Diễn biến dịch bệnh kéo dài đã làm xoay chuyển kịch bản, chiến lược của rất nhiều nhà đầu tư. Một bộ phận nhà đầu tư đã buộc phải "xả" hàng ngay từ thời điểm đầu tháng 7 khi áp lực trả lãi ngân hàng gia tăng. Đáng lo ngại, chính sách giãn cách tại một số tỉnh thành khiến lượng lớn nhà đầu tư rơi vào tình cảnh hoang mang. Không ít nhà đầu tư đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng rao bán hàng để chờ đợi cơ hội chuyển nhượng sớm, nhanh chóng thu hồi vốn.
Song, với những nhà đầu tư vốn khoẻ, đây chính là cơ hội để xuống tiền, sở hữu sản phẩm tốt. Đúng như nguyên tắc đầu tư mà giới kinh doanh hay nhắc tới, đó là "khủng hoảng luôn mang tới cơ hội cho nhà đầu tư có tầm nhìn".
Một số căn shophouse đang rao cho thuê mùa dịch.
Trao đổi với PV trong thời điểm Hà Nội đang thực hiện Chỉ thị 16, anh N.N, nhà đầu tư có 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bất động sản vẫn bận rộn với lịch làm việc dày đặc. Nhà đầu tư này cho biết, anh và hội nhóm đầu tư bất động sản đang chuẩn bị cho kế hoạch ôm hàng lớn ngay ở thời điểm hết chính sách cách ly. Thế nên, ngoài việc thăm dò thị trường, khảo sát giá, anh và hội nhóm còn lên kế hoạch tài chính cho sản phẩm dự kiến ôm.
Trước đó vào tháng 2, tháng 3, nhóm đầu tư của anh N. đã đẩy một lượng lớn hàng ra thị trường, đúng thời điểm thị trường nóng sốt sau dịch. Chiến dịch đẩy hàng giai đoạn sau Tết Nguyên Đán của anh N và hội nhóm thu được khoản tiền lãi lớn.
"Chúng tôi cũng dự đoán dịch bệnh lần thứ 4 sẽ bùng phát và kéo dài nên đã đẩy hàng ra và thu lại tiền vốn với lời chuẩn bị cho chiến dịch mua loạt hàng mới" – anh N.
Tiết lộ thêm về chiến lược thu mua hàng đợt tới, anh N. cho biết, lượng khách ôm đất đẹp vay ngân hàng sẽ buộc phải bán khi áp lực nợ lãi lớn. Nhưng quan trọng nhất, tâm lý lo sợ dịch bệnh khiến người ta cho rằng, nên thu giữ tiền mặt để đảm bảo an toàn, họ cũng muốn thanh lý. Ngoài ra, mùa dịch là cái cớ rất tốt để "ép giá" chủ đất.
"Do ảnh hưởng bởi dịch nên người đã bán ra chắc chắn đang cần tiền gấp. Thị trường người bán thì nhiều, người mua thì ít nên dễ dàng đàm phán được giá thấp. Mức giá đàm phán có thể xuống tới 30% giá trị chủ đất rao bán" – anh N cho hay.
Thực tế, không phải đến thời điểm hiện tại, những "cá mập" mới ra tay "ép giá", ôm hàng. Trước đó vào tháng 3, ông Lê Nam, Chủ tịch Hùng Vương Land đã từng "ép" giá nhiều thương vụ thành công xuống còn 60-65% giá sản phẩm.
"Một lô đất tái định cư mà tôi xuống tiền trước đó với giá 4 tỷ đồng, 200m2, nằm ngay mặt đường lớn, sát biển tại Bắc Vân Phong. Vào năm 2018, mức giá của lô đất này là 7 tỷ đồng"-ông Nam kể.
Theo ông Nam, cơ hội "ép giá" thời điểm này thành công lớn là bởi một lượng lớn nhà đầu tư "chôn vốn" tại một số điểm nóng đã từ nhiều năm. Mặt khác, đa phần sau 1 khoảng thời gian, các nhà đầu tư đều có những thay đổi mới trong chiến lược. Họ muốn đẩy hàng này đi để vào tiền sản phẩm khác đẹp và tốt hơn. Những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận bắt "cắt lỗ" để sớm thu được tiền thay vì chờ đợi và chôn vốn.
TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cũng khẳng định, thời điểm hiện tại chính là cơ hội tốt để tìm đất, mua bất động sản giá hợp lý.
"Lúc này là cơ hội cho người thuê căn hộ, vì họ có thể chọn lựa căn đẹp, yêu cầu giảm giá. Ngoài ra, ai muốn mua căn hộ để ở, thì lúc này cũng là cơ hội kiếm giá mềm, nhưng chỉ nên mua căn hộ đã đi vào sử dụng thì mới tốt. Vì có nhiều người đang ôm căn hộ, bị kẹt không cho thuê được sẽ bán giá ngon cho người mua", ông Hiển nói.
Theo ông Hiển, với nhà đầu tư vay tiền ngân hàng nên dừng lại còn với nhà đầu tư vốn khỏe nên mạnh tay tìm kiếm quỹ đất đẹp, giá hợp lý".
Hải Nam
Nhịp sống kinh tế
Xem thêm: nhc.19082054103701202-91-divoc-hneb-hcid-ioht-nas-gnod-tab-aig-pe/nv.zibefac