Từ khi nhiều tỉnh thành thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16, những chốt kiểm soát đã được lập nên và làm tốt công tác kiểm tra cả người và hàng hóa. Tuy nhiên, khi những ngày trước, chỉ có hàng thiết yếu mới được phép lưu thông, một số câu chuyện "dở khóc dở cười" cũng đã xảy ra: "Xe chở đồ uống, sữa phải quay đầu vì không phải hàng thiết yếu", "Xe chở băng vệ sinh, tã bỉm cũng bị chặn bởi không phải hàng thiết yếu".
"Con tôi mới 4 tháng rưỡi. Nếu sữa không phải là thực phẩm thiết yếu thì nó "ăn" bằng gì?", một tài khoản mạng xã hội nói.
Theo Điều 4 Luật Giá năm 2012, hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là những hàng hóa, dịch vụ không thể thiếu cho sản xuất, đời sống, quốc phòng, an ninh, gồm: nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, dịch vụ chính phục vụ sản xuất, lưu thông; sản phẩm đáp ứng nhu cầu cơ bản của con người và quốc phòng, an ninh.
Người dân Ninh Thuận mua hàng tại một siêu thị. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài ra, danh mục này có thể linh hoạt tùy vào tình hình diễn biến dịch bệnh, đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương. Ví dụ, danh mục áp dụng của tỉnh Tây Ninh còn có thêm các mặt hàng kim khí, điện máy; Hải Dương vẫn cho duy trì dịch vụ khách sạn lưu trú… Vì vậy mới có chuyện một hàng hóa được coi là thiết yếu ở nơi này nhưng lại không thiết yếu ở nơi khác.
"Nếu không có văn bản cụ thể mà để từng địa phương quy định thì rất khổ cho người dân", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Không có định nghĩa chung vậy thì lấy căn cứ đâu phạt? Với tôi thì tuýp kem đánh răng, lọ xà phòng cũng là thiết yếu, người khác bảo không phải, vậy là phạt ư?", một tài khoản mạng xã hội khác nói.
Mỗi nơi làm mỗi kiểu, trong khi cách xử lý của mỗi cán bộ cũng mỗi khác. Ví dụ như cách đây không lâu, một cán bộ phường đã thốt lên rằng: "Bánh mì mà thiết yếu gì?".
"Dẫu chưa được quy định trong các văn bản, nhưng thực tế thì sao? Rất cần người có tư duy xử lý tình huống và hoàn cảnh chứ không rập khuôn máy móc", một tài khoản mạng xã hội nói.
Khi công tác phòng dịch là ưu tiên số 1, vô cùng cấp bách và việc kiểm soát "hàng thiết yếu" lại chưa từng có tiền lệ, không được tập huấn, "sự cứng nhắc" của những người không quản mưa, nắng làm công tác kiểm soát là điều có thể hiểu được trước hậu quả quá nặng nề của COVID-19. Quan trọng là vướng ở đâu chúng ta gỡ ở đó, đảm bảo lưu thông hàng hóa và đảm bảo cho cuộc sống của người dân.
Bộ Công Thương kiến nghị danh mục hàng hóa cấm lưu thông
Có thể thấy, nếu với một văn bản 9 trang giấy, mỗi trang lại có khoảng trên dưới 10 mặt hàng với các tiêu chí khác nhau. Thậm chí, cách gọi ở mỗi tỉnh thành lại một khác, mỗi khi có một hàng hóa đi qua, lực lượng kiểm tra lại phải rà, phải xem ở nhóm nào, đúng tên gọi chưa, chưa rõ lại phải gọi điện hỏi cấp trên, vừa mất thời gian, vừa bất cập.
Chính vì những bất cập này, ngay trong tuần qua, một văn bản hỏa tốc khác của Bộ Công Thương đã được gửi lên Thủ tướng Chính phủ, thay vì liệt kê ra từng loại hàng hóa được gọi là thiết yếu, thì sẽ là những hàng hóa cấm và hạn chế lưu thông.
