Những khán giả quen thuộc của VTV hẳn cũng đã thuộc lòng những câu quảng cáo được phát đi phát lại vào khung giờ vàng như "Tâm Bình – Mang cả tâm tình trong từng sản phẩm", "Dầu gội Thái Dương – 7 ngày không gàu không ngứa" hay "Hoạt huyết dưỡng não Traphaco",…
Tương tự như ngành hàng FMCG, dược phẩm đông y hay thực phẩm chức năng cũng được các doanh nghiệp dược chi số tiền lớn để phủ sóng quảng cáo trên các kênh truyền hình. Tuy nhiên, nếu như các doanh nghiệp sản xuất đông-tây y kết hợp hoặc thiên về tây y liên tục báo cáo kết quả kinh doanh tốt và lãi lớn thì doanh nghiệp thuần đông y lại khiêm tốn hơn rất nhiều.
Dầu gội dược liệu được Sao Thái Dương quảng cáo khắp các kênh truyền thông.
Viên khớp Tâm Bình của Dược phẩm Tâm Bình.
Nói về đông y, Sao Thái Dương và Dược phẩm Tâm Bình là hai tên tuổi nổi bật trên thị trường, đều sản xuất dược phẩm từ thảo mộc trong nước. Công ty cổ phần Sao Thái Dương được thành lập từ năm 2002 bởi dược sĩ Nguyễn Hữu Thắng và Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thị Hương Liên. Trong khi đó, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Dược phẩm Tâm Bình tiền thân là Công ty TNHH Dược phẩm Phong Bà Giằng, được thành lập từ năm 2007 bởi tổng giám đốc kiêm dược sĩ Lê Thị Bình.
Các sản phẩm được Sao Thái Dương quảng cáo rầm rộ có thể kể đến như dầu gội dược liệu, Roket 1h, kem nghệ nano bạc,… Doanh thu của doanh nghiệp này tại trụ sở bắt đầu có bước tiến đáng kể vào năm 2017, tăng từ mức 69,3 tỷ đồng vào năm 2016 lên 466 tỷ đồng. Từ 2018-2019, con số này lại tăng thêm khoảng 200 tỷ đồng mỗi năm, lần lượt chạm mốc 667 tỷ và 828 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận tại trụ sở Sao Thái Dương chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng, tỷ suất sinh lời chưa tới 1%.
Tuy nhiên, chi nhánh Sao Thái Dương tại Hà Nam lại có tình hình khả quan hơn, về cả doanh thu và lợi nhuận thuần. Mỗi năm, chi nhánh này mang về khoảng 400-500 tỷ đồng và ghi nhận lợi nhuận trên dưới 100 tỷ đồng (từ 2017 đến 2019).
Dược phẩm Tâm Bình cũng chung tình trạng. Doanh thu của công ty này khiêm tốn hơn so với Sao Thái Dương. Năm 2017, Dược phẩm Tâm Bình ghi nhận doanh thu 17,96 tỷ đồng và lợi nhuận 2,88 tỷ đồng. Năm 2019, hai chỉ số này lần lượt là 41,75 tỷ đồng và -1 tỷ đồng, trong khi năm 2018 cũng chỉ lãi 85 triệu đồng.
So sánh với các doanh nghiệp sản xuất cả dược phẩm đông và tây y như Traphaco, Dược Hậu Giang hay Pharbaco thì doanh thu và lợi nhuận của Sao Thái Dương, Tâm Bình chỉ như muối bỏ bể.
Với Dược Hậu Giang (Mã CK: DHG), công ty có tiền thân là Xí nghiệp quốc doanh Dược phẩm 2/9, thành lập ngày 02/9/1974, là doanh nghiệp dược nội địa lớn nhất Việt Nam xét về doanh thu và vốn hóa thị trường.
Với vị thế dẫn đầu ngành dược, DHG hiện sở hữu danh mục đa dạng hơn 300 sản phẩm, mạng lưới phân phối 28.000 nhà thuốc đại lý rộng khắp cả nước và thị trường xuất khẩu trải dài 14 quốc gia.
Doanh thu của Dược Hậu Giang tính bằng đơn vị nghìn tỷ, lợi nhuận cũng tăng trưởng khá ổn định, từ mức 420 tỷ (năm 2011) lên 739 tỷ đồng (năm 2020). Từ năm 2019, công ty CP Chế tạo thuốc Taisho (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản) đã sở hữu 51% cổ phần Dược Hậu Giang.
Công ty cổ phần Traphaco (Mã CK: TRA) có doanh thu cũng quanh mức 1.700-1.900 tỷ đồng. Năm 2020, Traphaco đạt hơn 1.908 tỷ đồng doanh thu và 216,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 12% và 27% so với năm 2019.
Hoàng Thuỳ
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị