ĐỐI TÁC CHÂU ÂU ĐÃ ĐỨNG NGOÀI ‘CỬA’
"Sau khi có Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), một vài hàng hóa từ Việt Nam – trong đó có dệt may, qua châu Âu được giảm/miễn phí thuế; thì thị trường Việt Nam đã trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các doanh nghiệp châu Âu, họ quan tâm tới Việt Nam nhiều hơn.
Hơn nữa, sau khi Trung Quốc kiên trì theo đuổi chính sách ‘zero Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu ở châu Âu đã đổi sang tìm nhà cung cấp ở các nước chung quanh – đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Từ 2 điều kiện kể trên, hiện rất nhiều thương hiệu lớn và SMEs ở châu Âu xem trọng Việt Nam hoặc thêm Việt Nam vào chuỗi sản xuất của họ. Dù sao thì Việt Nam cũng đang là ‘công xưởng’ lớn thứ 2 thế giới – sau Trung Quốc.
Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn. Nôm na là đối tác nước ngoài đã đứng trước ‘cửa’, chúng ta chỉ cần mở cửa là có được cơ hội. Vậy nên, nếu chúng ta không chịu mở cửa thì quá phí phạm!", bà Mandy Châu – Founder Telileo nêu vấn đề trong hội thảo Dệt may cải tiến hậu Covid do Vải Sợi Bảo Lân (Bảo Lân Textiles) tổ chức.
Telileo chuyên liên kết các công ty châu Âu và Việt Nam. Cụ thể, Telileo sẽ đề nghị nguyên liệu, gợi ý mẫu mã để các công ty châu Âu lựa chọn sau đó đặt gia công sản xuất ở Việt Nam.
Một trong những rào cản lớn nhất của Telileo khi thực hiện hoạt động kinh doanh của mình là đi tìm nguồn ‘nguyên liệu xanh’ bền vững tại Việt Nam phù hợp với các tiêu chuẩn chung của các nhà nhập khẩu châu Âu.
Bà Mandy Châu cho biết: Ở châu Âu, 'nguyên vật liệu xanh' đã có từ lâu, nhưng tại Việt Nam, tìm được các vật liệu liên quan tới 'nguồn gốc xanh' khá khó.
Bà Mandy Châu – Founder Telileo
Thật ra, với các thương hiệu lớn toàn cầu thì chuyện này không khó, bởi với tài lực và các mối quan hệ của mình, họ sẽ tìm được nhà cung cấp 'nguyên liệu xanh' tại Việt Nam hay nước khác khá dễ dàng. Nhưng, nếu là các SMEs - không có khả năng và ngân quỹ lớn, thì chỉ có thể tiếp cận các doanh nghiệp SMEs Việt Nam, việc tìm 'vật liệu xanh' khó.
Bên cạnh đó, tìm các nhà nhập khẩu chuyên về 'nguyên liệu xanh' tại Việt Nam không khó, nhưng muốn lựa chọn nhà sản xuất tại Việt Nam thì đếm trên đầu bàn tay. Trong khi, chỉ nguồn cung ứng địa phương mới có thể mang lại lợi ích ở nhiều phương tiện, như cung ứng dịch vụ nhanh chóng.
"Người châu Âu đề cao tính minh bạch, họ cần các chứng chỉ; nhưng tại Việt Nam, doanh nghiệp chịu bỏ tài chính để lấy chứng chỉ lại không nhiều. Nói chung, các doanh nghiệp gia công Việt Nam không hướng tới mục tiêu này.
Ở Đức, Nhà nước cũng rất quan tâm đến đời sống của người lao động. Họ bắt buộc doanh nghiệp phải lo tốt cho người lao động: có đủ tài chính để trả lương - đóng bảo hiểm theo luật định, nhà xưởng phải có đủ trang thiết bị để tạo điều kiện cho nhân công sản xuất tốt vào bảo vệ sức khỏe của họ", Founder Telileo phân tích tiếp.
Theo thông tin mà mình có được, chị Mandy Châu biết Uniqlo hay Muji đã sản xuất sản phẩm ở Việt Nam. Theo dòng sự kiện, họ sẽ giúp định hướng thị trường về xu hướng xanh. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đi theo cùng mà không cần phải tự bỏ tiền ra làm marketing nữa.
CẦN TỰ LÀM CÁC CHỨNG CHỈ CHẤT LƯỢNG – MÔI TRƯỜNG, KHÔNG NÊN CHỈ BỎ TIỀN RA MUA
"Tại Việt Nam, các mặc hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may – gỗ nội thất – nông thủy hải sản có đầu ra manh mún, nên rất khó để hướng các doanh nghiệp đến ‘tiêu chuẩn xanh’. Nhiều doanh nghiệp SMEs và startup không có tiền đầu tư chứng chỉ. Theo quan điểm của tôi, khi làm chứng chỉ chúng ta cần chọn ra những con người đi triển khai và thực sự hiểu ý nghĩa của chứng chỉ đó là gì. Không nên chỉ bỏ tiền đi mua!
Việc mua chứng chỉ, có thể ổn khi đi giao thương trong nước, nhưng khi ra thế giới thì không thể. Chúng ta buộc phải hiểu và học, để nắm rõ bản chất sâu xa của các chứng chỉ. Cái này tốt cho doanh nghiệp, đội ngũ và khách hàng. Bởi những chứng chỉ thường chính là hàng rào kỹ thuật bảo vệ sức khỏe, môi trường mà nhiều nước đòi hỏi từ các nhà xuất nhập khẩu", ông Tuấn Nguyễn – Co-Founder LeanWears, tiếp lời.
LeanWears thành lập 2015, chuyên cung cấp giải pháo hệ thống và công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả lao động, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, hướng đến mô hình nhà xưởng chuẩn thế giới. Khách hàng của LeanWares có Nhựa Duy Tân, Mitsubishi, AA Corporation, Sakos, Pizza 4P’s, Lilama, Pou Yuen…
Những tiêu chuẩn đầu tiên mà các doanh nghiệp Việt có thể đầu tư là ISO, ‘nhưng phải tự làm". Sau đó, chúng ta đặt tầm ngắm xuất khẩu vào thị trường nào, thì làm chứng chỉ cần thiết cho thị trường đó.
"Thầy Giản Tư Trung hay nói: ‘Việt Nam là xã hội vô chuẩn’. Muốn có chuẩn gì, thì chúng ta phải thông qua các Hiệp hội kiến nghị với Nhà nước. Đường hướng phát triển của tất cả các doanh nghiệp Việt là phải thông minh và xanh, tức sau khi khi số hoá thì phải xanh hóa. Đây là xu hướng của tương lai, chứ chúng ta không có sự lựa chọn nào khác", Co-Founder LeanWares gợi ý.
Anh Dave Quách – CEO Bảo Lân Textiles
Với công nghệ phát triển như ngày hôm nay, chúng ta có thể gắn chip NFC lên từng cây bông để truy suất nguồn gốc nguyên liệu; nếu làm tốt, đây sẽ là thời cơ để Việt Nam bật lên.
Theo đó, Việt Nam cần nhanh chóng phát triển ‘chiến lược xanh’, đi từ trên đi xuống, bắt đầu với bộ ban ngành rồi đến doanh nghiệp. Nếu Việt Nam có thể định vị mình là ‘thương hiệu xanh’ trong sản xuất may mặc, kết hợp với tiên phong đầu tư công nghệ phục vụ xu hướng này, chúng ta có thể dẫn dắt cuộc chơi.
"Trong việc lấy các chứng chỉ, quan trọng nhất vẫn là tư duy. Tức chủ doanh nghiệp phải có tư duy – mindset là mình buộc phải có những chứng chỉ đó. Nôm na là mình phải thay đổi thói quen, từ sản xuất và vận hành theo cách A, giờ phải làm theo cách B.
Khi làm chứng chỉ, không phải cứ đóng tiền là xong, mà chúng ta phải thay đổi cả bộ máy và nhân công, tư duy quản lý và con người; đổi mới cách làm. Bảo Lân đã mất 1 đến 2 năm để làm xong 1 chứng chỉ.
