Phổ điểm môn tiếng Anh - Nguồn: Bộ GD-ĐT
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, môn tiếng Anh có 866.993 thí sinh dự thi và là môn thi có "kịch tính" nhất.
Không bất ngờ
Cụ thể, cùng với môn Lịch sử, Tiếng Anh là môn có nhiều thí sinh đạt điểm dưới trung bình nhiều nhất (Tiếng Anh 40,27% dưới trung bình; Lịch sử 52,03%). Nhưng đây lại là môn thi đứng thứ 2 trong số các môn thi có điểm 10 với trên 4.000 điểm 10.
Thầy Nguyễn Minh Hưng, giáo viên môn Tiếng Anh ở quận 5, TP.HCM, nhận định: "Kết quả mưa điểm 10 môn Tiếng Anh không gây bất ngờ cho chúng tôi vì đề thi năm nay phân hóa không rõ rệt giữa mức giỏi và khá, giỏi và rất giỏi. Với một đề thi mang tính vừa sức thí sinh thì các em được học môn Tiếng Anh một cách nghiêm túc, đầy đủ chắc chắn sẽ đạt được điểm 10".
Nhiều giáo viên và hiệu trưởng khác ở TP.HCM cũng cho rằng phổ điểm môn Tiếng Anh có "hai đỉnh" là một tín hiệu đáng mừng. Điều này cho thấy không phải tất cả học sinh đều yếu môn này.
"Tôi nghĩ, nếu có thống kê cụ thể, chắc chắn số học sinh đạt điểm cao môn tiếng Anh tập trung ở những đô thị lớn, các em được đầu tư học tiếng Anh một cách bài bản" - một giáo viên nói.
Phân hóa rõ điều kiện dạy học tiếng Anh
Theo TS Lê Trường Tùng - chủ tịch Hội đồng quản trị Trường đại học FPT - kết quả thi môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT khá trùng lắp với phổ điểm Tiếng Anh thi lớp 10 của TP Hà Nội vừa qua với 1 đỉnh dành cho số đông và 1 đỉnh cho đối tượng được đầu tư tiếng Anh nhiều.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cũng cho rằng phổ điểm môn Tiếng Anh thể hiện sự phân hóa rõ rệt về điều kiện dạy học như cơ sở vật chất, chất lượng giáo viên, sự quan tâm đầu tư của phụ huynh và học sinh với môn học. Việc này đã diễn ra ở các năm trước, nhưng rõ rệt hơn ở năm nay.
Chia sẻ thêm về phổ điểm "2 đỉnh" - TS Quách Tuấn Ngọc, nguyên cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) - cho rằng một trong những mục tiêu của kỳ thi là đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và điều chỉnh chính sách giáo dục.
"Vì thế với phổ điểm này, cần phải phân loại cụ thể địa phương/vùng miền nào có phổ điểm lệch về bên trái. Những nơi tập trung ở đỉnh bên phải có điều kiện dạy học, sự đầu tư cho môn học này ra sao. Những phân tích cụ thể như thế sẽ giúp Bộ GD-ĐT và các sở GD-ĐT có sự điều chỉnh trong chiến lược đầu tư cho giáo dục cũng như các chỉ đạo triển khai nâng chất lượng dạy học" - TS Quách Tuấn Ngọc ý kiến.
TTO - Ngày 26-7, Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021. So với năm trước, phổ điểm thi các môn năm nay có nhiều biến động. Lịch sử, tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất nhưng tiếng Anh lại có 'mưa điểm 10'.
Xem thêm: mth.27152650162701202-01-meid-aum-oc-tpht-peihgn-tot-hna-gneit-nom-oas-iat/nv.ertiout