Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết như vậy tại buổi họp báo chiều 30-7.
Theo ông Phương, nguồn hàng các điạ phương đã vào vụ thu hoạch, nhiều hàng hoá dồi dào, thậm chí dư thừa nhưng việc vận chuyển hàng hoá từ các địa phương về TP vẫn còn khó khăn.
"Lượng hàng về tới TP không thiếu. Vấn đề là kênh phân phối, điểm bán cho người dân có đáp ứng được yêu cầu hay không. Hiện nay, toàn TP chỉ còn 27/237 chợ hoạt động, chủ yếu ở các vùng ven, ngoại thành; chợ trong nội thành đã ngưng hoạt động hết. Các chợ ngưng hoạt động khiến áp lực mua sắm của người dân dồn lên hệ thống phân phối hiện đại trong khi số điểm bán của các hệ thống này bị giảm do có ca nhiễm SARS-CoV-2, thời gian hoạt động của các hệ thống này giới hại từ 7 giờ đến 17 giờ chiều nên thời gian mua sắm của người dân bị rút ngắn..." - ông Phương nêu một số lý do khiến việc cung ứng hàng hoá đến người dân gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi nhiều nỗ lực.
Việc cung ứng hàng hoá đến người dân gặp nhiều khó khăn, đang lặp lại tình trạng người dân xếp hàng mua thực phẩm tại các điểm bán
Trước thực tế đó, Sở Công Thương đã có 1 số đề xuất giải pháp và đã được UBND TP chấp thuận, chỉ đạo triển khai. Trong đó, ưu tiên tăng cường các phương án để nhanh chóng mở lại các điểm bán lương thực thực phẩm tươi sống thiết yếu tại các chợ đang ngừng hoạt động; trong trường hợp chợ không tổ chức được điểm bán thì mở điểm ở khu vực lân cận. Ngoài ra, phải tăng cường lượng hàng hoá cung ứng tại các điểm bán hiện nay.
"Nếu địa bàn không có siêu thị mà chỉ có cửa hàng nhỏ lẻ, cửa hàng không có kho dự trự thì khi người dân tập trung mua đông chắc chắn xảy ra trống hàng. Một số hệ thống phân phối đang áp dụng phương thức vận chuyển hàng hoá bổ sung bằng xe 2 bánh trong bối cảnh đang kiểm soát chặt việc đi lại giữa các quận, huyện nên khó bổ sung nguồn hàng kịp thời. Chúng tôi đề nghị quận, huyện hỗ trợ bằng cách tích cực chủ động sử dụng các phương tiện của mình nhận hàng từ các điểm cung ứng hàng hoá của hệ thống phân phối để đưa về cho các hệ thống này cung cấp cho người dân" - ông Phương thông tin.
Một giải pháp khác Sở Công Thương đang triển khai là chuyển đổi phương thức bán hàng bằng cách bán hàng theo đăng ký trước. Các hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op, Bách Hoá Xanh, MM Mega Market và Vinmart đã có kế hoạch bán hàng theo phương thức này; Sở Công Thương đã chuyển cho các quận, huyện, TP Thủ Đức để thông tin cho người dân biết.
Cơ quan quản lý ngành công thương cũng đã tăng cường triển khai bán hàng lưu động tại một số khu vực địa bàn thưc sự khó khăn, người dân không được cung ứng hàng hoá kịp thời. Sở Công Thương đã tăng số lượng đầu xe bán hàng lưu động lên gấp đôi, ngày mai sẽ có 50 xe bán hàng lưu động hoạt động và có khả năng sẽ tăng lên được 100 xe trong thời gian tới.