đồng.
Lợi nhuận gộp kỳ này là 48 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động tài chính là 23 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng các loại chi phí lên tới 86 tỷ đồng khiến SASCO lỗ 14,5 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh chính, kéo theo đó là lỗ trước thuế và sau thuế cũng là 14,5 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên SASCO báo lỗ.
Lý giải việc thua lỗ, SASCO cho biết, nguyên nhân là do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Chính phủ đã áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại, cách ly tại nhà, giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Các lĩnh vực hàng không, du lịch, thương mại chịu tác động lớn nhất và sản lượng hành khách nội địa tại sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất sụt giảm mạnh, trong khi các chuyến bay quốc tế vãn tạm ngừng khai thác.
Bên cạnh đó, năm nay SASCO cũng bị giảm doanh thu tài chính, vì trong kỳ lãi tiền gửi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các khoản đầu tư góp vốn giảm sâu trong khi chi phí tài chính lại tăng lên.
Kết quả thua lỗ quý 2 đã khiến SASCO lỗ 1,8 tỷ đồng sau 6 tháng. Doanh thu 6 tháng là 202 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của SASCO là 1.623 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm.
Trong tháng 6, "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn đã có văn bản đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo. Mục tiêu của Công ty cổ phần IPP Air Cargo hướng đến mảng vận tải hàng hóa hàng không, hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế.
Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại sẽ huy động từ các nguồn hợp pháp khác. Nếu được cấp phép, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 tàu bay hàng hoá, sau đó tăng lên 7 chiếc vào năm thứ hai và 10 chiếc vào năm thứ 3. Hãng dự kiến vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD. IPP Air Cargo dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi cất cánh chuyến bay đầu tiên.
Tuy nhiên mới đây, Cục Hàng không VN đã thông tin và đề nghị chưa xem xét cho phép thành lập hãng hàng không mới trong giai đoạn hiện nay: "Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại công văn số 5833 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm các hãng hàng không mới trong tình hình mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)".
Cục Hàng không cho rằng, việc chưa xem xét thành lập thêm hãng hàng không chuyên chở hàng hóa, cũng là một trong các biện pháp hạn chế tối đa khả năng mất cân đối cung/cầu của thị trường, tránh gây ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững của ngành hàng không Việt Nam do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Hà My
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị