Theo hãng tin Reuters, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ đồng ý tăng sản lượng nhỏ giọt 100.000 thùng/ngày sau chuyến công du của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê Út tháng trước. Đây được coi là một "cú sốc" cho Mỹ khi nền kinh tế số 1 thế giới kêu gọi OPEC giúp đỡ bình ổn thị trường xăng dầu.
Mức tăng sản lượng này chỉ đáp ứng được thêm 86 giây tiêu thụ xăng dầu của thế giới, tương đương 0,1% tổng nhu cầu. Nếu tính theo mức tiêu thụ gần 20 triệu thùng/ngày của Mỹ năm 2021 thì con số tăng thêm trên chỉ đủ cho người dân Mỹ dùng trong vài phút.
Cú sốc
Động thái tăng nhỏ giọt này của OPEC thực tế đã được dự báo từ trước khi sản lượng của nhiều thành viên tổ chức này đã đến ngưỡng giới hạn. Cơ sở hạ tầng khai thác cũ kỹ, không được đầu tư đã khiến nhiều nước khó lòng nâng sản lượng thêm nữa.
Điều trớ trêu là việc tăng sản lượng này diễn ra sau khi Tổng thống Biden có chuyến công du Ả Rập Xê Út vào tháng trước để kêu gọi giúp đỡ.
"Con số này quá nhỏ. Đứng từ góc độ nào đó thì động thái này có thể gây hiểu nhầm cho một sự xúc phạm chính trị", giám đốc năng lượng Raad Alkadiri của Eurasia Group cảnh báo.
Trên thực tế, ngay cả khi Tổng thống Biden không có chuyến thăm Ả Rập Xê Út thì OPEC và những nước xuất khẩu dầu lớn như Nga cũng có kế hoạch tăng sản lượng khoảng 430.000-650.000 thùng/ngày. Dẫu vậy nhiều thành viên cũng không đạt được mức sản lượng mục tiêu trước đó do đã đến ngưỡng giới hạn.
Theo Reuters, Mỹ đã có cú đảo chiều ngoạn mục trong quan hệ ngoại giao với Ả Rập Xê Út. Sau vụ ám sát nhà báo Jamal Khasoggi cách đây 4 năm, quan hệ Mỹ-Ả Rập Xê Út đã đóng băng một thời gian. Thế rồi cuộc xung đột Ukraine diễn ra khiến giá dầu tăng phi mã còn lạm phát tại Mỹ lên cao nhất 40 năm đã buộc chính quyền Washington tìm kiếm nguồn dầu thay thế Nga.
Trong chuyến công du của Tổng thống Biden, Mỹ đã chấp nhận bán 5,3 tỷ USD tên lửa phòng thủ cho Ả Rập Xê Út dù chưa dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho nước này, một động thái cho thấy thiện chí từ chính quyền Washington.
Giá dầu Brent thế giới đã tăng 3 USD lên 102 USD/thùng sau động thái của OPEC.
Tính đến tháng 6/2022, sản lượng khai thác dầu của OPEC cùng các nước xuất khẩu dầu đồng minh vẫn thấp hơn 3 triệu thùng/ngày so với mục tiêu đề ra trước đó. Nguyên nhân chính là việc thiếu đầu tư khiến cơ sở hạ tầng xuống cấp, khó lòng tăng thêm sản lượng.
Theo các chuyên gia, chỉ có Ả Rập Xê Út và UAE là 2 nước có khả năng tăng thêm chút sản lượng, nhưng cũng khá giới hạn vì hầu hết các mỏ khai thác đã chạy hết công suất.
Sợ suy thoái
Hãng tin CNN cho biết một trong những nguyên nhân nữa khiến Ả Rập Xê Út không tăng mạnh sản lượng là lo sợ suy thoái kinh tế tác động đến nhu cầu xăng dầu, điều đã từng diễn ra vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 tàn phá ngành năng lượng.
Vào tháng 6/2022, giá xăng tại Mỹ đã lên đến 5 USD/gallon lần đầu tiên trong lịch sử, dù mức giá này đã hạ sau đó nhưng chúng vẫn ở mức cao. Đó là chưa kể đến tình trạng lạm phát vẫn diễn biến khá phức tạp tại Mỹ.
Tương tự, giá dầu Brent đã có lúc lên đến 139 USD/thùng vào tháng 3/2022 trước khi hạ xuống quanh ngưỡng 100 USD/thùng hiện nay. Phần lớn nguyên nhân khiến giá dầu hạ được cho là do các nhà đầu cơ lo sợ suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng nhu cầu dầu mỏ như năm 2020 khi đại dịch Covid-19 diễn ra.
Dẫu vậy, OPEC cho biết sản lượng cung dầu hiện nay sẽ không thể đủ đáp ứng nhu cầu sau năm 2023. Nguyên nhân chính là sản lượng dự trữ dầu mỏ của OPEC cùng các nền kinh tế lớn hiện đang ở mức thấp nhất hơn 30 năm qua.
Đồng quan điểm, Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng cảnh báo lượng dự trữ dầu mỏ thế giới đang ở mức thấp đáng báo động và có thể gây mất an ninh năng lượng tại các nền kinh tế mới nổi.
*Nguồn: CNBC, Reuters, CNN
http://tintuc.vdong.vn/08/1454297.htmBăng Băng
Theo Nhịp Sống Kinh Tế