Dáng người nhỏ, da ngăm đen, đeo kính, đầu húi cua, thoạt nhìn Phạm Hoàng Long không giống những gì người viết hình dung về một gymer, kiểu người cơ bắp cuồn cuộn, to cao và ..đầu gấu. Nếu mặc sơ mi cắm thùng thì Long giống một sale bất động sản hơn là founder kiêm Tổng giám đốc một startup đang sở hữu 43 phòng gym trên khắp cả nước.
Long gọi chuỗi phòng gym của mình là gym tech, gym công nghệ, và mong muốn mọi người tập gym một cách nhẹ nhàng như uống nước suối, chứ không cần phải mất thời gian đổ mồ hôi hùng hục như phòng gym truyền thống.
Hai năm đại dịch diễn ra, rất nhiều phòng gym phải đóng cửa, nhưng kỳ lạ thay chuỗi gym công nghệ của Long lại tăng trưởng thần tốc. Để đạt được kết quả ngày hôm nay, đã từng có thời điểm Long phải đưa vợ con về quê để lánh nợ, với khoản nợ cả tỷ đồng khi chưa bước chân đến ngưỡng 30.
Hành trình "đi lên từ dưới đáy" của Long là thành quả kết tinh từ niềm đam mê, ý chí quyết tâm và một tinh thần không chịu gục ngã.
Đại dịch diễn ra trong hai năm qua đã khiến nhiều phòng tập phải đóng cửa, dừng hoạt động. Tuy nhiên, chính trong thời gian này 25 FIT lại mở rộng với cấp số nhân. Làm thế nào 25 FIT đạt được điều đó?
25 FIT mở ra vào tháng 7/2019 thì tới đầu 2020 đã COVID-19 rồi. Trong hai năm, từ hai cơ sở ban đầu, chúng tôi đã phát triển lên hơn 40 trung tâm ở TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, với khoảng 300 nhân viên, 10.000 thành viên thường xuyên, 20.000 buổi tập mỗi tháng. Chúng tôi dự định mở 100 chi nhánh trong năm nay.
Tại sao lại mở được như vậy? Đầu tiên phải kể đến là nhanh. Giai đoạn đại dịch, khách hàng rất sợ đến những khu vực đông người như gym truyền thống. Các biện pháp giãn cách cũng yêu cầu một khu vực kinh doanh không được quá 10 người. 25 FIT bỗng trở thành điểm đến quá lý tưởng thay thế cho gym thời gian đó. Một không gian phòng tập của 25 FIT chỉ từ 40 - 60m2, với khoảng 3 nhân viên và tối đa 3 khách tập. Nhờ lợi thế này, 25 FIT trở thành mô hình kinh doanh "kháng COVID-19" hiệu quả.
Bên cạnh đó, về phía nhà đầu tư, mô hình nhượng quyền của 25 FIT cũng đòi hỏi số vốn khá nhỏ, mà trong đại dịch thì "tiền mặt là vua", không ai muốn ném quá nhiều tiền vào một khoản đầu tư dài hạn giữa giai đoạn bất ổn. Bên cạnh đó, bản thân những người đầu tư cho 25 FIT cũng rất tin vì chính họ là những khách tập đã thấy được hiệu quả tập luyện và tính khả thi của mô hình này. Một anh bạn đối tác mình sau khi tập xong hai tháng đã quyết định mua nhượng quyền master franchise để mở tại Phú Mỹ Hưng.
Ngay cả khi các cơ sở kinh doanh đóng cửa, 25 FIT vẫn có thể duy trì với dịch vụ tập tại nhà, nhờ vào tính nhỏ gọn của thiết bị.
Một điều đáng lưu ý là mặc dù mở rộng rất nhanh, 25 FIT không phải vay nợ. Vì mô hình có vốn nhỏ, khoản thu hồi vốn thấp, chúng mình đã có lãi ngay từ năm đầu tiên. Mình tiếp tục trích khoản lãi đó ra để mở rộng thêm cơ sở mới.
Tháng 6/2022, 25 FIT đã ký hợp tác độc quyền phân phối công nghệ EMS mới này với đối tác Đức vào ngày 23/6 vừa qua. Công nghệ mới sẽ giúp các dữ liệu được ghi nhận và tổng hợp ngay khi kết thúc buổi tập tại trung tâm để người tập theo dõi thành quả tập luyện của mình.
