Sinh viên Đà Nẵng tình nguyện hè - Ảnh: Đoàn Nhạn
Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 được tổ chức ngày 4-8 tại Hà Nội
Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức Hội nghị tự chủ đại học 2022 vào ngày 4-8, tại Trường đại học Kinh tế quốc dân, Hà Nội.
Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; bí thư Đảng ủy, chủ tịch Hội đồng đại học/chủ tịch Hội đồng trường, giám đốc/hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả đã đạt được trong triển khai tự chủ đại học, thẳng thắn nhìn nhận khó khăn, vướng mắc, xác định những nguyên nhân trọng yếu, từ đó định hướng lộ trình cùng những việc cần làm trong thời gian tới.
Hội nghị diễn ra trong 1 ngày với các nội dung:
- Báo cáo của Bộ Giáo dục và đào tạo về kết quả thực hiện tự chủ đại học;
- 3 phiên thảo luận với hơn 20 tham luận thuộc 3 chủ đề: Chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế, Đổi mới quản trị đại học và quản lý nhà nước và Nguồn lực cho phát triển giáo dục đại học;
- Trao đổi, giải đáp các vấn đề còn vướng mắc, khó khăn trong thực hiện tự chủ đại học…
Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa phê duyệt đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 - 2030".
Đề án nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng; động viên, khuyến khích, tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ, lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài.
Tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt; thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi.
Hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt 8-9 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng, tổng hợp, đánh giá về tình hình, nhu cầu sử dụng tiếng Việt, khuyến khích kiều bào tìm hiểu về ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam.
Ngăn chặn tình trạng bóc lột, xâm hại tình dục trẻ em trên mạng
Chỉ 1/3 trẻ sử dụng Internet ở Việt Nam nhận được thông tin về cách giữ an toàn trên mạng. Việc thiếu thông tin khiến trẻ em dễ bị bóc lột, xâm hại tình dục trên mạng ở Việt Nam.
Những thông tin trên được nêu trong báo cáo "Nghiên cứu ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam" do mạng lưới toàn cầu về chấm dứt tình trạng bóc lột tình dục trẻ em ECPAT, Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) và Văn phòng Nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) Innocenti vừa công bố.
Ảnh từ website UNICEF Việt Nam
Báo cáo cho thấy, trẻ em có nguy cơ bị bóc lột, xâm hại tình dục qua mạng ở Việt Nam. 23% trẻ độ tuổi 12-17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát). 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.
Việc thiếu báo cáo về tình trạng bóc lột, xâm hại tình dục qua mạng ở Việt Nam bị ảnh hưởng do sự kỳ thị, thái độ không khuyến khích thảo luận về tình dục, đặc biệt là với trẻ em. Sự kỳ thị từ cộng đồng cũng có thể ảnh hưởng đến những trẻ tiết lộ về việc bị xâm hại và/hoặc khuyến khích nạn nhân không kể lại/trình báo.
Vietnam Airlines trình chiếu phim hướng dẫn an toàn bay mới
Sau 3 ngày Vietnam Airlines trình chiếu phim hướng dẫn an toàn bay (phim safety) phiên bản năm 2022 trên toàn bộ các chuyến bay nội địa và quốc tế, đoạn phim này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Kể từ năm 2007 đến nay, Vietnam Airlines đã 4 lần thay đổi nội dung trình chiếu phim hướng dẫn an toàn bay.
Phim hướng dẫn an toàn bay 2022 "phủ sóng" mạng bay toàn cầu của Vietnam Airlines
Với độ dài gần 6 phút, phim safety lần này không chỉ truyền tải thông điệp an toàn bay một cách sáng tạo, mà còn lan tỏa toàn cầu những giá trị văn hóa bản địa độc đáo của đất nước, con người Việt Nam.
Ngoài những nội dung cơ bản như cách thắt dây an toàn, chất xếp hành lý, sử dụng áo phao, lối thoát hiểm, quy định không hút thuốc lá trên chuyến bay… còn là hình ảnh nhiều địa danh du lịch đặc sắc trải dài khắp đất nước như ruộng bậc thang Pù Luông, núi rừng Tây Nguyên, đầm sen Đồng Tháp với các làn điệu truyền thống như nhảy sạp, múa quạt.
Các yếu tố mang tính "lý thuyết" như việc để hành lý ra sao, tắt các thiết bị phát sóng thế nào được đưa vào bối cảnh khéo léo, thu hút mà không gây nhàm chán…
Thông qua phim hướng dẫn an toàn bay, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng mong muốn giới thiệu tiềm năng du lịch, vẻ đẹp đất nước con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch trong nước và quốc tế. Đồng thời, khẳng định nỗ lực không ngừng nâng tầm trải nghiệm bay với những thay đổi mang tính đột phá, hiện đại, trẻ trung mà vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
TTO - GS, PGS, tiến sĩ có thể nghỉ hưu muộn hơn 5 năm so với bình thường nhưng không giữ chức vụ, không bảo lưu phụ cấp; Hà Nội tăng gấp đôi hỗ trợ bảo hiểm xã hội tự nguyện cho người dân; Nguy cơ xuất hiện đợt dịch mới... là tin đáng chú ý sáng nay.