Tóm lại, lãnh đạo doanh nghiệp phải có tư duy ‘tôi muốn thay đổi’ thì mới có động lực thực hiện. Hơn nữa, những cái đi sau quá trình thực hiện chứng chỉ đều rất tốt cho doanh nghiệp", ông Dave Quách – CEO Bảo Lân Textiles nêu cụ thể.
Vì sao các doanh nghiệp Việt – cụ thể là trong ngành dệt may, phải làm các chứng chỉ? Vì khi doanh nghiệp nước ngoài qua Việt Nam tìm nhà cung cấp, họ sẽ quan tâm đến nguồn nguyên liệu đầu tiên; nếu xưởng sản xuất nào không có nguồn nguyên liệu xanh, nhiều khả năng họ sẽ bỏ qua.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp nước ngoài không có thời gian và tài lực để đi kiểm tra các nhà máy – xưởng sản xuất của bạn để xem nó như thế nào, mà họ chỉ hỏi chứng chỉ. "Khi gặp nhà cung cấp Việt Nam, điều đầu tiên mà đối tác nước ngoài hỏi là anh đang có chứng chỉ gì. Trừ những thương hiệu lớn như Adidas hay Nike, họ có đội ở bản địa để đi xem từng doanh nghiệp. Các các SMEs ngoại quốc thường không làm được vậy", ông Dave Quách kể.
Nhu cầu thị trường may mặc thế giới là rất lớn. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đi Mỹ nhiều nhất, nhưng sắp tới, chúng ta cần quan tâm hơn tới thị trường châu Âu. Tuy nhiên, dù như thế nào thì doanh nghiệp Việt không nên cạnh tranh bằng giá mà cần sáng tạo nhiều hơn; phải tạo ra những lợi thế về chất lượng và khác biệt sản phẩm.
Tuy nhiên, đường hướng là phải làm sao để thời trang có thể ‘xanh’ nhưng phải rẻ để người tiêu dùng Việt Nam cũng có thể tiếp cận dễ dàng. Tức chúng phải dễ dàng phân hủy và thay thế những cái có thể thay được, dần tăng nhu cầu dùng sản phẩm xanh của người tiêu dùng.
Và đó là lý do, vì sao Bảo Lân chọn dòng sợi được dệt từ tơ lấy từ cây tre thuần tự nhiên (Bamboo Biocell), với vùng nguyên liệu chính ở tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc để tập trung phát triển. Rừng tre sinh thái lâu đời lớn nhất thế giới ở khu vực này rất giàu cellulose và đang cung ứng tơ tre cho ngành dệt may toàn cầu.
Sợi Bamboo Biocell có khả năng kiểm soát mùi tự nhiên, chống lại sự phát triển của vi khuẩn – nấm mốc, chống tia cực tím, hút ẩm và nhanh khô… Đặc biệt, sợi Bamboo Biocell có thể làm ra rất nhiều loại vải khác nhau như lanh, lụa, cotton phù hợp với các ngành hàng thời trang khác nhau, sau khi được kết hợp với các thành phần nguyên liệu, cách dệt khác nhau.
Công ty TNHH Vải Sợi Bảo Lân là công ty vải sợi bền vững đầu tiên của Việt Nam với 100% vốn Việt Nam. Thời gian khởi đầu, công ty Bảo Lân gặp nhiều khó khăn trong việc tập trung vào sản xuất các sản phẩm dệt may "xanh" vì nhu cầu của thị trường vẫn còn thấp, trong khi đó chi phí sản xuất lại cao.
Vào năm 2012, Bảo Lân được tái tổ chức và bắt đầu lại với Greenyarn – thương hiệu tập trung vào tìm nguồn, phát triển và phân phối sợi vải bền vững số lượng lớn đến các nhà máy Việt Nam.
http://tintuc.vdong.vn/08/1454180.htmQuỳnh Như
Theo Nhịp Sống Kinh Tế