Và theo kế hoạch đặt ra, 25 FIT sẽ hoàn thiện chuyển đổi nâng cấp tại các phòng tập TP. HCM trong tháng 7, và Hà Nội - Đà Nẵng trong tháng 8. Như vậy, các hội viên của 25 FIT sẽ nhanh chóng có cơ hội trải nghiệm những cải tiến ưu việt của phiên bản nâng cấp.
Duyên cớ nào đã đưa anh đến với ngành gym?
Ngay từ bé tôi đã thích tập thể thao. Bố tôi là bộ đội nên cũng khuyến khích con hoạt động thể chất từ nhỏ. Lên sáu tuổi tôi đã đi học võ, và đến lớp 8 thì tôi tự sắm cặp tạ đầu tiên.
Thành thực mà nói thì từ nhỏ tôi không thích đi học. Sau này hết cấp ba, tôi đăng ký vào học đại học chuyên ngành Quản trị kinh doanh cũng vì được bố thúc chứ cũng chẳng mặn mà gì. Mới vào học 6 tháng thì tôi bỏ học đi bán hàng tại một tiệm lưu niệm ngoài Đồng Khởi.
Ngay từ tháng đầu tiên đi làm tôi đã trở thành tay bán hàng đắt khách nhất tiệm. Hồi đó cách đây khoảng 15 năm, sinh viên ra trường chỉ có lương 2 - 3 triệu mà tôi đã kiếm được 6 triệu một tháng. Tôi tưởng mình như ông vua ấy (cười). Thấy mình cũng ngon quá, tôi quyết định nghỉ học. Được một thời gian thì gia đình tôi khuyên học cao đẳng. Sau này tôi cũng học liên thông lên đại học vì nghe nói có bằng đại học mới được làm sếp.
Tôi bắt đầu tập gym từ khi lên đại học và một thời gian sau bắt đầu xin làm lễ tân tại câu lạc bộ thể hình đó luôn. Lúc đó ngành gym cũng đang lên, tôi thấy các anh chị sale cứ bán được khóa tập cả chục triệu thì mê lắm. Rồi tôi cũng mò mẫm học theo, lấy lại cả tờ giấy tư vấn khách anh chị bỏ đi để "học mót".
Cùng lúc đó, qua hoạt động ngoại khóa ở trường mà tôi được quen các thầy trưởng khoa và chia sẻ cho thầy về công việc của mình. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng vào 2012, tôi may mắn được thầy giới thiệu làm việc tại một công ty Singapore mới mở tại Sài Gòn hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, cụ thể là buôn bán các loại máy tập luyện cao cấp. Văn phòng lúc đó mới chỉ có ba người, tôi thì vừa làm vừa học, thế mà chỉ qua hai năm, nhờ cố gắng và được chỉ bảo tận tình, tôi được cất nhắc lên vị trí giám đốc kinh doanh.
Từ khi bắt đầu "lập nghiệp" với gym đến nay đã hơn 10 năm, tôi cũng từng trải qua những thất bại cay đắng nhất trước khi gặt hái thành công trong lĩnh vực tập luyện bằng xung điện (EMS) với startup 25 FIT.
Rất nhiều ông lớn trong ngành gym như California hay Elite cũng gặp khó khăn trong Covid, vậy khó khăn nhất của anh khi làm trong ngành gym là gì?
Có lẽ phải kể đến giai đoạn hai năm đầu tiên khi tôi vừa học vừa làm tại công ty Singapore. Trong suốt hai năm đầu ở vị trí sale máy tập, tôi không bán được sản phẩm nào. Lý do là vì thị trường gym cao cấp khi đó chỉ mới manh nha, và máy móc của bên tôi thì toàn thuộc phân khúc đắt tiền. Trong marketing, giai đoạn từ 0 đến 1 thế này là khó nhất, đòi hỏi người làm phải "educate" được khách hàng, thuyết phục họ dám thử sản phẩm của mình.
