Chiều 28/7, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, thị trường TPHCM bình thường tiêu thụ khoảng 10.000 con heo/ngày. Hiện nay, trong tình hình thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ, lượng thịt heo tiêu thụ hàng ngày giảm khá mạnh, hiện còn ở mức 5.000 - 6.000 con/ngày; có ngày lượng cung ứng còn giảm xuống mức 4.500 con.
Theo các đơn vị chức năng, Vissan đang cung cấp mỗi ngày khoảng 600 con heo, tương đương 10% tổng lượng cung của TPHCM. Bên cạnh đó, các đơn vị cung ứng khác như: Sagrifood, Masan, Anh Hoàng Thy, CJ, CP, Feddy... vẫn còn dư thừa công suất và năng lực cung ứng sẽ có kế hoạch bù đắp nguồn.
Trước thông tin Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) có nhiều ca mắc COVID-19 khi thực hiện "3 tại chỗ", buộc đơn vị này phải tạm ngưng cung ứng mặt hàng thịt khay, đóng vỉ; đồng thời đơn vị có đề xuất tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19… nhà siêu thị, hệ thống phân phối cho biết đã chủ động sẵn nguồn hàng thịt heo để không đứt nguồn cung.
Nhiều kênh phân phối cho biết đã dự trữ nguồn thịt heo lớn để bán ra thị trường |
Chia sẻ với báo Tiền Phong chiều 28/7, ông Bùi Trung Chính – Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết: "Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi chưa ghi nhận bất kỳ khó khăn nào từ phía các nhà cung cấp trong việc cung ứng mặt hàng này. AEON Việt Nam khẳng định vẫn đủ nguồn cung thịt heo tươi mỗi ngày với mức giá ổn định tại 2 siêu thị AEON Tân Phú và Bình Tân, phục vụ nhu cầu mua hàng của người dân trên cả 3 kênh bao gồm tại siêu thị, qua các kênh trực tuyến và các điểm bán hàng lưu động".
Cụ thể, tại siêu thị AEON Tân Phú, doanh nghiệp này vẫn duy trì nhập vào trung bình khoảng 3 - 4 tấn thịt heo tươi mỗi ngày. Trước đó, đơn vị này cũng đã chủ động tăng lượng dự trữ các mặt hàng bảo quản lạnh được chế biến từ thịt, như xúc xích, giờ chả… để đáp ứng nhu cầu mua lương thực, thực phẩm của người dân.
Hệ thống Saigon Co.op thông tin về mặt hàng thịt heo, đơn vị này đã tăng cường nguồn hàng từ các nhà cung cấp khác để bù cho lượng nhập từ Vissan, đặc biệt là khu vực TPHCM, điển hình là nhà cung cấp Anh Hoàng Thy và Nam Phong. Đồng thời siêu thị cũng tăng lượng thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản để người dân có thêm lựa chọn thay thế khi cần.
Đại diện MM Mega Market cho hay, đơn vị này có 2 trung tâm giết mổ heo riêng ở Đồng Nai (chuyên cung ứng cho thị trường miền Nam) và Hà Nội (chuyên cung ứng cho thị trường miền Bắc và miền Trung). Riêng 4 kho tại TPHCM nhập trung bình 3 - 4 tấn thịt heo/ngày. Siêu thị không nhập thịt heo từ Vissan nên nguồn cung không ảnh hưởng gì. Các sản phẩm chế biến sẵn như giò, xúc xích, đồ hộp... Vissan chỉ chiếm khoảng 10% trong hệ thống này.
Chiều 28/7, ông Nguyễn Ngọc An – Tổng Giám đốc Vissan khẳng định, công ty vẫn tiếp tục cung ứng mặt hàng thực phẩm tươi sống tại thị trường Thành phố. Riêng đối với các hoạt động kinh doanh khác sẽ được khôi phục dần sau khi các lực lượng lao động tại các khu vực cách ly đủ điều kiện trở lại làm việc.
Trước đó, Vissan tổ chức "3 tại chỗ" từ ngày 28/6 để hoàn thành mục tiêu kép (vừa sản xuất, vừa phòng, chống dịch).
Từ ngày 19-21/7, Công ty này thực hiện 10 lượt xét nghiệm cho người lao động. Qua đó phát hiện 43 ca mắc COVID-19. Các ca F0 này tập trung chủ yếu tại các bộ phận thu mua và cung ứng; bộ phận tiếp nhận nguồn heo hơi.
Ngay sau khi phát hiện có ca nghi nhiễm đầu tiên, VISSAN đã phối hợp các đơn vị chức năng, kịp thời đưa các ca F0 đi cách ly theo quy định; đồng thời tiến hành sàng lọc, tổ chức khoanh vùng phong tỏa tạm thời các khu vực có ca nghi nhiễm và thực hiện các quy định theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC). Với sự hỗ trợ của UBND quận Bình Thạnh, Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, VISSAN đã chuyển các ca F1 đến nơi tập trung trên địa bàn quận Bình Thạnh.
Uyên Phương
Tiền Phong
Xem thêm: nhc.36785401282701202-taux-nas-gnugn-mat-nassiv-uen-oas-ar-gnouh-hna-oeh-tiht-gnuc-nougn/nv.zibefac