Trong hai ngày qua, việc tìm kiếm shipper (người giao hàng) tại TP.HCM gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều shipper tắt ứng dụng hoặc hạn chế nhận đơn do việc di chuyển gặp trở ngại khi qua nhiều chốt kiểm soát. Trong khi đó nhiều siêu thị quá tải nên đóng đơn hàng online.
Thay đổi giờ hoạt động, tạm dừng giao hàng online
Đại diện Siêu thị Emart Gò Vấp cho biết ngoài thay đổi giờ hoạt động theo quy định (chỉ hoạt động từ 7 giờ 30 đến 17 giờ hằng ngày), siêu thị còn điều chỉnh việc nhận đơn hàng qua online. Theo đó, siêu thị chỉ nhận và giao hàng cho khách hàng ở khu vực quận Gò Vấp.
“Hàng hóa tại siêu thị dồi dào, giá cả ổn định nên người dân hoàn toàn yên tâm mua sắm. Tuy nhiên, hiện nay do lượng đơn hàng online quá tải nên siêu thị đóng luân phiên hệ thống. Chúng tôi khuyến cáo khách hàng tải ứng dụng EmartMall để dễ dàng theo dõi và đặt hàng để được giao hàng trong quận Gò Vấp” - đại diện Emart thông tin.
Tương tự, AEON Việt Nam thông báo: Siêu thị AEON Tân Phú và AEON Bình Tân chỉ hoạt động từ 8 giờ đến 16 giờ. Đồng thời tạm dừng hoạt động các kênh mua sắm qua online như mua hàng qua điện thoại hay qua ứng dụng AEON Việt Nam, Grab, Now.
Đại diện AEON Việt Nam giải thích: Từ đầu tháng 7 đến nay, nhu cầu mua hàng qua kênh online của người dân tăng đột biến, có nơi lượng đơn đặt hàng mới phát sinh mỗi ngày tăng 500%. Song với các quy định giảm mật độ lưu thông trên đường và siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TP.HCM khiến việc tìm kiếm shipper giao hàng gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, Cổng thông tin điện tử đăng ký luồng xanh thường xuyên gặp phải tình trạng truy cập quá tải, rất nhiều nhà cung cấp hàng hóa thiết yếu chưa thể đăng ký để được cấp phép lưu thông. Mặt khác, các đối tác vận chuyển và shipper cũng gặp khó khăn trong nội thành, không thể di chuyển giữa các quận phần nào ảnh hưởng đến giao hàng đối với đơn online. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn cung ứng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân TP.
“Chúng tôi rất mong các sở, ban ngành xem xét hỗ trợ, tạo điều kiện để hàng hóa, thực phẩm được lưu thông, phục vụ người dân trong giai đoạn này. Đồng thời xem xét ban hành cơ chế cho phép đội ngũ nhân viên của hệ thống phân phối bán lẻ di chuyển thuận lợi qua các khu vực chốt kiểm soát để phục vụ nhu cầu của người dân” - đại diện AEON Việt Nam nói.
Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cũng thông tin hai hôm nay tại khu vực quận 7 xe máy gần như đều không qua được các chốt kiểm soát để giao trứng gia cầm dù đã chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ. Tương tự, tại chốt chặn ngay cầu Rạch Đĩa (huyện Nhà Bè), xe hai bánh cũng không giao được hàng. Việc giao hàng bằng xe tải cũng gặp nhiều trở ngại vì qua nhiều chốt.
Trong thời điểm này đội ngũ shipper rất quan trọng để có thể hỗ trợ đưa hàng hóa thiết yếu đến với người dân. Trong ảnh: Shipper nhận hàng tại một siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN
Gấp rút hoàn thiện nhận diện shipper giao hàng
Các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cho biết đang chạy đua để thực hiện các yêu cầu về nhận diện cho người giao hàng. Tuy vậy, do thời gian gấp rút, một số sàn chưa thể triển khai kịp nhận diện dành riêng shipper.
Đại diện Shopee nói đơn vị đang đang hướng đến việc kiểm tra nhân viên giao hàng thông qua mã QR hoặc thẻ điện tử định danh nhân viên giao hàng. Tuy nhiên, đơn vị đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công ty, cơ sở in ấn.
“Ngoài việc mất nhiều thời gian in ấn thì quá trình phân phối đến từng tài xế giao hàng cũng gặp trở ngại do phải tập hợp và hướng dẫn đến đông đảo tài xế. Điều này có thể ảnh hưởng đến quy định phòng dịch” - vị đại diện Shopee nêu thực tế.
