Khuyến khích con đi nhà sách, đọc sách cũng là cách để cha mẹ xây dựng năng lực tự học cho con - Ảnh: N.HUY
Cần làm gì để hình thành một thế hệ trẻ biết tự học, tự chủ, năng động, sáng tạo, bản lĩnh, dám làm và dám chịu trách nhiệm?
Hình thành thói quen xấu
Từ khi con còn nhỏ, trong hầu hết các gia đình, ông bà cha mẹ đã cưng chiều con, làm theo mọi ý muốn của con, kể cả những đòi hỏi vô lý của trẻ, bởi họ lập luận: "Trẻ con nó chưa biết gì".
Để cho trẻ ăn no, ông bà cha mẹ nhiều khi bày ra đủ trò, người hát, người múa, rồi mở tivi, mở nhạc yêu thích... hoặc dong từ nhà ra ngõ, từ ngõ vào nhà... Thói quen xấu hình thành từ đó. Và trẻ rất biết chứ không phải không!
Rồi trẻ đi học, vì nhiều nguyên nhân mà trong đó có ảnh hưởng từ lối giáo dục truyền thống, có bệnh thành tích của thời hiện đại chưa có "thuốc đặc trị", trẻ tiếp tục được thầy cô "học thay", đồng thời bị áp đặt phải nghe, phải thuộc mà ít có cơ hội được tự tìm tòi, lĩnh hội tri thức. Lời thầy cô là vàng ngọc, nói khác ý thầy, viết trái ý cô là "tiêu". Đặc biệt, giáo dục Việt Nam ta mấy chục năm qua chủ yếu cung cấp kiến thức mà xem nhẹ hướng dẫn cách tìm kiến thức.
Khả năng tự học khó có cơ hội hình thành. Học sinh chỉ trông chờ ở giáo viên mà không tận dụng được những ông thầy tuyệt vời khác: đó là sách, là Internet...
Cách thức đó dẫn đến việc học sinh chỉ học khi có thầy dạy, không có thầy dạy là không học được. Cho nên ở trường đã học bài đó rồi, đến trung tâm ngoài giờ hoặc đến nhà thầy cô (có khi ở nhà mình) vẫn học lại bài đó. Học ở đâu, với thầy cô nào cũng chỉ im lặng, nghe, ghi chép; rất hiếm khi chủ động đặt câu hỏi, thắc mắc, tìm tòi.
Thực tế mấy chục năm dạy ở trung tâm văn hóa ngoài giờ, tôi có chủ trương tặng quà cho học sinh biết đặt câu hỏi, mà rất ít khi được tặng.
Làm gì để có thế hệ trẻ biết tự học, tự chủ?
Cuộc sống luôn mới mẻ, ẩn chứa bao điều con người cần tìm tòi, khám phá. Vì thế, học tập là công việc suốt đời. Nếu trẻ hình thành được thói quen tự học càng sớm càng tốt. Mà thói quen thì không bỗng dưng mà có. Phải tập luyện và kiên trì từng chút một.
Vai trò chính, đầu tiên là cha mẹ. Cha mẹ phải là tấm gương, siêng năng học hỏi. Có những gia đình, cha mẹ không cần chỉ bảo nhiều, chỉ cần là gương cho con soi vào, noi theo.
Càng tốt hơn khi cha mẹ dành thời gian cho con, cùng con học, đọc sách, khơi gợi trí tò mò của con qua trang sách; khuyến khích, khen ngợi, tặng thưởng khi con có được những tìm tòi mới mẻ.
Cha mẹ hướng dẫn cho con cách tự học: tự lập kế hoạch - mục tiêu, tự tìm nguồn tài liệu, tự tìm đam mê, tự ôn luyện... Trong mùa dịch này, nhiều nơi bị giãn cách, bị phong tỏa, cha mẹ càng có điều kiện gần gũi và dành thời gian cho con.
Ngành giáo dục, nhà trường và thầy cô cần coi việc dạy cho học sinh biết tự học là nhiệm vụ quan trọng. Thầy cô giáo cần thay đổi tư duy: quan trọng không phải dạy học sinh biết nghe, biết lĩnh hội kiến thức mà quan trọng là dạy cách tìm, cách nhận, cách xử lý kiến thức. Và học sinh cũng phải thay đổi tư duy và tâm thế của người học: không chờ đợi kiến thức từ thầy cô mà phải tìm tòi, thầy cô ở trường chỉ là một "kênh"... để biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục là chính.
Những điều này thực ra không mới mẻ, về lý thuyết ở Việt Nam cũng đã có từ nhiều chục năm nay. Nhưng đến nay là thời điểm chín muồi để chúng ta thực hiện khi có đủ 3 yếu tố: (1) Chủ trương của Đảng và Chính phủ thông qua Đề án Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, trong đó dạy cho học sinh "có tinh thần tự học" là một trong những mục tiêu và nhiệm vụ căn bản; (2) Chương trình và sách giáo khoa đã thay đổi, mà bộ sách giáo khoa lớp 6 mới xuất bản đã cho thấy các tác giả biên soạn theo tinh thần cho học sinh có thể tự học; (3) Internet là điều kiện lý tưởng cho tự học.
Và việc kiểm tra, đánh giá, thi cử cũng chắc chắn sẽ thay đổi. Ví dụ với môn ngữ văn, đề thi mấy chục năm qua chỉ khoanh vùng trong sách giáo khoa thì từ nay sẽ không có khoanh vùng. Hy vọng việc dạy - học thêm sẽ giảm, học sinh sẽ có thời gian để tự học, tư duy, tưởng tượng, sáng tạo.
"Tự học chứ đừng đi học thêm"
Trong diễn văn khai giảng năm học 2012 - 2013 ở Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, cố PGS Văn Như Cương đã khuyên các học sinh "hãy học tập hết mình, học chủ động, sáng tạo, không hời hợt qua loa. Ngoài giờ lên lớp hãy tự học chứ đừng đi học thêm. Tự học là phương pháp tốt nhất để phát huy trí tuệ, để nắm vững kiến thức và linh hoạt áp dụng".
Rào cản bệnh thành tích
Có một rào cản lớn mà phụ huynh và ngành giáo dục cần vượt qua nếu chúng ta muốn thực hiện được mục tiêu và nhiệm vụ căn bản dạy cho học sinh có tinh thần tự học, đó là "bệnh thành tích".
Để hình thành cho học sinh thói quen và năng lực tự học, rất cần phụ huynh và nhà trường, ngành giáo dục và xã hội chấp nhận học thật, thi thật, kết quả thật. Kết quả của quá trình tự học thời kỳ đầu sẽ chậm hơn so với việc được cha mẹ làm giúp, được thầy cô soạn sẵn đề cương, phát bản photo trò học thuộc và làm bài theo trí nhớ chứ không phải nghĩ. Song qua từng tháng, từng năm, với sự hướng dẫn kiên trì của cha mẹ và thầy cô, khả năng tự giác, tự học của con em sẽ được nâng cao dần và lúc đó kiến thức mà HS có được là kiến thức vững chắc.
TTO - Nghiên cứu về lịch sử giáo dục Việt Nam thời Pháp thuộc, không ít lần TS Nguyễn Thụy Phương chạm đến những tài liệu nói về việc các chính sách, mô hình giáo dục lý tưởng đã bị gián đoạn bởi những xoay chuyển bất ngờ của bối cảnh.
Xem thêm: mth.45843310103701202-coh-ut-tehc-teig-eb-o-cud-oaig/nv.ertiout