Bệnh nhân mắc COVID-19 đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: THU HIẾN
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ngày 2-8 tại khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đang điều trị cho khoảng 20 bệnh nhân COVID-19, trong đó có 1 bệnh nhân thở máy xâm lấn, có lọc máu… Các nhân viên y tế đang tích cực điều trị cho bệnh nhân.
Người nhà bà N.T.C. (75 tuổi, TP Thủ Đức) cho biết ngày 31-7, thấy bà C. có triệu chứng ho, sốt, tiêu chảy, gia đình đưa bà đến bệnh viện thăm khám, kết quả cho thấy dương tính COVID-19. Sau khai thác bệnh sử, bà C. mắc bệnh suy gan và được chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để điều trị.
Tuần trước, bệnh viện đã tiếp nhận ba mẹ con có xét nghiệm dương tính với COVID-19. Người mẹ đưa con có biểu hiện sốt, tiêu chảy vào bệnh viện thăm khám và xét nghiệm, kết quả dương tính với COVID-19. Người mẹ và em bệnh nhân đi cùng cũng có kết quả dương tính nên được cách ly chung tại khoa nhiễm D. Hiện cả ba đều đã được xuất viện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thanh Phong - trưởng khoa nhiễm D, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - cho biết hiện khoa tiếp nhận 20 ca COVID-19, trong đó có 2 ca ở tỉnh khác. Số ca nhiễm COVID-19 đã tăng gấp đôi, những tuần trước khoa chỉ ghi nhận 8 - 10 bệnh nhân.
"Mặc dù số ca nhiễm có xu hướng tăng, tuy nhiên bệnh viện luôn chuẩn bị sẵn sàng số giường bệnh để tiếp nhận bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là số giường hồi sức cấp cứu", bác sĩ Phong khẳng định.
Bác sĩ Phong cho biết thêm, các bệnh nhân COVID-19 nhập viện chủ yếu có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, thận mãn, người lớn tuổi, một số có bệnh lý suy giảm miễn dịch, ung thư… trong đó có một số bệnh nhân lớn tuổi chưa tiêm vắc xin hoặc tiêm vắc xin chưa đủ.
Theo bác sĩ Phong, các bệnh viện địa phương có giường bệnh nên có phương án, chuẩn bị khu riêng tiếp nhận, cách ly bệnh nhân nhẹ, đối với các ca nặng có thể liên hệ các bệnh viện tuyến trên như Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, các bệnh viện nhi đồng nếu cần tránh trường hợp chuyển viện không an toàn.
Bác sĩ Trần Quốc Hùng - giám đốc Bệnh viện quận 8 - cho biết trong tháng 7 bệnh viện có ghi nhận số ca COVID-19 tăng nhẹ, với 1 - 2 trường hợp nhiễm COVID-19 phải nhập viện, trong khi tháng 6 hầu như không có ca nào nhập viện. Đa phần những trường hợp nhập viện có bệnh lý nền, được cách ly và điều trị tại bệnh viện để điều trị, không có trường hợp nặng.
Tương tự, tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh, bác sĩ Trần Văn Khanh, giám đốc bệnh viện, cho biết số ca mắc COVID-19 có xu hướng tăng trong tháng 7. Điển hình, trong tháng 7 bệnh viện ghi nhận 19 bệnh nhân mắc COVID-19 khi đi khám bệnh, cấp cứu, 3 ca nặng phải nhập viện và 1 ca nặng được chuyển lên tuyến trên. Trước đó vào tháng 6, bệnh viện chỉ ghi nhận 5 - 6 ca COVID-19.
"Người dân cần tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, người có bệnh lý nền cần tiêm mũi nhắc lại, tiếp tục tuân thủ 2K, khẩu trang và khử khuẩn cẩn thận", bác Khanh nhấn mạnh.
Theo báo cáo mới nhất của Sở Y tế TP.HCM, tính đến 18h ngày 27-7, TP ghi nhận có 612.892 (tăng 156 ca so với ngày 26-7) trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố.
Nếu như ngày 23-7, TP.HCM chỉ ghi nhận 83 ca mắc COVID-19 mới thì đến ngày 27-7 TP ghi nhận 156 ca mắc mới, số ca mắc mới có dấu hiệu gia tăng.
TTO - Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ yêu cầu các địa phương phát huy những kinh nghiệm sẵn có trong phòng chống dịch COVID-19 để áp dụng vào công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết hiện nay.
Xem thêm: mth.17022824120802202-gnat-ueih-uad-oc-mch-pt-o-neiv-pahn-91-divoc-cam-ac-os/nv.ertiout