Thêm hàng ngàn giường hồi sức tại TPHCM để cứu bệnh nhân Covid-19 nặng
Minh Duy
(KTSG Online) - Trước tình hình số ca nhiễm Covid-19 tại TPHCM vẫn tiếp tục tăng cao và để chuyển sang hướng điều trị, giảm nguy cơ tử vong, Bộ Y tế đã chỉ đạo thiết lập 3 trung tâm hồi sức với hàng ngàn giường để cứu chữa bệnh nhân nặng.
Về tình hình dịch tại TPHCM và một số tỉnh phía Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian để dập dịch hoàn toàn cho khu vực phải kéo dài hơn dự kiến, thậm chí phải tính bằng tháng.
TPHCM đang thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố để ngăn dịch. Ảnh: Lê Vũ |
Tăng hàng ngàn giường hồi sức cho bệnh nhân Covid-19
Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM, tính từ 19 giờ ngày 28-7 đến 6 giờ ngày 29-7, TPHCM có thêm 1.715 người nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số bệnh nhân trong đợt dịch lần thứ 4 lên 78.900 người.
Trong số đó, có khoảng 70-80% trường hợp F0 không triệu chứng hoặc tự khỏi sau một thời gian, cùng với số lượng F0 lớn đang gây quá tải cho hoạt động cách ly tập trung.
Do đó, thành phố đang chuyển dần sang hướng điều trị, giảm nguy cơ tử vong cho những người bệnh nặng. Những F1 và F0 không có triệu chứng, không có bệnh nền sẽ được cách ly tại nhà gắn với giám sát y tế chặt chẽ.
Trong buổi làm việc vào ngày hôm nay (29-7) của Bộ trưởng Bộ Y tế với Thành uỷ, UBND TPHCM về công tác phòng chống dịch trên địa bàn, Bộ Y tế giao các bệnh viện tuyến trung ương thiết lập 3.000 giường hồi sức tại TPHCM để chữa các bệnh nhân nặng, nguy kịch và giảm tỷ lệ tử vong.
Theo trang tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 của Bộ Y tế, cơ quan này tiếp tục điều tất cả lãnh đạo cục/vụ liên quan và giám đốc các bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương vào TPHCM cùng thiết lập hệ thống điều trị, đặc biệt là hệ thống hồi sức tích cực cho bệnh nhân.
Theo đó, ngoài Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TPHCM có 1.000 giường do Bệnh viện Chợ Rẫy chịu trách nhiệm tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 hiện đang tập trung điều trị các bệnh nhân nặng và nguy kịch, có thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực khác được thiết lập.
Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức Covid-19 của Bộ Y tế tại Thủ Đức. Bệnh viện này có 500 giường. Ê kíp gây mê hồi sức của Bệnh viện Việt - Đức đã vào thành phố từ chiều qua và đã chuẩn bị sẵn 30% nhân lực của bệnh viện để sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới.
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai sẽ kiêm nhiệm Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực của Bộ Y tế đặt tại Bệnh viện dã chiến số 16 của TPHCM với quy mô 500 giường. Đoàn của bệnh viện Bạch Mai vào TPHCM ngay trong chiều nay.
Bệnh viện Trung ương Huế được giao nhiệm vụ thiết lập trung tâm hồi sức quy mô 500 giường trên cơ sở Bệnh viện dã chiến số 13.
Thêm vào đó, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện E và Bệnh viện K được giao nhiệm vụ sẵn sàng chung sức thiết lập thêm một trung tâm hồi sức tích cực khác khi cần.
Về việc đảm bảo oxy cho điều trị bệnh nhân Covid-19, ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế, cho biết cơ quan này đã làm việc với các nhà cung ứng, yêu cầu phải đảm bảo sản xuất, đáp ứng cho nhu cầu phòng chống dịch.
Một số đơn vị sản xuất đặc thù cho biết sẽ chuyển đổi công năng để sản xuất oxy, khí nén khi cần. Hiện có 10 đơn vị đang cung ứng oxy TPHCM. Hôm nay, các nhà cùng cấp sẽ cùng chuyên gia của Bộ Y tế và các bệnh viện khảo sát lên phương án cung ứng để thực hiện kế hoạch mở thêm 3 trung tâm hồi sức tích cực như vừa kể trên.
Thời gian dập dịch ở TPHCM phải tính bằng tháng
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, 19 tỉnh, thành phía Nam, đặc biệt là TPHCM đã làm được rất nhiều việc nhưng dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.
Tại TPHCM cũng như một phần của tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Long An, dịch bệnh đã lây lan rất rộng. Để dập dịch hoàn toàn ở khu vực này, thời gian còn phải kéo dài hơn dự kiến, thậm chí phải tính bằng tháng.
Do đó, vừa qua các bộ, ngành, tổ công tác đặc biệt của Chính phủ đã vào làm việc thực tế và thống nhất với TPHCM nhiều giải pháp điều chỉnh phù hợp với tình hình mới. Những giải pháp này cũng áp dụng cho các vùng lân cận như một phần của tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương.
Baochinhphu.vn dẫn lời Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trong cuộc họp giao ban trực tuyến nhanh với 19 tỉnh, thành phố phía Nam vào chiều 28-7, cho biết cùng với việc giảm ca F0, TPHCM và một phần của tỉnh Long An, Đồng Nai và Bình Dương còn phải thực hiện mục tiêu cấp thiết nhất là phải giảm được tỷ lệ tử vong, giảm số lượng bệnh nhân có diễn biến nặng lên.
Theo đó, cần phải tăng cường trang thiết bị và nhân lực cho tấ cả các cơ sở điều trị, từ triệu chứng nhẹ, triệu chứng vừa, nặng, rất nặng, nguy kịch... Mỗi tầng cần làm thật tốt mục tiêu giảm tỷ lệ người điều trị bị nặng hơn.
Những trường hợp F0 không triệu chứng cần được chăm lo tốt cả về sức khỏe và tinh thần để giảm tối đa tỷ lệ trở thành có triệu chứng. Thực tế, có những nơi làm tốt, tỷ lệ này dưới 5% và có những nơi khoảng 20-30%.
Trong cuộp họp trên, nhiều địa phương đề nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16.
Mời đọc thêm:
Thủ tướng giao Bộ Y tế hướng dẫn xử lý quá tải tại nơi cách ly, điều trị Covid-19
Bộ Y tế sẽ hướng dẫn tỷ lệ ưu tiên vaccine cho người góp tiền vào quỹ vaccine