Kiệt sức vì Covid-19, thế giới đối mặt với hiện thực phũ phàng
Chánh Tài
(KTSG Online) – Sự xuất hiện của các biến thể lây lan nhanh hơn của virus SARS-CoV-2 cùng với những điểm nóng lây nhiễm Covid-19 mới đang cho thấy “cái đuôi dài” của đại dịch này. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 không đồng đều giữa các nước cũng như tình trạng thiếu hụt nguồn cung vaccine đồng nghĩa với việc Covid-19 sẽ không biến mất sớm và sẽ tiếp tục gây tai họa kinh tế cho nhiều nước, đặc biệt là những nước nghèo.
Một người dân đau buồn sau khi rải tro cốt của người nhà tử vong vì Covid-19 trong một khu bảo tồn tự nhiên tại Colombia, nước ghi nhận có hơn 118.000 tử vong trong đại dịch. Ảnh: Bloomberg |
Hân hoan quá sớm
Chỉ cách đây vài tuần, thế giới dường như sắp “giã biệt” cuộc khủng hoảng Covid-19. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố Mỹ sắp vô việu hóa được virus SARS-CoV-2. Giới trẻ Anh đến các sàn nhảy ăn mừng “Ngày tự do” khi chính phủ dỡ bỏ hầu hết các hạn chế kiểm soát Covid-19 vào hôm 19-7. Chính phủ Singapore, nổi tiếng với các chính sách nghiêm ngặt, đã lên kế hoạch nới lỏng cách tiếp cận ngăn chặn số ca nhiễm triệt để. Những nước này đã sẵn sàng sống chung với SARS-CoV-2 nhưng dịch bệnh vẫn chưa “buông tha” họ.
Chiến dịch tiêm chủng vaccine của Mỹ đang chững lại vì không còn nhiều người sẵn sàng tiêm, trong khi đó, số ca nhiễm ở nước này tăng nhanh do sự xuất hiện của biến thể Delta. Mỹ có thể sẽ mất 8-9 tháng nữa để đạt được tỷ lệ tiêm chủng 75% do tâm lý phản đối vaccine ăn sâu ở một số khu vực của đất nước.
Dù tỷ lệ tử vong ở các ca nhiễm vẫn chưa tăng đột biến nhưng các bệnh viện ở những khu vực có tỷ lệ tiêm chủng vaccine thấp ở Mỹ đang chật kín bệnh nhân Covid-19.
Nước Anh tái mở cửa các hoạt động kinh tế giữa lúc số ca nhiễm trỗi dậy. Giới khoa học ở Anh đang lo ngại về số lượng đang gia tăng của những người bị mệt mỏi dai dẳng, khó thở, hoặc gặp các vấn đề nhận thức và một loạt vấn đề đáng lo ngại khác. Khoảng 1 triệu người ở Anh ghi nhận họ có những triệu chứng dai dẳng đó dù đã phục hồi sau khi nhiễm Covid-19.
Ở châu Phi, số ca tử vong đã tăng đột biến do nguồn cung vaccine vẫn còn ít ỏi. Và ở Nhật Bản, số ca nhiễm gia tăng khiến các trận thi đấu trong khuôn khổ Thế vận hội mùa hè Tokyo phải diễn ra ở những sân vận đông không có khán giả.
Giới chức Singapore vừa thông báo tái áp đặt các hạn chế kinh doanh và biện pháp giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 22-7 đến ít nhất ngày 18-8 sau khi số ca nhiễm bất ngờ tăng trở lại.
Dù đã triển khai tiêm hơn 1,55 tỉ liều vaccine Covid-19, Trung Quốc vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp quyết liệt bất cứ khi nào dịch bệnh bùng lên, từ việc phong tỏa các khu chung cư cho đến việc xét nghiệm bắt buộc đối với toàn bộ người dân của một thành phố.
Trên toàn cầu, mọi người và các chính phủ đang nhận ra rằng Covid-19 sẽ không bị “tuyệt chủng”, mà có nhiều khả năng sẽ chuyển thành một bệnh dịch kéo dài. Cùng với đó, đà phục hồi kinh tế sẽ bị trì hoãn ở những nước ít được tiếp cận với vaccine Covid-19. Các nước có dồi dào nguồn lực và vaccine vẫn sẽ phải đối mặt với những “dư chấn” về sức khỏe cộng đồng và kinh tế giống như những gì Mỹ và Anh đang trải qua.
Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, nhận định: “Virus SARS-CoV-2 sẽ lây lan theo cách mà nó muốn, chứ không phải theo những gì chúng ta muốn”.
Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nói: “Những gì chúng tôi đang chứng kiến là sự hân hoan phi lý. Thay vào đó, chúng ta nên lạc quan ở mức thận trọng. Chúng ta đang ở thời kỳ cao điểm trong trận chiến với kẻ thù mà chúng ta chỉ mới bắt đầu hiểu để ứng phó”.
Vaccine vừa thiếu, vừa phân phối không đồng đều
Vaccine Covid-19 đã tạo ra sự khác biệt ở những nơi đã triển khai tiêm chủng rộng rãi. Trong những tuần gần đây, các ca nhiễm ở Anh đã tăng đột biến nhưng số ca tử vong không tăng theo tỷ lệ tương ứng nhờ tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 khá cao so với mặt bằng chung của thế giới. Các mũi tiêm vaccine đã thực sự cứu mạng người dân.
Dự kiến khoảng 75% dân số Liên minh châu Âu (EU) sẽ được tiêm vaccine Covid-19 trong vòng 2 tháng tới, đủ để tạo ra ngưỡng miễn dịch cộng đồng, giúp đẩy lùi dịch bệnh. Trung Quốc và Anh cũng đang triển khai tiêm vaccine với tốc độ tương tự EU.
Nhưng ở châu Phi, các nước như Ai Cập, Nigeria và Nam Phi cần ít nhất một năm hoặc lâu hơn để tỷ lệ tiêm vaccine đạt 75%, theo phân tích của Bloomberg.
Nhiều nước thu nhập thấp phụ thuộc vào Covax, chương trình được thiết lập vào năm ngoái để phân phối công bằng vaccine Covid-19 đến mọi nơi trên hành tinh, nhưng sáng kiến này mới chỉ phân phối được 140 triệu liều trong số 1,8 tỉ liều dự kiến phân phối xong vào đầu năm 2022. Chương trình Covax bị đình trệ bởi nguồn cung vaccine từ Ấn Độ bị chậm trễ.
Klaus Stöhr, một cựu quan chức của WHO, cho biết: “Thế giới đang chia rẽ giữa một bên là các nước có vaccine Covid-19 và một bên không có”.
Theo WHO, ở châu Phi, chỉ có khoảng 1,5% dân số được tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ. Châu lục này đang hứng chịu các làn sóng lây nhiễm mới và số ca tử vong gia tăng, trong khi đó, hệ thống bệnh viện của họ đang rất thiếu oxy y tế và giường chăm sóc đặc biệt.
Indonesia, một trong những điểm nóng mới nhất của đại dịch Covid-19, đang chứng kiến số ca nhiễm vượt ngưỡng 50.000 ca mỗi ngày, tương tự như mức đỉnh điểm gần đây của Anh. Tuy nhiên, quốc gia Đông Nam Á có thu nhập trung bình thấp này mới chỉ tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ cho 6,9% dân số, so với tỷ lệ tiêm 56% ở Anh. Tỷ lệ tiêm chủng thấp khiến số ca tử vong vì Covid-19 ở Indonesia lên đến 1.500 người mỗi ngày nhưng ở Anh, con số đó thấp hơn hơn 100.
Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 ở một trường học tại Jakarta, Indonesia. Indonesia mới chỉ tiêm vaccine Covid-19 đầy đủ 2 mũi cho 6,9% dân số. Ảnh: Reuters |
Theo Bloomberg, 25 nước và khu vực giàu có nhất trên hành tinh chiếm 18% tổng số liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới dù dân số của họ chỉ chiếm 9% dân số toàn cầu.
Việc phân phối vaccine bất hợp lý cũng có thể cho phép virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan và tạo ra nhiều biến thể đáng lo ngại hơn, có thể thoát khỏi sự bảo vệ miễn dịch từ vaccine và gây ra mối đe dọa cho tất cả mọi người, kể cả người dân ở các nước giàu. Điều đó sẽ đặc biệt đáng báo động nếu những biến thể này xuất hiện vào mùa đông tới, khi các điều kiện thời tiết trở nên thuận lợi cho sự phát triển của các virus gây bệnh đường hô hấp.
Saad Omer, Giám đốc Viện Y tế Toàn cầu Yale, nói: “Chúng ta đang để cho virus này hoành hành ở hầu hết khắp nơi trên thế giới”.
Kinh tế thế giới có thể chuyển sang mô hình phục hồi hình chữ W
Đại dịch đã gây thiệt hại 15 nghìn tỉ đô la GDP toàn cầu trong một cơn suy thoái thời bình tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại khủng hoảng 1929-1939. Và sự chênh lệch trong tỷ lệ tiêm chủng vaccine đang tạo ra đà phục kinh tế không đồng đều khi các nước giàu phục hồi nhanh hơn các nước nghèo.
Một phân tích cho thấy việc phân bổ vaccine không công bằng cũng có thể khiến kìm hãm tốc độ tăng trưởng GDP ở các nền kinh tế phát triển.
Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cho rằng những nước nghèo sẽ gánh tổn thất nặng nề trong đại dịch Covid-19. Ông nói: “Covid-19 sẽ được ghi nhớ như là một trong những sự kiện kinh tế nghiêm trọng trong thế kỷ này đối với Mỹ, nhưng có thể là sự kiện nghiêm trọng nhất đối với các nước đang phát triển”.
Warwick McKibbin, Giáo sư kinh tế ở Đại học quốc gia Úc, cho biết có rủi ro đà hồi phục hồi kinh tế toàn cầu, dự kiến theo hình chữ V, sẽ chuyển thành hình chữ W, trong đó tăng trưởng sẽ giảm xuống một lần nữa trước khi phục hồi. Ông nói các chính phủ trên thế giới đang chịu các mức thâm hụt ngân sách lớn nhất từ Chiến tranh thế giới thứ 2 và trong năm qua, họ đã cung cấp lượng thanh khoản cao hơn lượng thanh khoản của cả thập niên trước gộp lại. Do vậy, họ không còn nhiều phương án để kích thích nền kinh tế thêm nữa.
Theo phân tích của Bloomberg Economics, biến thể Delta có thể làm gia tăng sự cách biệt về tốc độ phục hồi kinh tế giữa những nước có tỷ lệ tiêm vaccine cao và những nước có tỷ lệ tiêm thấp.
Cần tìm ra cách sống chung với Covid-19
Thế giới đang mệt mỏi và kiệt sức sau khi ghi nhận hơn 4 triệu ca tử vong và gần 200 triệu ca nhiễm trong đại dịch Covid-19, và điểm mấu chốt là các nước cần phải tìm ra cách để sống chung với dịch bệnh Covid-19.
Nhiều nhà khoa học dự báo căn bệnh này sẽ trở thành bệnh dịch như cúm mùa và sẽ còn tồn tại trong nhiều năm tới nhưng có khả năng ít đe dọa tính mạng hơn khi mọi người phát triển một số khả năng miễn dịch với nó thông qua tiêm vaccine hoặc lây nhiễm tự nhiên.
Sally Davies, cựu Giám đốc y tế Anh, cho biết: “Rõ ràng là chúng ta phải cân bằng giữa tác động xã hội của lệnh phong tỏa với tác động sức khỏe và tinh thần cũng như tác động kinh tế. Có rất nhiều vấn đề để chúng phải rút ra bài học nhưng cho đến nay, chúng ta chưa có nhiều câu giải đáp”.
Giống như một vận động viên chạy nước rút thả lỏng quá sớm trước khi về đích, các nhà lãnh đạo và người dân ở các nước phương Tây đã quá vội vàng khi muốn tuyên bố đại dịch đã kết thúc hoặc bắt đầu kết thúc.
Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 đã giết chết 50 triệu người với 3 đợt lây nhiễm kéo dài từ tháng 3-1918 cho đến mùa hè năm 1919. Các chiến dịch tiêm chủng chống lại các căn bệnh khác do virus gây ra mất nhiều năm để đến được những nơi xa xôi trên thế giới.
Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, cho biết: “Niềm mong mỏi đại dịch kết thúc khiến nhiều người không muốn đối mặt với các thực tế. Tôi hoàn toàn không nghĩ rằng kịch bản cuối cùng cho đại dịch này đã được viết xong”.
William Moss, Giám đốc điều hành Trung tâm Tiếp cận vaccine quốc tế tại Trường Y tế cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết ngoại trừ Mỹ và các nước châu Âu, những nước khác có thể mất 1 năm hoặc lâu hơn nữa, khi tốc độ sản xuất vaccine tăng tốc, mới có thể được kiểm soát được đại dịch Covid-19. Ông nói: “Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn sớm trong cuộc chiến này. Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự lây lan rộng rãi của virus SARS-CoV-2 ở hầu hết các nước trên thế giới”. Các điểm nóng lây nhiễm Covid-19 có thể xuất hiện ở những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine thấp tại Mỹ và các nước châu Âu khác. Nhưng ngay cả những khu vực có tỷ lệ tiêm vaccine cao, rủi ro lây nhiễm vẫn hiện hữu. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ, cho rằng có thể cần phải tiêm thêm một mũi vaccine Covid-19 cho một số người dân Mỹ đã được tiêm đầy đủ 2 mũi, chẳng hạn như người già hay người có hệ thống miễn dịch kém. |
Theo Bloomberg
Xem thêm: lmth.gnahp-uhp-cuht-neih-iov-tam-iod-ioig-eht-91-divoc-iv-cus-teik/398813/nv.semitnogiaseht.www