Nhiều đồng nghiệp tôi vào 5-6 tháng không bán được hàng nghỉ việc hết, chỉ còn mình tôi. Nghĩ lại, điều giữ tôi ở lại lâu hơn cả là tình yêu với ngành cùng với lòng quyết tâm, không ngần ngại việc khó. Đã có thời điểm khó khăn, thậm chí tôi phải cầm catalog gõ cửa từng phòng gym để giới thiệu sản phẩm nhưng cuối cùng lại ra về tay trắng.
Giai đoạn cùng cực nhất là khi tôi phá sản vào năm 2018. Trước đó một năm, tôi lúc bấy giờ là giám đốc ở công ty Singapore và là cha của một em bé mới sinh. Công việc thì vẫn ổn định, nhưng tôi muốn kiếm thêm nguồn thu để gia đình được dư dả, tiện bề lo cho con.
Đúng thời điểm đó, một vị khách mua hàng nhờ tôi giao bán lại một phòng tập gym truyền thống vì kinh doanh thất bát. Tìm mãi không được mối, người chủ ngỏ ý bán phòng lại cho tôi với giá hời. Lóa mắt trước cơ hội nhưng lại chẳng có sẵn tiền, tôi về ngỏ ý vay của bố. Bố tôi là người cẩn thận nên nghe tôi nói xong, vài hôm sau cụ một mình thân chinh lên ngồi tại một quán cafe gần phòng tập từ sáng tới tối để đếm số lượng khách vào. Thấy phòng tập kinh doanh không khả quan, ông khuyên tôi từ bỏ và quyết định không cho vay.
Không nghe theo ông, tôi tự mình mua lại phòng tập với một hợp đồng trả chậm, chính thức "khởi nghiệp trên một đống nợ" ở tuổi 27 khi vẫn còn đương nhiệm vị trí giám đốc công ty Singapore, kỳ vọng mình sẽ lật ngược được tình thế và kiếm bộn từ phòng tập. "Hai mấy tuổi mà hai công việc trong tay cũng được phết đó chứ" - tôi bấy giờ tự nhủ.
Thế mà đời chẳng như mơ. Từ lúc mua về, phòng tập luôn trong trạng thái hấp hối cầm hơi dù tôi có làm cách nào đi nữa. Nguyên do thì vô cùng cơ bản, đó là vì vị trí phòng tập khó tiếp cận, không thuận lợi cho hoạt động bán lẻ. Chật vật với cục nợ của mình suốt một năm, vào 2018, tôi hiểu rằng lựa chọn duy nhất của tôi là từ bỏ. Tôi đóng phòng tập và chính thức phá sản. Bắt đầu trong một đống nợ giờ đây kết thúc trong một đống nợ mới, tổng cộng tôi nợ 2 tỷ. Năm đó tôi 28 tuổi.
Anh đã giải quyết khoản nợ đó như thế nào?
Cảnh tượng tôi sẽ không bao giờ quên là một buổi sáng hôm đó, khi tôi tiễn vợ con ra bến xe về quê để "lánh nợ". Đưa hai mẹ con về quê xong thì tôi về nhà, thất thểu đi lên lầu. Đó là lần đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ tôi rơi nước mắt. Khi đó mình tự nhủ sẽ không bao giờ để việc này xảy ra lần nữa. Thời gian đó mình cũng không dám về nhìn mặt bố vì tủi hổ.
Cũng may mắn cho tôi khi đó đã có được những người anh em chia sẻ và động viên mình, đặc biệt là anh Hoàng Hưng, người đồng sáng lập 25 FIT sau này. Tôi quen anh Hưng từ trước đó, anh em chơi vui thôi cũng không phải đối tác làm ăn gì. Anh Hưng là một Việt Kiều Pháp làm trong lĩnh vực tài chính. Là một người từng trải hơn tôi, anh vỗ vai tôi động viên: "Em ơi, bao năm trên thương trường anh phải đóng mười mấy cái bussiness rồi. Coi đây là kinh nghiệm mà đứng lên thôi".
Nghe anh nói vậy, tôi cũng dần xốc lại tinh thần, tự nhủ: "Đã xuống tới đáy rồi thì phải cố mà ngoi lên thôi. Nợ mình trả chứ không trốn, chỉ cần lên kế hoạch và trả dần. Mình vẫn còn bàn tay và khối óc để đi làm mà." Khó khăn cùng cực, tôi bỗng thấy rõ hơn một điều mình hằng tin tưởng: tài sản quý giá nhất không phải số tiền trong tài khoản ngân hàng, mà là giá trị của bản thân khi mình không còn đồng nào. Qua thời gian đó, tôi nghiệm ra mình cũng rất có giá trị.
