Theo các nhà phân tích, việc Bắc Kinh đưa ra các yêu cầu đối với Washington trong cuộc hội đàm ở TP Thiên Tân cho thấy Trung Quốc đang thực hiện một cách tiếp cận mới để giải quyết các căng thẳng trong mối quan hệ giữa Trung Quốc với Mỹ, tờ South China Morning Post đưa tin.
Các chuyên gia cho rằng đây có thể là điểm khởi đầu để cải thiện mối quan hệ đang dần rạn nứt giữa hai nước, nhưng nó cũng có thể khiến gia tăng xung đột nếu các yêu cầu không được đáp ứng.
Trung Quốc nêu yêu sách gì với Mỹ?
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong cho biết hai danh sách đã được trao cho Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman khi bà đến TP Thiên Tân hôm 26-7.
Hội đàm giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại TP Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một trong hai danh sách trên nêu các hành động mà Mỹ cần làm để giải quyết xung đột với Trung Quốc, bao gồm dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nhiều quan chức Trung Quốc và từ bỏ yêu cầu dẫn độ đối với Giám đốc Tài chính Mạnh Văn Châu của công ty Huawei. Danh sách còn lại đề cập những mối quan tâm chính của chính quyền Bắc Kinh.
Trong cuộc họp với bà Sherman, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi Mỹ không thách thức hoặc tìm cách phá vỡ mô hình quản trị của Trung Quốc, dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với khu vực Tân Cương và Hong Kong, đồng thời tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết bà Sherman đáp ứng các yêu cầu như thế nào, nhưng nói rằng bà ấy đã bày tỏ lo ngại đối với những vấn đề liên quan đến Hong Kong, Tân Cương và Đài Loan.
Đây là cuộc gặp mặt trực tiếp thứ hai giữa các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và quan chức chính sách đối ngoại cấp cao của Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có cuộc họp công khai trước báo giới ở bang Alaska, Mỹ vào tháng 3.
Các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng một số yêu cầu của Tạ là có thể thực hiện được đối với Mỹ, nhưng nó sẽ phụ thuộc vào ý chí chính trị.
Hội đàm Thiên Tân là cơ hội để "thực sự giải quyết một số vấn đề” giữa hai bên?
Ông Liu Weidong - chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc - cho biết mặc dù có thể không có nhiều cơ hội nhượng bộ từ hai bên về các vấn đề và nguyên tắc chiến lược, nhưng họ vẫn có thể nhượng bộ nhau đối với một số vấn đề cụ thể nếu có thiện chí.
Theo ông Liu, cuộc gặp ở Thiên Tân là cơ hội để "thực sự giải quyết một số vấn đề” còn tồn đọng trong quan hệ song phương khi cả hai bên đều tỏ ra thực tế hơn và kiềm chế trong thái độ của mình.
Trước cuộc hội đàm tại Thiên Tân, ông Vương Nghị nói rằng Trung Quốc sẽ “chỉ” cho Mỹ cách đối xử bình đẳng với các nước khác, trong khi Mỹ nói rằng họ sẽ tham gia cuộc họp dựa trên “vị thế sức mạnh”.
Ông Pang Zhongying - Giáo sư Quan hệ Quốc tế tại Đại học Đại dương, Trung Quốc - cho biết hai bên hiện đã có một số xuất phát điểm để xoa dịu căng thẳng, dù khá mất thời gian.
“Nói một cách lạc quan, các quốc gia có thể bắt đầu từ một cái gì đó nhỏ hơn hoặc thiết thực hơn… ví dụ, nới lỏng các hạn chế về thị thực đối với sinh viên Trung Quốc và các công ty Trung Quốc đến Mỹ. Nói một cách bi quan, nếu hai quốc gia thậm chí không thể đạt được các yêu cầu trên, điều đó có thể có nghĩa là xung đột thậm chí còn nhiều hơn” - ông Pang cho biết.
Tuy nhiên, ông Drew Thompson - một cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ - cho biết yêu cầu của Bắc Kinh cho thấy họ muốn Washington đảo ngược các chính sách và hành động của mình "mà không đưa ra bất cứ điều gì hữu hình để đổi lại".
“Washington có rất ít động lực để hợp tác về các vấn đề toàn cầu và khu vực, bao gồm biến đổi khí hậu, Iran và Triều Tiên, nếu Bắc Kinh không muốn tham gia vào các chủ đề này cho đến khi các yêu cầu của họ được đáp ứng” - ông nhận định.
“Không có triển vọng nhượng bộ hoặc hợp tác, mục tiêu chính của Washington đã chuyển sang việc hiểu biết sâu sắc hơn các lập trường của Trung Quốc, giảm khả năng nhận thức sai và tránh tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột hoàn toàn” - ông nói thêm.