Liệu hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel có thể bảo vệ khu vực Trung Đông khi Mỹ rút các hệ thống phòng không của nước này - bao gồm gồm Patriot và Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) -khỏi khu vực?
Tháng trước, Mỹ thông báo rút hệ thống Patriot khỏi Saudi Arabia, Jordan, Kuwait và Iraq cũng như rút THAAD khỏi Saudi Arabia, đồng thời đẩy nhanh việc rút quân khỏi khu vực.
Hệ thống THAAD của Mỹ. Ảnh: TWITTER
“Mỹ đang chuyển từ quyền lực cứng sang quyền lực mềm khi giải quyết các xung đột ở Trung Đông” – Đại tá không quân về hưu Zafer Alajmi của Kuwait nói với trang tin Breaking Defence.
Ông Alajmi gợi ý rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể lấp khoảng trống này nhằm mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
“Giải pháp thay thế là nước nào đó có căn cứ và trung tâm quân sự trong khu vực và là nước mà chúng tôi chia sẻ thỏa thuận an ninh và mua vũ khí” – ông Alajmi nói.
Tuy vậy, các chuyên gia an ninh cho rằng sự vắng bóng của hệ thống phòng thủ Mỹ tại Trung Đông có thể mở ra cơ hội cho công nghệ quốc phòng tiên tiến của Israel để lấp đầy khoảng trống trong bối cảnh quan hệ giữa nước này với các nước Ả Rập tan băng gần đây.
Lựa chọn thay thế
Là nước giữ vai trò quan trọng trong khu vực, Saudi Arabia đã khởi xướng ngành công nghiệp quốc phòng địa phương của khu vực bằng tập đoàn công nghiệp quốc phòng General Authority for Military Industries (GAMI). Saudi Arabia thông báo rằng nước này đã tăng tỉ lệ nội địa hóa lên gấp bốn lần trong giai đoạn đầu của ngành công nghiệp quân sự còn non trẻ của họ, theo Breaking Defense.
Tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: TWITTER
“Bất cứ nhà đầu tư nào có mong muốn đều được hoan nghênh đầu tư vào Saudi Arabia với 100% vốn sở hữu nước ngoài và họ sẽ được trao cơ hội, ưu đãi và nghĩa vụ như các công ty địa phương” – người đứng đầu GAMI, ông Ahmad A AlOhali cho hay.
Một lựa chọn thay thế khác là Israel. Theo các chuyên gia, Israel có thể lấp khoảng trống mà Mỹ để lại tại Trung Đông. Israel sản xuất một trong những vũ khí quân sự hiện đại nhất thế giới – hệ thống phòng thủ Iron Dome (Vòm Sắt).
Xuất khẩu quân sự của Israel đạt 8,3 tỉ USD trong năm 2020, trong khi doanh thu xuất khẩu quân sự năm 2017 đạt 9,2 tỉ USD. Xuất khẩu vũ khí của Israel chiếm 3% tổng kim ngạch toàn cầu năm 2016-2020, và cao hơn 59% giai đoạn 2011-2015, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).
Theo hãng tin Bloomberg, Vòm Sắt được chế tạo để đối phó súng cối và tên lửa bắn vào lãnh thổ Israel ở khoảng cách tương đối gần. Những tên lửa này thường do các tay súng Hamas tại Dải Gaza và phong trào Hezbollah chống Israel tại Lebanon bắn sang.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel đã đánh chặn hàng loạt rocket do lực lượng nổi dậy Hamas phóng sang trong cuộc xung đột tại dải Gaza hồi tháng 5. Hệ thống này đã đánh chặn hơn 2.500 mục tiêu kể từ năm 2011.
Tên lửa Vòm Sắt của Israel đánh chặn tên lửa của Hamas trong một cuộc xung đột gần đây. Ảnh: TWITTER
Vậy Vòm Sắt hoạt động như thế nào? Một radar siêu nhạy phát hiện một tên lửa đang lao tới từ khoảng cách 4 km -70 km, và dự đoán quỹ đạo của mục tiêu và điểm tác động. Một trung tâm điều khiển xử lý thông tin đó và kết nối với bệ phóng để bắn tên lửa nhằm phá hủy mục tiêu.
Mỗi khẩu đội Vòm Sắt có 3-4 bệ phóng và được thiết kế để bảo vệ một khu vực dân cư rộng 155 km2, theo Raytheon.
Theo một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel, giá thành mỗi tên lửa Vòm Sắt là 40.000 USD – 50.000 USD. Hệ thống được thiết kế để hoạt động hiệu quả trong mọi loại thời tiết.
Vòm Sắt có thể đẩy lùi các mối đe dọa đang lao tới bao gồm rocket, tên lửa dẫn đường chính xác tầm ngắn, máy bay không người lái cũng như tên lửa hành trình.
Năm 2019, Bộ Quốc phòng Mỹ và Bộ Quốc phòng Israel ký thỏa thuận mua bán hai khẩu đội Vòm Sắt cho quân đội Mỹ đồn trú tại Iraq và Syria.
Sau đó, năm 2020, tập đoàn quốc phòng Raytheon có trụ sở tại Mỹ hợp tác với công ty công nghệ quốc phòng Rafael Systems của Israel để sản xuất tên lửa đánh chặn Vòm Sắt và các bệ phóng tại một cơ sở hiện đại ở Mỹ.
Israel còn sản xuất hệ thống Spyder, có thể đánh chặn máy bay không người lái và máy bay. Dòng tên lửa Barak của công ty chế tạo hàng không vũ trụ IAerospace Industries (IAI) của Israel là một trong những tên lửa đánh chặn tiên tiến nhất, được thiết kế để chống lại bất kỳ mối đe dọa trên không nào.