Bài học nào mà anh rút ra từ trải nghiệm đau thương đó?
Chia sẻ thêm một chút, thời gian đó tôi làm ba việc một lúc, vừa vận hành gym, vừa ấp ủ mở 25 FIT vừa làm giám đốc bên công ty Singapore. Thế nhưng chẳng việc nào ra việc nào. Nhìn lại, tôi thấy việc từ bỏ một mô hình thất bại là quyết định thành công nhất của mình từ trước đến nay. Quyết định đóng một việc kinh doanh khó hơn việc mở rất nhiều.
Tôi cũng nghiệm ra mình quá tin người. Giờ mà hỏi thì tôi vẫn tin người thôi, chứ không thì tin ai (cười). Nhưng bây giờ tôi học được cách kiểm chứng thông tin kỹ lưỡng hơn. Qua khoảng một năm gồng lỗ như vậy, bản thân tôi cũng thấy mình lì lợm hơn phần nào.
Về mặt kinh doanh, tôi thấy được tầm quan trọng của vị trí, đặc biệt là trong những ngành kinh doanh bán lẻ như fitness. Vị trí mà không tốt thì chẳng thuốc nào chữa được.
Vì sao anh vẫn ở lại với gym sau ngần ấy khó khăn?
Nếu không đi làm gym, tôi cũng chưa nghĩ ra mình sẽ làm gì. (Cười) Nói vui là vậy, nhưng tôi thấy thị trường sức khỏe Việt Nam, đặc biệt là cho nhóm trung lưu vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Có lẽ, tôi vẫn sẽ còn gắn bó với nghề dài dài.
Điều gì khiến anh từ bỏ gym truyền thống để khởi nghiệp lại với EMS?
Tôi biết đến EMS từ 2012 qua công ty Singapore nơi mình làm việc. Đây cũng là đơn vị cung ứng sản phẩm máy tập này.
EMS là electro muscle training - luyện tập cơ bắp sử dụng xung điện. Khi mọi người nghe đến điện thì câu hỏi đầu tiên sẽ là "Có giật không?". Câu trả lời là KHÔNG. Đây là một thiết bị y tế đã nhận chứng chỉ FDA của Hoa Kỳ. Dòng điện cũng chỉ 1.7A nên cực kỳ an toàn. Tại sao lại tập với điện?
Khi mình tập cùng tạ, thì bản thân tạ không phải là thứ kích thích cơ tay trước của mình, đó chỉ là kháng lực thôi. Điều kích thích cơ của mình là xung điện từ não, ra lệnh cho các nhóm cơ co giãn.
Với EMS, thì xung điện đến thẳng cơ mà không cần nhờ cục tạ mà bài tập lại rút ngắn thời gian hơn. Vì sao? Vì khi dòng điện được truyền vào cơ thể, tất cả nhóm cơ sẽ được tập luyện thay vì từng nhóm cơ riêng lẻ.
Đó là một sự đột phá trong ngành fitness trong 15 năm. Ở Đức thì trên 83 triệu dân có đến 1500 studio EMS, chiếm 15% thị trường phòng tập Đức.
Năm 2020, 25 FIT nhận được khoản đầu tư từ nhà thiên thần Nguyễn Phi Vân, một chuyên gia trong mảng nhượng quyền. Điều gì đã khiến cô Vân gật đầu với 25 FIT và trở thành co-founder?
Khi lập ra 25 FIT, tôi có tham khảo mô hình studio EMS bên Đức và thấy có một thương hiệu vô cùng thành công, mở được 300 cơ sở tại 7 quốc gia. Ngay từ 2012 tôi đã nghiên cứu mô hình này và thấy được rằng thành công của doanh nghiệp đó đến từ franchise. Bản thân tôi thì chẳng biết gì về franchise cả nên bắt đầu mua sách về đọc thử. Đọc xong tôi nghĩ:"Nếu cứ làm theo cuốn sách này mà không có ai chỉ dẫn thì 10 năm nữa cũng chưa chắc mình đã đủ giỏi."
