Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chủ trì cuộc họp - Ảnh: TIẾN LONG
Kết luận tại buổi làm việc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ ông rất mong muốn mọi người dân đều được kiểm tra sức khỏe định kỳ như cán bộ. Theo ông Đam: "Đây là xu thế của thế giới, nếu người dân được kiểm tra, xác định sàng lọc thường xuyên, người dân sẽ không chuyển sang trạng thái bệnh. Nếu có chuyển bệnh, việc điều trị cũng dễ và chi phí cũng thấp hơn".
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nêu Luật khám, chữa bệnh hiện chưa sửa được còn vướng nguyên tắc về tài chính. Cụ thể, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chỉ trả cho phần khám bệnh, chữa bệnh, mà không trả cho phần dự phòng.
"Tôi nghĩ TP.HCM có điều kiện làm việc này. Chúng ta sẽ phân tích tất cả quy định pháp luật, cần thiết sẽ đưa vào các nghị quyết trình Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét sắp tới, nếu được sau đó sẽ sửa các văn bản quy phạm pháp luật", ông Đam nói.
Ông Đam cũng cho hay cơ chế, chính sách theo dõi, kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người dân sẽ gắn với hệ thống y tế cơ sở. Theo đó, hiện nay, sau khi trải qua các đợt dịch COVID-19, TP.HCM đã thiết kế, nâng cấp hệ thống y tế cơ sở.
Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng có dịch. Do vậy, việc giao cho y tế cơ sở quản lý sức khỏe toàn dân sẽ tạo điều kiện cho anh em y tế cơ sở có điều kiện làm việc chuyên môn và nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.
Để làm được việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người dân, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ Y tế phải xây dựng được gói dịch vụ y tế cho y tế dự phòng cơ sở. Từ đó địa phương có thể tính toán, thiết kế nguồn ngân sách sử dụng cho việc kiểm tra sức khỏe của người dân.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức báo cáo tại buổi làm việc - Ảnh: TIẾN LONG
Liên quan đến vấn đề y tế, tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nêu kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành đổi mới cơ cấu và tổ chức trạm y tế, không phân bổ trạm y tế theo hệ thống hành chính (mỗi phường, xã, thị trấn có trạm y tế) mà theo khu vực và quy mô dân số (cứ mỗi khu vực có 10.000 dân thì có 1 trạm y tế).
Mặt khác, TP cũng kiến nghị một số nội dung khác, trong đó có việc sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm hạn chế rủi ro, sai sót và tránh tâm lý hoang mang, lo lắng của những người thực hiện mua sắm.
Trao đổi lại, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế hoàn toàn ủng hộ kiến nghị của TP về cơ cấu trạm y tế và sẽ xem xét kiến nghị sửa quy định theo hướng không hạn chế cơ sở y tế trên một địa bàn.
Ông Sơn cũng cho biết gần đây Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì nhiều cuộc họp để ban hành nghị quyết của Chính phủ về hướng dẫn mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế... Hiện tờ trình dự thảo nghị quyết đã hoàn thiện, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ sớm để ban hành nhằm tạo điều kiện cho các địa phương.
TP.HCM kiến nghị giảm biên độ dao động giá vé máy bay trong cao điểm hè
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nêu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao mở rộng các quốc gia được miễn thị thực và được thực hiện chính sách E-visa. Đồng thời, khôi phục việc cấp visa tại cửa khẩu đối với một số trường hợp khách có nhu cầu gấp cần nhập cảnh vào Việt Nam.
"Trường hợp khách quốc tế đến Việt Nam bị nhiễm COVID-19 (F0) được điều trị tại chỗ, sau khi có kết quả âm tính muốn rời khỏi Việt Nam, cần đơn giản hơn về thủ tục và cần triển khai cấp visa điện tử cho các trường hợp này. Gia hạn thời gian tạm trú đối với khách quốc tế đến Việt Nam từ 15 ngày lên 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh", ông Đức nêu.
TP cũng kiến nghị Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Giao thông vận tải có giải pháp để giảm biên độ dao động của giá vé máy bay trong giai đoạn cao điểm hè hiện nay. Bởi việc thay đổi giá vé máy bay với biên độ rất xa, tăng rất đột ngột sẽ rất khó phục hồi thị trường, ngành du lịch bền vững vì ngành này gắn liền với hàng không.
TTO - Quản lý giá dịch vụ y tế để không buông lỏng nhưng cũng phát huy mạnh mẽ hơn tính tự chủ của y tế tư nhân. Công khai minh bạch các khoản thu trong liên doanh liên kết bệnh viện công lập.