Doanh nghiệp như cá trên cạn
TS. Võ Đình Trí
(KTSG) - TPHCM là đầu tàu kinh tế của cả nước, và cấu trúc kinh tế của trung tâm kinh tế này lại phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động thương mại dịch vụ, với rất nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, cũng như thành phần kinh tế phi chính thức. Nếu thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 quyết liệt mà không kèm theo các giải pháp hỗ trợ thì e rằng các “mạch máu nhỏ” sẽ bị vỡ nhiều, theo dây chuyền.
TPHCM đã quyết định gia hạn áp dụng Chỉ thị 16 và tăng cường đến ngày 1-8-2021. Ảnh: N.K |
Sau 15 ngày áp dụng Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19, chính quyền TPHCM đã quyết định gia hạn và tăng cường đến ngày 1-8-2021. Đây là quyết định cần thiết trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm tăng nhanh và sức chịu đựng của hệ thống y tế có lẽ đã tới hạn. Nhưng sức chịu đựng của doanh nghiệp cũng… tới hạn thì làm sao?
Hỗ trợ đâu chỉ có tiền
Theo Cục Thống kê TPHCM, lĩnh vực thương mại, dịch vụ chiếm đến 62,39% GRDP năm 2020 của thành phố. Trong số đó, cao nhất là thương nghiệp bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy; vận tải kho bãi; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, và một phần đáng kể là dịch vụ lưu trú và ăn uống.
Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động ở TPHCM theo Sách trắng doanh nghiệp năm 2020 chiếm khoảng 31,6% số doanh nghiệp của cả nước. Trong số gần 250.000 doanh nghiệp thì doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm đến 72,5%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 23,2%. Như vậy số lượng doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ đã chiếm đến 95,7% tổng số doanh nghiệp ở thành phố này. Tính riêng lĩnh vực dịch vụ đã chiếm 68,8% về số doanh nghiệp và 53,6% số lao động. Tính ra trung bình mỗi doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ ở TPHCM có khoảng 11,57 lao động.
Nêu ra các con số ở trên để thấy rằng đặc thù kinh tế của TPHCM là dựa vào thương mại, dịch vụ, và mạng lưới chằng chịt các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ, và đó là chưa tính đến khu vực kinh tế phi chính thức.
Cho nên nếu tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 một cách quyết liệt theo kiểu ngăn sông cấm chợ, không rõ ràng và nhất quán trong việc quy định các hàng hóa dịch vụ được phép lưu thông thì hệ thống chằng chịt các luồng hàng và tiền sẽ bị nghẽn, bị vỡ một khi không có các giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Các chính sách và biện pháp phi tài chính cần được thực hiện hết mức có thể. Bằng mọi giá không thể để các dòng dịch chuyển hàng hóa, tiền tệ bị tắc nghẽn, vì nếu như vậy sẽ bị vỡ trận và dẫn đến vỡ dây chuyền. |
Việt Nam cũng như các nước đang phát triển còn nghèo khác, có thể không đủ nguồn lực để hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp thông qua hỗ trợ chi phí lương, chi phí hoạt động, nếu có thì chủ yếu là hoãn hay giãn thuế. Nhưng điều có thể làm là tìm cách để cho các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động đồng thời tuân thủ các biện pháp phòng dịch an toàn.
Thương nghiệp bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi là những trụ cột của kinh tế ở TPHCM, vì vậy cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực này để giữ cho việc lưu thông hàng hóa được tiếp diễn. Một số nơi gây khó khăn cho hoạt động giao nhận hàng hóa là rất cực đoan.
Các hoạt động thương mại khác nếu tuân thủ được việc hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa người với người, tập trung đông người, thì vẫn nên được duy trì. Trong giai đoạn giãn cách xã hội toàn bộ ở nước Pháp trước đây, chính quyền địa phương nhiều nơi đã hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ của địa phương bằng việc tạo ra trang web để các cửa hàng đăng sản phẩm của mình. Người dân cần mua thứ gì có thể tìm theo thể loại trên trang này.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ gặp khó khăn không chỉ về tài chính. Họ còn khó khăn trong việc huy động, sử dụng các nguồn lực, thị trường đầu ra, cũng như các chương trình đào tạo/chuyển đổi để thích ứng. Lấy ví dụ như quy định “ba tại chỗ” (làm việc, ăn, nghỉ tại doanh nghiệp), không phải doanh nghiệp nào cũng có thể sắp xếp! Có doanh nghiệp duy trì hoạt động được nhưng nguồn khách hàng trước đây bị mất, giờ tìm nguồn khách hàng mới như thế nào? Các doanh nghiệp lớn thì kế hoạch B hay C dễ dàng thực hiện hơn các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ…
Nếu có hỗ trợ thì đành lựa chọn
Giai đoạn này ở TPHCM việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ phải được xem như là cấp cứu, qua được giai đoạn này rồi thì mới tính được sẽ phục hồi như thế nào.
Vì số lượng doanh nghiệp cần được hỗ trợ gấp nhiều nên nếu trường hợp có ngân sách, thì việc hỗ trợ chỉ nên hướng đến các doanh nghiệp dễ bị tổn thương nhất nhưng vẫn có cơ hội hồi phục được. Việc xác định khả năng có thể phục hồi được theo kinh nghiệm của nhiều nước thì hãy để các bên có liên quan xác nhận, như bên cho vay hay bên có các quyền lợi liên quan, còn chính phủ chỉ là bên trung gian tham gia cùng trong các buổi thảo luận.
Một kinh nghiệm khác trong hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ là việc thông tin rộng rãi và rõ ràng các chính sách hỗ trợ. Bởi vì, các doanh nghiệp này ít khi quen với việc theo dõi sát sao các chính sách như các doanh nghiệp lớn. Việc chuẩn bị hồ sơ, điều kiện để đáp ứng được các yêu cầu của chính sách hỗ trợ nhiều khi vượt quá khả năng của doanh nghiệp, cân nhắc được mất sẽ khiến cho doanh nghiệp thà không yêu cầu nhận hỗ trợ còn hơn.
Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong giai đoạn này và sắp tới sẽ gặp khó khăn về dòng tiền, do đó các hỗ trợ tài chính nếu có cần là hình thức trực tiếp, hoặc giãn các nghĩa vụ phải trả tức thời. Các chi phí đáng kể như là lương - bao gồm bảo hiểm xã hội, các chi phí cố định là những khoản mà doanh nghiệp sẽ phải đương đầu nếu giãn cách kéo dài.
Kinh nghiệm của nhiều nền kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ trong giai đoạn chống dịch Covid-19 đã được tổng kết vì nhiều nước đã cơ bản khống chế được dịch, đang dần chuyển sang giai đoạn mở cửa trở lại và chuẩn bị phục hồi kinh tế. Việt Nam và đặc biệt là đầu tàu kinh tế TPHCM đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất. Việc hỗ trợ tài chính trực tiếp có vẻ khó trở thành hiện thực với điều kiện hiện nay của Việt Nam. Do đó, các chính sách và biện pháp phi tài chính cần được thực hiện hết mức có thể. Bằng mọi giá không thể để các dòng dịch chuyển hàng hóa, tiền tệ bị tắc nghẽn, vì nếu như vậy sẽ bị vỡ trận và dẫn đến vỡ dây chuyền.
Xem thêm: lmth.nac-nert-ac-uhn-peihgn-hnaod/378813/nv.semitnogiaseht.www