Có thể thấy châu Âu đã bất ngờ khi Nga chủ động sử dụng lá bài năng lượng. Tuần qua "Gã khổng lồ" khí đốt Gazprom đã giảm lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 xuống còn 20%. Trong động thái mới nhất, Gazprom đã thông báo ngừng cung cấp khí đốt cho Latvia do những vi phạm về điều khoản mua khí đốt.
Trước đó, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố, Gazprom đã hoàn thành, đang hoàn thành và sẽ hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của mình, tất nhiên là cho ai đó cần.
Giờ đây khi Nga cắt giảm dòng khí cho châu Âu, họ chấp nhận mất lợi nhuận. Việc cắt giảm cũng gây khó khăn cho Nga bởi giá khí đốt tại châu Âu hiện đã tăng 11 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ giá tăng vọt, Nga dự kiến sẽ có thể nhận được 100 tỷ USD với lượng khí đốt giao cho châu Âu trong năm nay, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Vậy tại sao Nga lại chủ động sử dụng lá bài năng lượng lúc này?
Ở thời điểm này, Nga đang được cho là giữ thế thượng phong trong cuộc chiến năng lượng với châu Âu và thời khắc quyết định sẽ là mùa đông đang đến gần. Công suất có thể giảm nhưng giá khí đốt tăng. Theo giới phân tích, tình trạng thị trường khí đốt châu Âu "hồi hộp" lúc này hoàn toàn có lợi cho Nga. Người Nga tin rằng EU khó mà từ chối khí đốt Nga và các dịch vụ của Gazprom. Các chuyên gia cho rằng, đây là một minh chứng cho kết quả mà phương Tây nhận được khi áp đặt quá nhiều lệnh trừng phạt chống lại Nga trong vòng hai tháng. Trong bối cảnh này, việc EU sẽ phải xem xét và chuyển sang phương án Dòng chảy Phương Bắc 2 cũng là một khả năng nằm trong tính toán của Nga.
Dù như thế nào thì đây mới chỉ là bước khởi đầu của các cuộc đàm phán, để Châu Âu có thể nhận được sự đảm bảo từ Moscow cho mùa đông sắp tới hoặc đường ống khí đốt sẽ không bị đóng hoặc ngừng vĩnh viễn.
Như vậy có thể thấy năng lượng đang là vũ khí lợi hại như thế nào trong cuộc chiến kinh tế giữa Nga và châu Âu. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF dự báo, nếu Nga cắt toàn bộ nguồn cung khí đốt tới châu Âu cuối năm nay sẽ khiến tăng trưởng toàn cầu sụt giảm từ mức 3,2% xuống chỉ còn 2,6%, một tổn hại quá lớn với kinh tế thế giới hậu COVID-19.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.1373500110802202-gnoul-gnan-iab-al-gnud-us-gnod-uhc-agn/et-hnik/nv.vtv