Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vắc xin cho người dân ở TP.HCM chiều 22-7 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bản tin 6h ngày 28-7 của Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 2.861 ca mắc COVID-19 mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 2.858 ca ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.115), Đồng Nai (134), Tây Ninh (120), Đồng Tháp (91), Khánh Hòa (86), Hà Nội (69), Bà Rịa - Vũng Tàu (56), Trà Vinh (38), Bến Tre (32), Phú Yên (30), Tiền Giang (30), An Giang (24), Đắk Lắk (13), Sóc Trăng (12), Cần Thơ (5), Bình Định (2), Hải Dương (1); trong đó có 403 ca trong cộng đồng.
Tính đến sáng 28-7, Việt Nam có tổng 117.121 ca mắc, trong đó có 2.206 ca nhập cảnh và 114.915 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ ngày 27-4 đến nay là 113.345 ca, trong đó có 20.172 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 6/63 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Nam Định.
Có 11 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Hòa Bình, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hải Dương.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Đã tiêm chủng trên 5 triệu liều vắc xin
Trong ngày 27-7, có gần 258.080 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là trên 5.013.170 liều, trong đó tiêm 1 mũi là gần 4.562.340 liều, tiêm mũi 2 là gần 450.840 liều. 27-7 là ngày có số mũi tiêm nhiều nhất tính từ đầu tháng 7 này.
Về các hoạt động phòng chống dịch tại địa phương, Bộ Y tế cho biết Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 số 16 (Bệnh viện dã chiến số 16) tại quận 7, TP.HCM với quy mô 2.800 giường dự kiến sẽ nhận bệnh nhân từ ngày 28-7.
Nhiều bệnh viện tư trên địa bàn TP.HCM đã đăng ký tham gia một phần (theo mô hình bệnh viện tách đôi) hoặc chuyển đổi công năng để tiếp nhận và điều trị bệnh nhân COVID-19, tham gia ở tầng 3 trong hệ thống 5 tầng của TP như Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức, Bệnh viện Triều An, Bệnh viện Xuyên Á, Bệnh viện Nam Sài Gòn.
Tỉnh Nghệ An phong tỏa tạm thời Bệnh viện Đa khoa Minh An, huyện Quỳnh Lưu, sau khi phát hiện 2 nhân viên nhiễm COVID-19. Tỉnh Quảng Bình kích hoạt Bệnh viện dã chiến Quảng Bình (thành lập tại Bệnh viện Y - dược cổ truyền tỉnh Quảng Bình) tiếp nhận bệnh nhân COVID-19.
Ngày 26-7, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có quyết định thành lập 9 bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 với quy mô 1.790 giường bệnh trên địa bàn tỉnh. Những bệnh viện này chịu sự chỉ đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh. Trước đó, trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu đã có 4 bệnh viện điều trị COVID-19 với tổng số giường bệnh là 740 giường.
Từ ngày 27-7, TP Biên Hòa, Đồng Nai chính thức bắt đầu thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà.
Cũng trong chiều 27-7, hơn 70 y bác sĩ của 2 bệnh viện tuyến trung ương là Bệnh viện K và Bệnh viện E đã lên đường vào TP.HCM chi viện cho tuyến đầu chống dịch, ngày 29-7 sẽ có thêm 30 y bác sĩ của Bệnh viện Lão khoa trung ương.
"Chúng tôi từng ở tâm dịch và cả nước đã hỗ trợ Bệnh viện K, giờ đây Bệnh viện K vào tâm dịch để chung tay cùng cả nước chống dịch" - đại diện Bệnh viện K cho biết trước khi lên đường.
Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 27-7, TP.HCM đã tiếp nhận hơn 6.000 nhân lực hỗ trợ công tác chống dịch và con số sẽ còn tiếp tục tăng. Dù vậy, TP.HCM vẫn rất cần sự hỗ trợ thêm về nhân lực, vật lực để chống dịch trong thời gian tới.
Số nhân lực của hai đợt tiếp sức cho TP.HCM, đợt 1 có 612 bác sĩ, 1.362 điều dưỡng, 68 kỹ thuật viên và 1.629 sinh viên; đợt 2 có 289 người gồm 88 bác sĩ, 191 điều dưỡng và 10 kỹ thuật viên, hiện đã được phân bổ về các cơ sở y tế tùy theo cấp độ chuyên môn và đang tham gia tích cực vào điều trị, truy vết, phòng chống dịch.
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã điều động hàng trăm y bác sĩ từ các tỉnh phía Bắc và bệnh viện tuyến trung ương đến hỗ trợ Đồng Nai, Bình Dương, Đồng Tháp... chống dịch.
TTO - Hôm nay 27-7, Hà Nội bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho người dân tại các trung tâm y tế quận, huyện, thị xã với cả ba loại vắc xin gồm AstraZeneca, Pfizer và Moderna.