Thế là tôi quyết định phải tìm tác giả cuốn sách để tầm sư học đạo, người đó chính là chị Nguyễn Phi Vân.
Khi đó chị Vân có một sự kiện về nhượng quyền. Tôi mua vé đến dự, và cuối buổi thứ hai tôi nán lại lên nói chuyện với chị và chia sẻ về công ty. Chị Vân nghe ý tưởng thì vô cùng tin tưởng, nên mặc dù startup của tôi chỉ mới có một cơ sở, chị vẫn rất hào hứng tham gia. Sau đó, chúng tôi thành lập một team chỉ có 5 người, cùng nhau làm ngày làm đêm trong một căn phòng nhỏ để phát triển mô hình franchise. Ngay ngày công bố chị tham gia công ty, tôi bán được franchise đầu tiên.
Không chỉ franchise, chị Phi Vân còn giúp 25 FIT rất nhiều về mặt vận hành. Với kinh nghiệm vận hành nhiều tập đoàn, công ty lớn, chị Vân thực sự là một "sư mẫu" của tôi. Không những huấn luyện cho nội bộ 25 FIT, chị còn đích thân bắt tay vào thực hiện các dự án lớn của công ty như vận hành, franchise, trải nghiệm khách hàng.
Thành công hôm nay không có được nếu không nhờ chị Phi Vân.
25 FIT có một mô hình nhượng quyền khá hấp dẫn, với mức chi phí 2 tỷ và hứa hẹn sẽ kiếm được 14 tỷ chỉ sau 3 năm. Điều này có khả thi không?
Hoàn toàn khả thi. Thực tế, một người bạn vừa mở hai tháng đã mở thêm cơ sở thứ hai rồi. Đầu tiên, đó là vì đây là dịch vụ cao cấp. Thứ hai, mô hình vận hành của chúng tôi rất hiệu quả so với gym truyền thống. Diện tích 25 FIT đòi hỏi bé, chỉ từ 40 - 60m2/ 1 cơ sở, tiền thuê một tháng chỉ lên đến vài chục triệu.
Trong khi đó, một chủ đầu tư chuỗi gym lớn mở ra với diện tích tổng cộng vài ngàn mét vuông thì tiền thuê mỗi tháng cũng lên đến vài tỷ. Gym truyền thống có thể cần thuê hàng trăm nhân viên, trong khi chúng tôi chỉ cần 5 nhân viên một cơ sở là cao nhất. Phí vận hành cũng chẳng lấy gì làm tốn kém. Máy tập sử dụng xung điện rất bé, chẳng tốn là bao.
Vốn đầu tư cũng chỉ có 2 tỷ. Thực tế, số vốn đầu tư ban đầu cho một cơ sở nhượng quyền là 3,3 tỷ. Tuy nhiên, 25 FIT sẽ tài trợ cho các đối tác 70% tiền thiết bị. Đó là ưu đãi mà 25 FIT sẽ dành cho đối tác của mình - những chủ đầu tư lớn có kế hoạch mở chuỗi, để cùng nhau tiến xa với tốc độ nhanh.
Làm sao để anh quản lý chất lượng franchise, giúp startup mở rộng nhanh mà không phải đánh đổi giá trị thương hiệu?
Chúng tôi sẽ chọn đối tác franchise kỹ lưỡng chứ không bán nhượng quyền tràn lan. Đối tác phải là người có kinh nghiệm vận hành và yêu thích ngành chứ không chỉ là đầu tư tài chính. Với những ai có ý định đầu tư tài chính, trong thời gian tới chúng tôi cũng sẽ có mô hình franchise owned - corporate management: những nhà đầu tư sẽ sở hữu cơ sở, nhưng bản thân 25 FIT sẽ duy trì, quản lý cơ sở đó để đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, 25 FIT cũng luôn có những đội kiểm tra thường kỳ trên khắp các cơ sở. Bản thân tôi cũng đi kiểm tra bằng việc tự mình đi tập ở các cơ sở.
Là người tiên phong mang EMS về Việt Nam, anh đã đối mặt với những ý kiến trái chiều thế nào, đặc biệt từ các nhóm gym truyền thống?
