Thủ đô Jakarta đang chìm xuống biển với tốc độ đáng báo động (28cm/năm) - Ảnh: INDIA TIMES
Jakarta hiện đang chìm với tốc độ thực sự đáng báo động, lên tới 28cm/năm ở các khu vực phía bắc. Khoảng 40% diện tích Jakarta nằm dưới mực nước biển.
Theo trang khoa học Mỹ National Geographic, một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Jakarta trở thành đô thị chìm nhanh nhất thế giới là do thiếu nguồn cung cấp nước công cộng đầy đủ, dẫn đến việc khai thác nước ngầm quá mức.
Nguồn gốc sâu xa
Suốt hàng trăm năm qua, lũ lụt là một trong những vấn đề lớn nhất của Jakarta.
Thành phố này vốn là một cảng lớn, nằm trên một vùng đồng bằng có 13 con sông chảy qua trên đường ra vịnh Jakarta. Đồng bằng này từng được rừng ngập mặn dày đặc bao bọc tạo nên một vùng đệm chống lại triều cường. Hầu hết rừng ngập mặn đã bị chặt phá từ lâu.
Khi người Hà Lan đô hộ Indonesia vào năm 1619, họ bắt đầu chuyển đổi thành phố để nó giống một thị trấn điển hình của Hà Lan, với các tòa nhà và kênh đào hiện đại.
Đất phù sa của đồng bằng bị nén chặt theo thời gian khiến mặt đất bị sụt lún, trừ khi nó liên tục được bổ sung bằng lượng phù sa mới từ các con sông chảy tràn, nhưng lại bị các kênh đào chặn lại.
Anh Bosman Batubara, một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) và Viện Giáo dục nước IHE Delft, cho biết: "Việc xây dựng các kênh đào chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn vì chúng có xu hướng giữ lại trầm tích".
Trong những năm gần đây, chính quyền thành phố đã nạo vét các con sông, dọn sạch các khu ổ chuột, xây dựng đê bêtông. Với tất cả những điều đó, các con sông vẫn làm ngập một số khu vực của thủ đô.
Jakarta cần nước sạch
Năm 2007, sau trận lụt thảm khốc, chính quyền thành phố thông qua một quy định cho các nhà quy hoạch: ít nhất 30% tổng diện tích của thành phố phải được giữ cho không gian xanh và mở.
Nhiều không gian xanh hơn không chỉ là vấn đề của cuộc sống hạnh phúc. Nó cũng cần thiết cho các tầng chứa nước ngầm đã cạn kiệt của thành phố có không gian để hấp thụ lại nước từ mưa và lũ lụt.
Nhà thờ Hồi giáo ở phía Bắc Jakarta bị ảnh hưởng bởi lũ lụt ven biển năm 2000 và hiện không còn được sử dụng - Ảnh: JAKARTA GLOBE
Việc khai thác nước ngầm ồ ạt là một trong những nguyên nhân chính gây ra sụt lún đất ở Jakarta. Hệ thống nước máy của Jakarta phục vụ chỉ khoảng 1/4 số dân thành phố, còn lại chủ yếu dựa vào việc bơm nước ngầm.
Anh Batubara, người đã dành nhiều năm nghiên cứu nguyên nhân lũ lụt ở Jakarta, cho biết số lượng giếng sâu đã tăng lên theo dân số của thành phố, từ dưới 400 giếng vào năm 1968 lên hơn 3.600 vào năm 1998. Không ai biết ngày nay nơi này có bao nhiêu giếng, nhưng có lẽ số lượng cao hơn nhiều.
Chính quyền thành phố cho biết mức tiêu thụ nước ngầm đạt hơn 8 triệu m3 vào năm 2018, năm cuối cùng mà họ cung cấp dữ liệu.
Năm 2016, Jakarta có trữ lượng khoảng 852 triệu m3 nước ngầm. Các nhà nghiên cứu độc lập ước tính Jakarta đã sử dụng 64% trữ lượng nước ngầm.
Kế hoạch lớn
Một dự án lớn triển khai năm 2014 nhằm xây dựng bức tường dài 47km dọc theo bờ biển. Thành phố đã xây dựng được 13km và dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ từ năm 2023.
Trong giai đoạn 2 của dự án này, một "bức tường ngăn biển khổng lồ" sẽ được xây dựng ngoài khơi vịnh Jakarta. Nó bao gồm một hòn đảo nhân tạo dài 32km có hình một con chim Garuda, biểu tượng quốc gia của Indonesia.
Những người chỉ trích cho rằng bức tường ngăn biển lớn sẽ cản trở dòng chảy của 13 con sông, biến vịnh Jakarta thành một vũng nước thải khổng lồ và thành phố tiếp tục chìm, ông Parid Ridwanuddin, một nhà quản lý chiến dịch biển và ven biển tại Diễn đàn Môi trường Indonesia, cho biết.
Chính phủ Indonesia có kế hoạch xây dựng thủ đô mới ở tỉnh Đông Kalimantan, phía Đông đảo Borneo - Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC
Theo ông, chính phủ nên tập trung nhiều hơn vào việc trồng lại rừng ngập mặn và khôi phục các bờ sông vốn đông đúc nhà ở trở về trạng thái tự nhiên hơn.
Khi chính phủ quyết định "dời đô" đến Borneo, ở thủ đô Jakarta, một số người hoan nghênh quyết định này, cho rằng nó sẽ giảm bớt gánh nặng đông đúc và ô nhiễm cho Jakarta.
Ông Henny Warsilah, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Xã hội và văn hóa của Cơ quan Nghiên cứu và đổi mới quốc gia (BRIN), nói: "Jakarta sẽ chỉ mất vị thế là một thủ đô. Nhưng đây sẽ là cơ hội giảm áp lực tốt để hồi sinh thành phố".
Ngược lại, ông Ridwanuddin coi việc chuyển thủ đô theo kế hoạch là "bỏ mặc Jakarta bị chết chìm mà không có kế hoạch rõ ràng để hồi sinh nó".
TTO - Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định thủ đô mới của nước này sẽ được chuyển đến đảo Borneo và được ngăn cách với thủ đô cũ Jakarta bởi biển Java.
Xem thêm: mth.78613416110802202-hnis-ioh-es-atrakaj-od-iod-uhp-hnihc/nv.ertiout