"Chiếu theo danh mục hàng hóa, dịch cấm kinh doanh, hoặc hạn chế kinh doanh, có nghĩa những mặt khác không nằm trong danh sách được phép lưu hành. Đây là cách cũng theo tinh thần của Hiến pháp Việt Nam, người dân, doanh nghiệp được phép làm những gì mà pháp luật không cấm. Không phải cái gì cũng phải xin, cũng phải hỏi…, cái này tôi có được làm không. Thực hiện trên toàn quốc một cách đồng bộ, thống nhất, tránh bất cập như hiện nay là mỗi địa phương cũng có thể hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau với cùng một nội dung. Tất cả vì nhu cầu của người dân", Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay.
Sau đó 2 ngày, một văn bản hỏa tốc được Văn phòng Chính phủ gửi đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương… yêu cầu không kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch với phương tiện có giấy QR Code còn thời hạn do ngành giao thông vận tải cấp, vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất kinh doanh, miễn là không phải là những hàng hóa cấm.
Chốt kiểm soát dịch sẽ không kiểm tra phương tiện có giấy nhận diện QR Code. (Ảnh minh họa: PLO)
Hàng hóa có thể được lưu thông, nhưng phương tiện và tài xế chở hàng hóa đó vẫn gặp những khó khăn về lưu thông. Với việc 11 tỉnh thành, phía Nam, Hội An và thành phố Hà Nội triển khai nhiều biện pháp mới tăng cường chống dịch, siết chặt hoạt động của đội ngũ tài xế giao hàng, (shipper), những "cánh tay nối dài" của các chuỗi siêu thị để đưa hàng đến tay người dân buộc phải "thu ngắn" lại.
Loay hoay tìm cách lưu thông hàng hóa
Một số doanh nghiệp gọi xe công nghệ đã quyết định tạm dừng hoạt động. Trong khi các hãng khác lại đang đau đầu tìm cách duy trì, bằng cách cắt giảm 10 - 20% lượng tài xế được phép hoạt động và gửi danh sách đăng ký với Sở Công Thương thành phố. Chỉ khi việc này được hoàn thiện, tình trạng tài xế tắt ứng dụng, không nhận đơn hàng mới giảm.
"Chúng tôi phải đăng ký tài xế mặc nhận diện đồng phục như thế nào, cộng với QR Code. QR Code thì cơ quan chức năng họ có thể kiểm tra, kết nối. Sau khi quét mã QR sẽ hiện toàn bộ thông tin của tài xế và được đối chiếu với danh sách thành phố đã được cấp phép", ông Đặng Hoàng Linh, Giám đốc Chính sách công và Quan hệ Chính phủ, Gojek Việt Nam, cho biết.
Tình trạng tắc nghẽn trong lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, thành vẫn xảy ra cục bộ đối với một số nhà cung ứng hàng thiết yếu gây thêm áp lực lên các chuỗi siêu thị.
"Một số nhà cung cấp của chúng tôi đăng ký khá lâu để cấp mã QR Code nhưng đến nay vẫn chưa có QR Code liên tỉnh, dẫn đến lưu thông hàng hóa đang bị gián đoạn, hoặc một số địa phương khi họ giao đi, quay xe về lại gặp khó khăn khi qua các chốt kiểm soát", ông Nguyễn Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Ngành hàng Thực phẩm khô, Lotte Mart Việt Nam, chia sẻ.
Các doanh nghiệp cho rằng, điều cần nhất với họ lúc này là sự linh động trong thực thi các biện pháp chống dịch mới của ngành chức năng, có cơ chế thuận lợi để vẫn giữ được chuỗi cung ứng hàng hóa.
Để gỡ khó, các ngành chức năng hiện cũng đã đẩy nhanh triển khai công tác cấp nhận diện cho shipper. Tại TP Hồ Chí Minh, sau 2 ngày, 65.000 shipper và 18 đơn vị vận chuyển hàng hóa đã được Sở Công Thương thành phố cấp và công bố nhận diện. Tương tự, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng cho biết đã cấp phép hoạt động cho hơn 7.000 shipper trong giai đoạn này.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị tiêm vaccine cho 62.000 người giao hàng
Thậm chí, Sở Công Thương thành phố đề xuất ưu tiên tiêm vaccine khoảng 62.000 tài xế giao hàng ở TP Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 16.