Từ khi mới phổ cập, máy tập EMS đã bị nhiều người chê bai, cho rằng cách tập này không hiệu quả và thiếu an toàn. Điều đầu tiên là về hiệu quả của máy, mình không phải chứng minh. Làm vậy là sáng chế lại bánh xe, vì người Đức họ đã có những nghiên cứu kỹ lưỡng khẳng định chất lượng của máy rồi. Giống như ngày xưa khi Ý tạo ra máy pha cafe, họ đã chứng minh hiệu quả rồi, những tiệm cafe về sau đâu cần phải làm việc đó nữa. Những ý kiến trái chiều hầu hết đến từ những người chưa từng tập EMS, nên cũng khó để thuyết phục được họ.
Thực ra thì đối tượng khách hàng của 25 FIT không phải đối tượng có ý định tập gym, vậy nên mình không coi các phòng tập gym là đối thủ trực tiếp. Lý do là tỷ lệ người Việt Nam sở hữu thẻ tập gym là rất thấp, chỉ khoảng 0,5%.
Tôi đã làm trong ngành đủ lâu để biết được ngành này có vô vàn ông lớn đang đấu đá để có được lượng khách hàng đó. Sức tôi có hạn, chẳng dại đấu với họ. Thay vào đó, tôi đi ra hướng đến 99,5% còn lại. Những người này thì có thể không thích tập gym, nhưng chắc chắn một điều là ai cũng muốn khỏe đẹp. Đó là những nhân viên văn phòng, thương gia, bà nội trợ hiện đại ít có thời gian. Tôi mang đến một giải pháp cho họ để ai cũng có thể đi tập được tiện lợi và tiết kiệm thời gian nhất.
Ngay cả khi bạn đi làm văn phòng, tất cả những gì cần làm là mở ứng dụng lên, đặt lịch ở bất cứ cơ sở nào và đi tập, thậm chí còn không cần mang theo đồ tập, và sau 25 phút tập, bạn hoàn toàn có thể quay lại công việc bình thường. Hay nếu bạn đang ở chung cư, bạn có thể đặt chỗ qua ứng dụng, tập xong 25 phút đi lên, không cần mang thêm đồ tập.
Điều tôi muốn là biến việc tập luyện thành một thói quen nhỏ, để ai cũng có thể gắn với cuộc sống của mình. Tập ở 25 FIT trở nên đơn giản như uống một chai nước suối vậy. Tôi không thích cái gì phức tạp, bởi phức tạp thì khó cho mọi người gắn với cuộc sống.
Phản hồi của khách hàng cho đến nay thế nào? Tại sao có chi phí vận hành thấp như vậy nhưng 25 FIT không giảm giá thành membership? 50 triệu/năm thì có vẻ không phù hợp với túi tiền của đông đảo dân chúng lắm.
Khách hàng có phản hồi khá tốt. Đa số nguồn khách hàng của 25 FIT đến từ nguồn truyền miệng, đặc biệt là ở năm đầu. Thực ra năm đầu chúng tôi còn không có đội marketing mà đều từ mọi người tập, thấy hiệu quả và giới thiệu cho bạn bè. Có một anh bạn của tôi trong ngành dịch vụ đã giảm từ 80kg xuống 64kg trong sáu tháng tập luyện. Sau đó thì đội bạn của anh đến tập luyện cùng thôi, tôi không phải đi sale.
Về giá cả, thì từ khi mở tới giờ tôi chỉ tăng giá chứ chưa giảm. Giảm giá tôi nhìn nhận là cách nhanh nhất đẻ dẹp tiệm (cười). Sản phẩm của mình hiện vừa bao gồm tập lẫn hướng dẫn của PT, nên tính ra một buổi trung bình chỉ có trị giá 300.000 - 500.000đ - ngang một buổi tập PT thông thường. Đã vậy, khách hàng còn được tập ở tất cả các cơ sở của chúng tôi. Là một sản phẩm cao cấp với hiệu quả cao, dịch vụ tập luyện của 25 FIT đang có giá thành tương xứng giá trị.
Với nhiều người, 25 FIT nhìn qua có vẻ là một mô hình có vẻ "dễ bắt chước". Điều gì khiến anh tự tin với mô hình kinh doanh của mình?
