Ngày 30.7.2021, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Tập đoàn Đèo Cả cùng Liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án đã ký Hợp đồng BOT Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Trước đó, Bộ GTVT đã tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước và đến tháng 1.2021, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Liên danh CTCP Tập đoàn Đèo Cả - CTCP Xây Dựng Đèo Cả - CTCP TCT ĐTXD 194.
Đây là một trong 3 dự án thành phần Dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 được triển khai theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT.
Như vậy, cả 3 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam được đầu tư theo hình thức PPP đã được ký kết Hợp đồng để bước sang giai đoạn thu xếp tín dụng, triển khai thi công.
Đại diện Bộ GTVT cho rằng, việc đàm phán kéo dài hơn các dự án khác bởi 2 bên cùng thương thảo một cách chi tiết để thống nhất tháo gỡ những vấn đề vướng mắc bất cập, đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn các dự án BOT đã từng thực hiện trước đây của nhà đầu tư, trên tinh thần đạt được những nguyên tắc thống nhất, khả thi để triển khai thành công dự án.
Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, Dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo có tổng chiều dài 78,5km, điểm đầu tại km54+00, phía sau nút giao Cam Ranh (điểm cuối dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm) thuộc địa phận xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Điểm cuối dự án tại KM134+00, phía trước nút giao Vĩnh Hảo, trùng điểm đầu dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Dự án có tổng vốn đầu tư 8.925 tỉ đồng, trong đó nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 3.786 tỉ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 1.030 tỉ đồng, vốn vay khoảng 2.756 tỉ đồng); nguồn vốn đầu tư của Nhà nước tham gia thực hiện dự án khoảng 4.199 tỉ đồng.
Giai đoạn hoàn chỉnh, quy mô dự án sẽ lên tới 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,35m. Công trình cao tốc ở dự án này có thêm cả công trình hầm, công trình cầu và các nút giao liên thông và trực thông (cầu vượt hoặc đường chui).
Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT – ông Lê Anh Tuấn khẳng định, trong bối cảnh ngân sách Nhà nước còn hạn chế, đặc biệt nền kinh tế ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, thì sự tham gia của các doanh nghiệp, các nguồn lực xã hội vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống đường bộ cao tốc là hết sức ý nghĩa và phù hợp với định hướng, chủ trương và nhu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Bộ GTVT cam kết sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư, là các đối tác của Nhà nước để tháo gỡ những vướng mắc thuộc phạm vi của ngành cũng như sẽ làm việc với các Bộ, ngành để kiến nghị những vướng mắc vượt thẩm quyền, trên nguyên tắc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa 3 chủ thể Nhà nước – doanh nghiệp và người dân.
Xem thêm: odl.563639-gnod-it-5298-aig-irt-oah-hniv-mal-mac-cot-oac-gnud-yax/et-hnik/nv.gnodoal