Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm việc về công tác chống dịch COVID-19 tại Cần Thơ ngày 31-7 - Ảnh: T.L.
Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo thành phố Cần Thơ cho biết tính đến 9h ngày 31-7, Cần Thơ đã ghi nhận tổng số 1.349 ca mắc COVID-19; toàn thành phố có 21 ổ dịch lớn trên địa bàn quận huyện Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy, Ô Môn, Thới Lai.
Thành phố Cần Thơ hiện có 42 khu cách ly với khả năng tiếp nhận khoảng 6.500 người (hiện đã tiếp nhận khoảng 3.000 người). Sắp tới thành phố dự kiến lập thêm 34 khu cách ly y tế tập trung mới, khả năng tiếp nhận trên 4.200 người…
Về năng lực xét nghiệm, thành phố hiện có 13 máy xét nghiệm với công suất hơn 2.200 mẫu đơn/ngày đêm, cùng 31 cơ sở thực hiện xét nghiệm nhanh SARS-CoV-2. Năng lực điều trị, theo báo cáo của Sở Y tế thành phố, hiện có 3 tầng điều trị với tổng số giường theo công suất dự kiến là 2.655 giường, với 241 máy thở. Tuyến điều trị cao nhất là Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ…
Ông Lê Quang Mạnh - bí thư Thành ủy Cần Thơ - nhận định tình hình dịch COVID-19 của Cần Thơ phát hiện trong cộng đồng có chậm hơn các tỉnh khác, tuy nhiên dịch đã âm thầm diễn biến trước đó. Đến nay vẫn đang hết sức phức tạp do xuất hiện tại các khu vực chợ truyền thống, khu vực nhà máy, công xưởng sản xuất, khu đông dân cư…
Thành phố đề nghị trung ương hỗ trợ thêm về năng lực xét nghiệm, trang thiết bị sinh phẩm và nhân lực y tế trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Phát biểu chỉ đạo về tình hình dịch bệnh COVID-19 tại thành phố Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: thành phố phải chuẩn bị sẵn sàng cho kịch bản xấu hơn nữa. Vì độ trễ trong phát hiện của ca bệnh mới tại Cần Thơ là khá dài, đã trải qua ít nhất 4 chu kỳ lây nhiễm. Như vậy, sắp tới thành phố còn có thể phát hiện thêm nhiều ca F0 nữa, cần hết sức nghiêm túc trong thực hiện chỉ thị 16.
Theo bộ trưởng, ngay khi phát hiện ca nhiễm mới cần lập tức khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm nhanh tại khu vực đó. Lấy mẫu và trả mẫu càng nhanh càng tốt. Hiện thành phố Cần Thơ còn đang chậm trong vấn đề này.
Để hỗ trợ thành phố Cần Thơ, sắp tới Bộ Y tế sẽ hỗ trợ cho thành phố xe xét nghiệm lưu động (công suất khoảng 2.000 mẫu/ngày), hỗ trợ thêm sinh phẩm xét nghiệm. Đồng thời cử chuyên gia về xét nghiệm vào hỗ trợ thành phố.
Tuy nhiên lãnh đạo thành phố cần chủ động hơn trong việc mua sắm trang thiết bị chống dịch, thí điểm làm mô hình mới như cách ly F1 tại nhà để giảm tải cho khu cách ly tập trung… Đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 trên toàn địa bàn.
Về công tác điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết hiện nay một trung tâm hồi sức quy mô 200 giường đang được thiết lập tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, tiếp nhận các bệnh nhân COVID-19 nặng để điều trị.
Đồng thời bộ cũng đang yêu cầu một bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ xây dựng một trung tâm hồi sức quy mô 500 giường cho khu vực, đặt tại TP Cần Thơ để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng toàn vùng. Các địa phương cần chủ động phân 3 tầng điều phối bệnh nhân điều trị, không dồn hết cho tuyến cuối.
TTO - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ có 110 triệu liều vắc xin, trong tổng số 150 triệu liều theo nghị quyết số 21 của Chính phủ, trong năm 2021 sẽ cố gắng có đợt tiêm chủng lớn nhất lịch sử.