Nhìn mô hình thì ai cũng tưởng dễ: chỉ mua vài cái máy cắm vào là làm được thôi. Năm ngoái cũng có một bên làm vậy. Đầu năm họ mở 8 cơ sở, cuối năm họ đóng cả 8 cái luôn. (cười). Cũng giống như bán cafe, ai cũng nghĩ là ngon ăn, nhưng cả triệu người mở thì may ra có vài trăm người trụ lại và phát triển mạnh.
Mỗi doanh nghiệp muốn lớn mạnh cần có một công thức đặc biệt, đến từ những kinh nghiệm lâu năm. Để đến được ngày hôm nay, tôi đã trải qua quá trình hơn mười năm làm trong ngành ở nhiều vị trí: từ vận hành đến sale, bán thiết bị, đầu tư. Vậy nên từng bước nhỏ trong quy trình của chúng tôi cực kỳ khác biệt.
Thứ hai, tôi cũng là người đầu tiên ở Việt Nam có chứng chỉ EMS của một học viên bên Đức cấp. Trong thời gian tới, tôi cũng sẽ làm việc với học viện để mở cơ sở trường tại Việt Nam nhằm tạo ra một cộng đồng EMS, đào tạo nhân lực cho khu vực.
Với nhiều người, trải nghiệm tập luyện lý tưởng vẫn thường được gắn với một không gian rộng rãi, thoáng mát. Làm sao để 25 FIT thay đổi được điều này?
Tôi đã từng nghe câu hỏi từ một khách hàng đến tập, đại khái là "Em ơi, phòng tập mình không có chỗ xông hơi nhỉ?". Tôi cũng trả lời khách thẳng thắn: "Chị muốn xông hơi thì em nghĩ có những nơi dành riêng cho việc đó, còn ở đây chỉ tập trung vào tập luyện" (cười). Nói vui vậy, nhưng cái chính là phải biết mình muốn nhắm đến tệp khách hàng nào. Đây là điều tôi thất bại ở phòng tập trước đây.
Mình xác định bản thân là có ít tiền, tài nguyên ít thì không thể đáp ứng mọi nhu cầu của mọi khách hàng được. 25 FIT nhắm đến tệp khách hàng đến tập 25 phút rồi đi về lo việc khác. Không ai vào siêu thị Aeon Mall để mua dao cạo râu mà người ta sẽ ra cửa hàng tiện lợi, dù biết sẽ đắt hơn vài phần. Sản phẩm của 25 FIT cũng có cùng đặc điểm như chiếc dao cạo râu - thiết yếu và tinh gọn. Chính vì thế, 25 FIT sẽ không hướng đến mở cơ sở lớn mà làm sao mở càng ngày càng nhỏ, lan rộng hơn (cười). Một số cơ sở mới bên mình chỉ có hơn 30m2.
Kế hoạch trong tương lai của 25 FIT là gì?
Trong thời gian tới, trọng tâm của tôi sẽ là chiếm lĩnh thị trường Việt Nam với từ 200 đến 300 cơ sở trên khắp cả nước. Đất nhà mình thì mình phải ăn cái đã.
Bên cạnh đó, theo định hướng ban đầu, 25 FIT cũng sẽ hướng ra quốc tế và mở rộng mạng lưới sang khu vực Đông Nam Á. Đây là một thị trường tiềm năng và có nhiều đặc điểm phù hợp với mô hình studio. Theo như tìm hiểu của tôi, hiện nay đây cũng là khu vực chưa có các mô hình tập studio theo chuỗi ở quy mô như 25 FIT, mặc dù hình thức studio đã xuất hiện lẻ tẻ từ trước.
Để kế hoạch được triển khai nhanh chóng và toàn diện, thời gian tới chúng tôi cũng đang làm việc với một bên nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến trong năm nay sẽ hoàn thành vòng gọi vốn đầu tiên.
25 FIT ngày càng mở rộng, anh sẽ phát triển bản thân như thế nào để có thể quản lý được hệ thống của mình?
May mắn sao, trong thời gian qua chúng tôi đã phát triển rất nhanh, chỉ trong hai năm từ 3 người core team, 25 FIT đã phát triển lên đội ngũ 300 nhân viên. Để phát triển bản thân xứng tầm, tôi luôn tự học và nghiên cứu thêm.