Hiện Sở Công Thương đã tổng hợp danh sách gửi Sở Y tế và UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức. Theo đó, có 16 đơn vị với khoảng 62.000 tài xế của các ứng dụng giao hàng như: Grab, Now, Beamin, Gojek. Ngoài ra, tài xế của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada cũng thuộc danh sách này.
Mới đây, hàng loạt ứng dụng gọi xe cũng đề nghị các cơ quan chức năng sớm có phương án triển khai tiêm vaccine cho lực lượng giao hàng do đây là mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng hàng hóa cho người dân, đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội.
Cũng theo Bộ Công Thương, việc đảm bảo lưu thông hàng hóa giữa tỉnh thành này với tỉnh thành khác, địa phương này với địa phương khác hay trong nội bộ một địa phương không đơn thuần chỉ là đồ ăn, thức uống mà còn là những nguyên liệu đầu vào của các chuỗi sản xuất, là đầu ra của các sản phẩm. Do đó, ngay chiều qua (30/7), Bộ Công Thương đã gửi văn bản hỏa tốc đến các tỉnh thành phố về việc bổ sung các đối tượng được tiêm vaccine.
Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đề nghị tiêm vaccine cho 62.000 shipper. (Ảnh minh họa: NLĐ)
Việc gỡ khó về mặt hàng được lưu thông, phương tiện được cấp QR Code, con người được tiêm vaccine là cơ sở để thúc đẩy khai thác, nâng cao năng lực phân phối của các kênh mới như là thương mại điện tử. Thực tế sau một thời gian ngắn, kênh phân phối mới này đã phần nào phát huy tính hiệu quả.
Nâng cao năng lực phân phối của kênh trực tuyến
Tham gia chương trình ngành công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị bán rau củ An Home Mart được sàn cắt giảm quy trình, hoàn thành việc mở gian hàng chỉ trong 1 ngày. Gần 2 tuần nay, lượng đơn hàng mỗi ngày ít nhất 100 đơn.
"Họ cử xe tải qua chỗ mình, ly tất cả đơn mà trước đó mình đã sắp xếp với khách để chở về kho tổng phân phối trong ngày. Quy trình như vậy giúp mình kiểm soát được tốt về số lượng và chất lượng, chứ book shipper thời điểm hiện tại rất khó khăn", Giám đốc gian hàng An Home Mart Phạm Linh Chi cho biết.
Cắt giảm tối đa các khâu phân phối trung gian không thật cần thiết, thậm chí sàn đứng ra phân phối trực tiếp nông sản từ vườn, hợp tác xã... là cách làm chung của các chợ trực tuyến lúc này.
"Chúng tôi là cầu nối để giúp đưa những nguồn cung ứng rau, củ, quả từ các thành phố khác đến với các doanh nghiệp nhỏ lẻ tại TP Hồ Chí Minh, cũng như đến người dân", bà Đoàn Trang Hà Thanh, Quản lý cấp cao Ngành hàng Bách hóa, Lazada Việt Nam, cho hay.
Một mô hình phân phối hàng hóa thành công khác, đó là tận dụng nền tảng thương mại điện tử của các tập đoàn bưu chính lớn. Nhóm này vốn lợi thế là mạng lưới cửa hàng, hệ thống giao vận có sẵn tại hầu hết các tỉnh.
Chỉ riêng một hệ thống bưu điện, tính đến nay đã phân phối gần 760 tấn hàng hóa thiết yếu tại các địa phương đang áp dụng giãn cách theo nguyên tắc Chỉ thị 16. Riêng tại TP Hồ Chí Minh đã là hơn 580 tấn. Đáng chú ý, 2/3 sản lượng đơn hàng hiện tại đều qua trực tuyến, còn lại là qua điểm bán lưu động.
"Quy trình của chúng tôi thay đổi, giờ giấc của chúng tôi đảo lộn. Trước đây, chúng tôi làm giờ hành chính, giờ chúng tôi hoạt động về đêm. Tất cả lực lượng của chúng tôi đều ăn ngủ nghỉ tại đơn vị", bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Post, Voso.vn, cho biết.
VTV.vn - Bộ Công Thương đã có hướng dẫn mới nhất về hàng hóa nào được coi là hàng thiết yếu và được phép lưu thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.60352902113701202-uey-teiht-gnah-neyuhc-uac-iouc-od-cohk-od/et-hnik/nv.vtv