Không biết ở Tokyo, Ánh Viên có theo dõi báo chí nước nhà không và thực tâm thì tôi cầu mong cô gái đấy không đọc và xem những thông tin ở nhà. Những dòng tít trên những trang báo mà hai và nhiều năm trước từng ca ngợi Ánh Viên như một thần đồng bơi lội Việt Nam, là tiểu tiên cá là niềm tự hào… thì nay lại rất nặng nề đặc biệt sau nội dung 800m tự do về 7/7 vòng loại.
Ánh Viên tại Olympic Tokyo. Ảnh: AFP
Tại SEA Games 30 – 2019, người xem xót xa khi thấy Ánh Viên cứ lao xuống nước hết nội dung này đến nội dung khác như kiểu chạy show. Một VĐV được xem là tiềm năng là mục tiêu vàng nhưng giải trong nước thì có lần Ánh Viên phải tham gia tới 25-27 nội dung, còn tại SEA Games (giải đấu Đông Nam Á) thì em phải xuống nước hơn 10 nội dung thì không thể cho là đầu tư trọng điểm mà là “vắt”, là trải dài thành tích cho đơn vị chủ quản, cho thể thao Việt Nam chạy đua thành tích ở Đông Nam Á. Hoàn toàn không phù hợp với việc phát triển tốt nhất cho mục tiêu cao nhất của một VĐV tài năng.
So thành tích của Ánh Viên tại Olympic Tokyo, thấy rất rõ một điều là thấp hơn rất nhiều so với thành tích mà Ánh Viên từng đạt được.
Sau SEA Games 30 – 2019, Pháp Luật TP.HCM từng đặt ra vấn đề quanh thành tích của Ánh Viên với bài “Ánh Viên xuất sắc nhất trong một SEA Games thất bại nhất”. Khi ấy, nhiều HLV, nhiều chuyên gia bơi lội đồng tình với chúng tôi nhưng lãnh đạo Tổng cục TDTT thì tỏ ra phật ý với “rổ vàng” mà Ánh Viên mang về cho thể thao Việt Nam.
Ánh Viên từng được đầu tư theo kiểu để hốt vàng cho TTVN ở đấu trường Đông Nam Á. Ảnh: NGỌC DUNG
Nội dung nào Ánh Viên cũng phải xuống nước và một SEA Games dự 11 nội dung là bình thường. Ảnh: NGỌC DUNG
Vắt kiệt cho thành tích vàng của đơn vị và của TTVN. Ảnh: NGỌC DUNG
SEA Games 30 đấy Ánh Viên nhận trọng trách thu hoạch vàng về cho đoàn thể thao Việt Nam với chỉ tiêu 8 HCV nhưng thu hoạch thực tế là 6 HCV. Số 6 HCV đấy vừa đúng bằng số HCV đoàn Việt Nam hơn đoàn Thái Lan và lần đầu vượt qua Thái Lan ở vị trí toàn đoàn tại một SEA Games mà Việt Nam không đăng cai.
Tại SEA Games 30, Ánh Viên được đăng ký dự tranh 12 nội dung nhưng khi vào thi đấu đã bỏ bớt cự ly 100m tự do nữ. SEA Games đấy Ánh Viên vẫn là “máy sản xuất” vàng chủ lực của thể thao Việt Nam nhưng về thành tích cá nhân thì đi xuống trong đó có những nội dung kém với chính mình từ 1-2 giây.
Hai nội dung sở trường và thành tích của Ánh Viên qua 4 kỳ SEA Games. (thống kê và đồ hoạ: A. BÌNH)
Cũng tại SEA Games trên, dù là máy sản xuất vàng và chinh phục được 6 HCV nhưng Ánh Viên đã để vuột mất chức vô địch cự ly 800m tự do nữ. Đó là nội dung Ánh Viên thống trị hai kỳ SEA Games liên tiếp và cũng là nội dung mà người xem thấy thương cảm cho cô gái vàng về 7/7 tại vòng loại Olympic Tokyo.
Nhưng SEA Games đấy Ánh Viên thua ai?
Thua đối thủ 16 tuổi của Singapore – Gan Ching Hwee đến hơn 7 giây.
Còn nhớ trước khi tham dự nội dung này, Ánh Viên là hot girl ở đường đua xanh Đông Nam Á và liên tục phải chạy để kịp lỉnh huy chương, kịp trả lời phỏng vấn rồi lại hớt ha hớt hải chạy về nơi điểm danh xuất phát cho đợt bơi mới.
Máy gặt vàng của TTVN nhưng so với thành tích cá nhân của chính Ánh Viên thì... Ảnh: NGỌC DUNG
Tại SEA Games 30, nhiều người đã không cầm được nước mắt khi thấy Ánh Viên hổn hển trả lời thật chân phương trước báo đài: “Lúc nãy em bơi xong em mệt lắm, em không nói được khi các anh chị hỏi… Nói em vui không với huy chương vàng thì những SEA Games trước em cũng thi những nội dung đó và cũng đoạt HCV mà vui gì… Em đoạt HCV mà thành tích không tốt thì bị la chứ khen gì mà khen…”. Lúc đấy Ánh Viên mới 23 tuổi mà đã hồn nhiên với câu nói: “Bây giờ em có tuổi rồi!”.
Những gì mà Ánh Viên phải làm và những gì mà Ánh Viên thể hiện ở Olympic rõ ràng không phải do em.
Phát hiện ra tài năng thì có thể Việt Nam và các cường quốc bơi lội đều giống nhau nhưng để phát triển và đi đến đỉnh điểm của tài năng đấy thì chắc chắn khác nhau rất rất nhiều.
Video Ánh Viên tất bật chạy để kịp thi đấu tại SEA Games 30 và hồn nhiên trả lời rất thật đáng để những nhà làm thể thao Việt Nam phải suy nghĩ.