Cả nhà có 14 F0
Người đầu tiên được phát hiện dương tính với Covid-19 là em gái út nhà chị V., phát hiện qua sàng lọc cộng đồng. Sau khi em gái có kết quả xét nghiệm dương tính thì lần lượt các thành viên khác trong gia đình cũng có kết quả dương tính.
Chị V. cho biết dù các thành viên không ở chung nhà nhưng đại gia đình đều ở gần trong 1 hẻm nên mọi người có thói quen đi lại, ăn uống cùng nhau. Vì vậy virus lây lan nhiều hơn.
Cả gia đình chị V. có tới 14 F0 được xét nghiệm bằng phương pháp PCR. Sau thời gian tự theo dõi ở nhà thì mọi người cũng được đưa tới các trung tâm cách ly tập trung và đưa vào theo dõi tại bệnh viện dã chiến.
Chị V. hiện vẫn đang theo dõi tại bệnh viện dã chiến số 2, quận Thủ Đức.
Chị V. kể về hành trình cả gia đình liên tục có F0. Khi xét nghiệm gộp theo đại diện hộ gia đình vào đầu tháng 7. Người nhà chị V. được báo dương tính trong mẫu gộp nên cơ sở y tế lấy lại mẫu.
Sau đó lần lượt các thành viên trong đại gia đình đều được xét nghiệm. Chị V. cho biết gia đình chị ở chung 3 thế hệ nên lây nhiễm là điều khó tránh. Hơn nữa, virus là chủng mới dễ lây lại không có dấu hiệu để nhận biết rõ. Tuy nhiên, trong thời gian chờ các cơ quan y tế tới hỗ trợ, gia đình chị V. tự "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Chị V. tự tìm hiểu các thông tin về bệnh, đầu tiên nếu thấy trong người không khoẻ thì uống phòng 1 viên paracetamol rồi tiếp theo là cho mọi người xông hơi. Sau khi xông xong, mỗi người sẽ uống 1 ly chanh đường.
Nơi cách ly của chị V.
Mỗi ngày chị V. phục vụ cho những người trong gia đình. Các món ăn chị V. chuẩn bị sẵn cho từng người rồi mang lên phòng. Chị sử dụng bát ăn một lần, mọi người dùng xong lại cho vào túi rác. Trong thời gian chờ hỗ trợ từ y tế thì gia đình chị tự chăm sóc cho nhau trước, không hoang mang.
Sau gần 3 tuần cùng các thành viên vượt qua Covid-19, chị V, tâm sự điều chị thấy mình làm được đó là luôn giữ vững tinh thần, làm trụ cột cho các thành viên khác. Trong nhà chị V. từ bé 2 tháng tuổi tới người 59 tuổi dương tính. Có 1 người phải thở oxy. Những ngày đó, chị như ngồi trên đống lửa. Nhưng may mắn đã qua 3 ngày thì bình phục.
Thành viên nhỏ tuổi của gia đình chị V. ở khu cách ly.
Ngoài ra, chị V. cũng chuẩn bị mật ong cho các thành viên trong gia đình để mọi người tăng sức đề kháng hơn. Buổi tối, chị V. lấy 1 hộp sữa chua rồi pha với 1 gói men tiêu hoá, nếu có mật ong thì cho vào 1 muỗng, để tới sáng rồi ăn, vì như vậy sẽ bảo vệ hệ tiêu hoá của mình. Trong thời gian chờ hỗ trợ từ y tế thì gia đình chị tự chăm sóc cho nhau trước, không hoang mang.
Các thành viên trong nhà hay bản thân chị V. cũng rất lạc quan. Chị không xem các tin tức xấu về dịch mà luôn tìm các thông tin tốt, truyền cảm hứng cho những người có người thân mắc Covid-19 giống như chị. Chị lập zoom các thành viên trong gia đình chia sẻ nhau từ cách ăn uống, vận động cho hợp lý. Nhờ vậy các thành viên đều lần lượt được ra viện về cách ly tại gia đình.
Bản thân chị V. trong những ngày ở bệnh viện dã chiến cũng tự mình có lối sống tích cực. Dù nhiều tuổi nhất phòng nhưng chị vẫn động viên những người đồng bệnh để cùng nhau vượt qua. Sáng sớm, chị dậy tập thể dục nhẹ nhàng để cơ thể không mệt mỏi. Chị không quên gọi những người cùng phòng đứng lên cùng nhau vung vẩy chân tay cho giãn gân cốt.
Những thông tin trên mạng chị đều bỏ qua, chỉ cố gắng làm sao giữ tinh thần mình tích cực nhất.
Chị không cho phép mình biến thành bệnh nhân. Cố gắng ăn uống đầy đủ để cơ thể khỏe mạnh chiến đấu với virus. Có lẽ vì thế, đến hiện tại chị vẫn chỉ là người lành mang trùng. Chị V. đang chờ xét nghiệm lần cuối để có thể trở về cách ly tại nhà. Người thân của chị ra viện cách ly tại nhà chị cũng luôn dặn mọi người ý thức tự cách ly không ảnh hưởng tới người khác.
Suốt thời gian cùng người thân chiến đấu với Covid-19, chị V. tin rằng chỉ cần sống lạc quan, tin tưởng và cảm thông thì sẽ vượt qua bệnh tật. Thay vì ngồi than thở tại sao nhân viên y tế không chăm sóc cho mình, tại sao ở đây khổ thì cố gắng sống lành mạnh, làm theo tư vấn của nhân viên y tế và tự chăm sóc bản thân mình trước thay vì chờ đợi người khác.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh -Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM cho biết đối với những người bệnh là F0 nên bình tĩnh.Việc tăng đề kháng như chị V. đang làm cũng phù hợp. Có thể bổ sung vitamin C, nước mật ong, uống nước ấm để giữ ấm cơ thể.
Về biện pháp xông hơi, BS Khanh cho biết đó là bài thuốc dân gian trong cảm cúm và khi nhiễm Covid-19 một vài người có biểu hiện như cảm cúm thì việc xông cũng tốt giải quyết được vấn đề tâm lý giúp bệnh nhân an tâm hơn.
Trong điều trị Covid-19, tâm lý cũng rất quan trọng, nếu trong gia đình toàn thể đều nhiễm bệnh hoặc phải cách ly thì có một "thuyền trưởng" như vậy hoàn toàn tốt, hợp lý - BS Khanh nói.
Ngọc Anh
Doanh nghiệp tiếp thị