Điểm mạnh của tôi là tôi hay đi tìm và thường tìm được những người thầy tốt. Bất cứ lĩnh vực nào tôi không biết, tôi phải tìm bằng được chuyên gia trong mảng đó để học theo. Vài tháng trước, tôi cũng có kế hoạch bay qua Đức để gặp mặt và trao đổi với Body Street - cái tên đứng đầu trong ngành tập luyện EMS để học hỏi kinh nghiệm của họ. Tôi nghĩ đơn giản là muốn giỏi thì phải học từ người giỏi nhất.
Điều gì khiến anh tự hào nhất về start up của mình, bên cạnh những mục tiêu tăng trưởng?
Sau hai năm, điều tôi tự hào nhất là đã xây được một nhóm core team đoàn kết và nhiệt huyết, hết mình. Có những người từng làm việc với mình ở công ty cũ, tính đến nay đã mười mấy năm và chính họ là nhóm tôi dành nhiều thời gian để huấn luyện, đào tạo. Điều hạnh phúc nhất của mình là anh em lên trình độ. Tôi có một niềm tin là, đó là nếu anh em mình không giỏi lên, thì bản thân mình cũng không thể lên cấp độ mới.
Thời gian COVID-19 căng thẳng, cơ sở phải đóng cửa, anh em PT sẵn sàng lại lao mình ra đến nhà khách hàng để giúp khách tập luyện, mang cái máy tập từ nhà khách này đến nhà khách kia cách nhau tận 20 cây số. Trong thời khắc khó khăn của doanh nghiệp. điều hạnh phúc nhất là thấy được sự cống hiến và tình cảm từ những người anh em như vậy.
Thêm nữa là nụ cười của bố. Ngày xưa tôi thất bại, ông đã buồn lắm. Giờ tôi ăn nên làm ra, cụ vui và tự hào lắm. Thấy bố như vậy, tôi cũng vui theo.
Đã nếm trải qua cả thất bại và đứng dậy thành công, anh có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ đang bước đầu lập nghiệp?
Tôi thì thích ngắn gọn thôi. Đầu tiên, hãy chăm chỉ, đó là chìa khóa. Chăm chỉ và đừng nản lỏng. Thứ hai, là phải học. Học gì cũng được nhưng phải học. Thứ ba, hãy tìm cho mình bằng được một người thầy tốt. Phải có thầy mới nhanh được.
Tôi còn nhớ mãi câu nói của vị sếp bên Singapore của tôi, một người thầy mà tôi quý mến như người nhà: "Khả năng của cháu nhiều hơn cháu nghĩ". Cũng chính ông là người luôn thúc đẩy tôi học hỏi điều mới. Có thể nói ông là người có tác động lớn nhất đến tôi. Từng lười học là vậy, thế nhưng từ khi vào công ty của ông, tôi không giây phút nào ngừng mong muốn học hỏi.
Kể cả khi kinh doanh thất bại, tôi vẫn dành ra thời gian để đi học. Thiếu hiểu biết mảng gì thì tìm bằng được cách học thêm mảng đó, dù là qua một khóa học, một cuốn sách hoặc một người thầy. Học từ phát triển bản thân, học fitness, học quản lý project. Cứ muốn học gì là tôi lên Coursera mua khóa, rồi kéo vài bạn lên team học chung. Nói chung, mình muốn đạt đến cấp độ nào thì phải chuẩn bị cho cấp độ đó và chuẩn bị từ ngay hiện tại, chứ không phải đến đó rồi mới bắt đầu bổ sung.
https://cafef.vn/pha-san-o-tuoi-28-voi-khoan-no-2-ty-dong-ceo-9x-startup-thanh-cong-chi-sau-mot-nam-voi-chuoi-gym-cong-nghe-20220801172025517.chn https://cafef.vn/pha-san-o-tuoi-28-voi-khoan-no-2-ty-dong-ceo-9x-startup-thanh-cong-chi-sau-mot-nam-voi-chuoi-gym-cong-nghe-20220801172025517.chnTheo Châu Cao - Yên Khê
Nhịp Sống Kinh tế