Có tới 6 công ty con của Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) rơi vào tầm kiểm sát tài chính đặc biệt khi có những dấu hiệu mất an toàn tài chính.
Trong báo cáo kiểm toán Báo cáo tài chính và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước năm 2019 của 160 doanh nghiệp thuộc 17 Tập đoàn và tổng công ty, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều lỗ hổng trong hoạt động của Tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC).
Theo đó, Công ty mẹ UDIC quản lý nợ chưa chặt chẽ, còn để phát sinh nợ phải thu quá hạn lên tới 315,21 tỉ đồng. Việc trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi thừa 5,20 tỉ đồng.
Dự án Đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội đã quá hạn trên 16 năm nhưng đến nay chưa được UBND thành phố Hà Nội gia hạn thực hiện dự án.
Điều đáng chú ý là nhiều công ty thành viên của UDIC bị đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể là Công ty CP Xây dựng và Thương mại Ngọc Minh, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hà Thành UDIC, Công ty CP Đầu tư và Quản lý Bất động sản UDIC, Công ty CP UDIC Kim Bình, Công ty CP Vật liệu xây dựng và XNK Hồng Hà, Công ty CP Đầu tư và Bê tông Thịnh Liệt.
Theo đó, doanh nghiệp có các dấu hiệu mất an toàn tài chính như có số lỗ phát sinh năm báo cáo lớn hơn 30% so với mức lỗ kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; có số lỗ phát sinh trong năm báo cáo từ 30% vốn đầu tư của chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn đầu tư của chủ sở hữu; Hay có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định của cơ quan đại diện chủ sở hữu (nếu có); Có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5.
Ngoài ra, căn cứ vào các dấu hiệu khác, cơ quan đại diện chủ sở hữu kết hợp xem xét khi xác định dấu hiệu mất an toàn tài chính của doanh nghiệp được quy định cụ thể trong Nghị định số 87/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Công ty mẹ - UDIC có một số khoản đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác bị thua lỗ, mất vốn. Cụ thể, 05 công ty liên doanh, liên kết của UDIC lỗ lũy kế 288,7 tỉ đồng, 01 công ty ngừng hoạt động, 02 khoản đầu tư khác lỗ lũy kế 32,1 tỉ đồng và 01 khoản đầu tư dài hạn khác dừng hoạt động.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra rằng, UDIC chưa ban hành hoặc ban hành quy chế người đại diện vốn chưa đúng quy định.
Về việc sử dụng đất, UDIC chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả lô đất B2 thuộc khu đô thị mới Yên Hòa, Cầu Giấy. Toàn bộ các đơn vị theo danh mục được phê duyệt của UDIC chưa thoái vốn đầu tư theo kế hoạch được duyệt.
Tính đến thời điểm ngày 31.12.2020, nợ phải trả của UDIC là hơn 2.890 tỉ đồng, trong đó có 2.028 tỉ đồng nợ ngắn hạn và 862 tỉ đồng nợ dài hạn.
Trong năm 2020, UDIC đạt tổng doanh thu và thu nhập khác là 2.361 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 457,77 tỉ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu đạt 11,63%.
Năm 2021, UDIC đặt kế hoạch doanh thu 2.500 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 465 tỉ đồng. Doanh nghiệp này đặt mục tiêu không còn nợ quá hạn và khả năng thanh toán lớn hơn hoặc bằng 1.