Phó Tổng giám đốc phát triển doanh nghiệp Tiki Ngô Hoàng Gia Khánh cũng cho rằng do thời gian chuẩn bị các yêu cầu nhận diện shipper quá gấp nên sàn này chưa kịp làm bảng tên cho tất cả đội ngũ giao hàng của mình. Ông cũng mong muốn cơ quan chức năng có hướng dẫn rõ hơn về nội dung trên bảng tên, ví dụ chỉ cần ghi tên hay cần thêm thông tin khác như ngày tháng năm sinh, địa chỉ…
“Chúng tôi đã trang bị đầy đủ bao tay, nước sát khuẩn, thực hiện test COVID-19 thường xuyên cho shipper; dồn toàn bộ nguồn vaccine được phân bổ để ưu tiên tiêm cho khoảng 50% shipper và nhân viên kho… Chúng tôi cũng quy định bắt buộc giao hàng không tiếp xúc để bảo vệ shipper lẫn khách hàng” - ông Khánh thông tin thêm.
Đại diện sàn Vỏ Sò thuộc ViettelPost cũng cho hay: Cùng với nhận diện áo, sọt, mũ bảo hiểm, thẻ nhân viên, hiện tại đơn vị đã cập nhật tính năng QR code định danh user (hiển thị đầy đủ thông tin về shipper) để thuận tiện trong việc quản lý.
“Ngoài ra, chúng tôi đã triển khai mô hình một nhân viên phụ trách một địa bàn nhỏ nhất định, phục vụ toàn quá trình từ nhận và giao đơn ngay từ thời điểm đầu TP.HCM có dịch. Từ đó hạn chế được thấp nhất nguy cơ lây nhiễm, lây lan dịch trong cộng đồng” - đại diện sàn cho biết.
Vị này thông tin thêm để đảm bảo đơn hàng đến được tới tay người cần nhận, đặc biệt với đơn hàng là thực phẩm tươi, rau củ quả…, công ty đang phối hợp với các nhà cung cấp tạo combo và khuyến khích khách hàng đặt mua, gom đơn theo tuyến phố, chung cư.
Thiết lập điểm tập kết hàng hóa cho thương mại điện tử Cục TMĐT và kinh tế số thuộc Bộ Công Thương vừa có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, TP đang thực hiện Chỉ thị 16 phối hợp với các ban ngành, địa phương xây dựng phương án cụ thể duy trì hệ thống giao nhận TMĐT. Trong trường hợp cần thiết, thiết lập điểm tập kết hàng hóa cho TMĐT ngay tại các khu cách ly tập trung hoặc các khu vực cư dân bị phong tỏa. Cơ quan này giải thích: Thời gian qua, việc hạn chế nhân viên giao nhận hàng hóa TMĐT hoạt động (khác với hình thức vận chuyển người và shipper công nghệ) đã phần nào cắt đứt chuỗi lưu thông từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng. Điều này khiến nhu cầu của người dân tập trung đến các siêu thị, chợ truyền thống tăng, kéo theo nguy cơ lây nhiễm ở khu vực công cộng cao. Vì vậy, việc thiết lập điểm tập kết hàng hóa giúp cơ quan địa phương vẫn quản lý được nhân viên giao nhận thông qua các sàn và các công ty giao nhận TMĐT đăng ký. Đồng thời phương án này cũng đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu của người dân, hạn chế việc người dân ra đường và giảm áp lực đối với hệ thống phân phối truyền thống trong bối cảnh dịch bệnh. Khó tìm tài xế giao hàng thông qua các app Sáng 27-7, rất nhiều người dân phản ánh tình trạng không tìm được tài xế giao hàng thông qua các app như Be, Grab, Gojek. Thậm chí có đơn hàng tài xế đã nhận hàng sau đó lại nhờ khách hủy vì sợ bị phạt khi đi giao hàng. Đại diện Be Group cho biết đơn vị đã chủ động tạm ngưng cung cấp các dịch vụ tại TP.HCM từ 10 giờ ngày 27-7 đến 1-8 hoặc đến khi có thông báo mới. Như vậy, tính đến 10 giờ ngày 27-7, ứng dụng gọi xe Be đã tạm ngưng cung cấp tất cả dịch vụ tại hai TP lớn là Hà Nội và TP.HCM để phòng chống dịch. Tương tự, đại diện Gojek thông tin đơn vị đang kiểm tra lại các thông tin từ báo phản ánh. Gojek đang làm việc với các sở, ngành để tìm cách hướng dẫn cho tài xế và người dân. Trước đó, UBND TP.HCM chỉ đạo kể từ ngày 26-7, chỉ cho phép shipper vận chuyển hàng hóa thiết yếu và phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Ngoài giải pháp nhận diện đội ngũ nhân viên giao hàng hiện nay, các đơn vị cung ứng dịch vụ giao hàng chủ động triển khai ngay việc làm bảng tên thẻ cứng có ảnh và xác nhận của công ty cho từng nhân viên giao hàng; ứng dụng công nghệ nhận diện thông qua mã QR code. Bên cạnh đó, toàn bộ nhân viên giao hàng đeo găng tay nền xanh đậm, kích thước ống đeo cao 20 cm, in chữ shipper màu trắng... Đáng chú ý, các đơn vị triển khai cho dịch vụ shipper chỉ hoạt động theo khu vực thuận tiện quản lý, hạn chế lây lan dịch bệnh. Mỗi người chỉ làm việc trên địa bàn một quận, huyện, TP Thủ Đức. ĐÀO TRANG |