Đã lên kế hoạch mở bán block căn hộ đầu tiên tại Khu đô thị Vạn Phúc trong tháng cuối năm 2022, nhưng mới đây, chủ đầu tư Vạn Phúc Group cho biết sẽ lùi sang năm 2023 do thị trường khó khăn, thay vào đó là tiếp tục tập trung hoàn thiện các hạng mục tiện ích, dịch vụ của dự án. Được biết, dự án căn hộ của Vạn Phúc thuộc dòng sản phẩm cao cấp, có giá bán dự kiến khoảng 100 triệu đồng/m2.
Tại An Gia Group, dù trong quý II và đầu quý III/2022, dự án The Gio Riverside tại tỉnh Bình Dương đã được một loạt sàn môi giới chạy quảng cáo, giới thiệu sản phẩm để chuẩn bị cho thời điểm ra mắt chính thức vào quý IV/2022, nhưng đến nay, một số môi giới cho biết kế hoạch đã được chủ đầu tư dời sang năm sau.
Trước đó, Tập đoàn Đất Xanh đã dời kế hoạch mở bán các dự án Opal Cityview và DXH Parkview tại Bình Dương từ quý III/2022, Lux Star tại TP.HCM từ quý IV/2022 sang năm 2023 do thị trường bất động sản khó khăn.
Tương tự, Nam Long Group cũng dự kiến lùi lịch mở bán 3 dự án sang năm sau, bao gồm 1 dự án đất nền ở Cần Thơ và 2 dự án nhà ở tại Đồng Nai.
Có thể thấy, quý IV thường là mùa cao điểm bán hàng nhưng năm nay lại khác. Tình hình thị trường không mấy khả quan khiến nhiều chủ đầu tư phải tính lại kế hoạch mở bán dự án để chờ đợi tín hiệu tích hơn, cho dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa quyết định tăng room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm 1,5-2% để tạo dư địa cho vay.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, các doanh nghiệp đã nghiên cứu thị trường và thấy không khả thi nên chưa mở bán dự án là điều dễ hiểu. Bởi hiện nay, chi phí tổ chức mỗi đợt mở bán hàng lên đến hàng tỷ đồng, chưa kể các chi phí chạy quảng cáo, tiếp thị… Với tình hình khó khăn như năm nay, việc lùi kế hoạch bán hàng sang năm sau là hợp lý.
“Nếu mở bán mà không bán được hàng thì chủ đầu tư sẽ càng khó khăn, chưa kể dự án bán ế sẽ khó thu hút khách hàng sau này”, ông Hiển nói, đồng thời cho rằng, vấn đề của người mua nhà hiện nay không nằm nhiều ở lãi suất tăng, mà tâm lý lo lắng giá trị bất động sản neo quá cao khiến họ chùn tay.
Cùng góc nhìn, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Lê Thành cho hay, mối lo lớn nhất hiện nay của các chủ đầu tư là không bán được hàng. Thực trạng này cho thấy, phần lớn sản phẩm nhà ở hiện không phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân.
“Doanh nghiệp không bán được nhà thì không huy động được vốn, đi vay cũng khó…, nhiều yếu tố dẫn đến việc doanh nghiệp không có tiền dẫn đến khó khăn dây chuyền”, ông Thành nói và cho rằng, thị trường năm 2023 được dự báo còn nhiều khó khăn nên các chủ đầu tư cần cần tính toán lại giá nhà, nếu không giảm giá thành được thì phải cơ cấu lại sản phẩm cho phù hợp với sức mua của người dân, làm nhà vừa túi tiền để đẩy lượng tiêu thụ mới.
“Doanh nghiệp phải tự cơ cấu lại danh mục đầu tư, tránh đầu tư dàn trải, mà cần tập trung vào từng dự án”, ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Nhìn lại giai đoạn khó khăn trước đây, nhiều chuyên gia cho rằng, những chủ đầu tư vượt qua được đều là những đơn vị đã tái cấu trúc theo hướng tập trung vào sản phẩm phục vụ nhu cầu thực, song song với chuẩn bị cho chu kỳ mới bằng cách mở rộng quỹ đất.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group chia sẻ, ngay từ ban đầu, Công ty đã chọn hướng đi ít rủi ro đi kèm biên lợi nhuận thấp nên vẫn có thể cầm cự. Hiện tại, giỏ hàng của Công ty đã bán gần hết, nhưng tiến độ dòng tiền bị ảnh hưởng do có trường hợp khách hàng lăn tăn không muốn mua tiếp. Dù vậy, Công ty vẫn có thể xoay xở bằng cách cân đối các nguồn doanh thu và điều chỉnh chi tiêu.
“Tôi dự đoán năm sau vẫn đầy thách thức, kể cả với bất động sản ở thực, do đó ưu tiên hàng đầu là an toàn của hệ thống như đảm bảo dòng tiền để thi công đúng tiến độ, có thể trả nợ các khoản vay và duy trì vận hành doanh nghiệp, còn nhu cầu đầu tư như mua thêm quỹ đất thì tạm thời dừng lại”, ông Phúc nói, đồng thời cho hay, trước mắt, trong năm 2023, Phú Đông chỉ mở bán một dự án khoảng 780 căn hộ có mức giá 1-1,5 tỷ đồng/căn với chiến lược bán chậm nhưng an toàn.
Xem thêm: lmth.376113tsop-co-aid-peihgn-hnaod-auc-yl-poh-iul-coub/nv.naohkgnuhchnahnnit.www