Tôi có bảo đội thi công không hạ đoạn đường này quá sâu vì sống ở đây lâu năm nên biết địa chất yếu. Đội thi công trả lời "nếu không cho hạ thì đình chỉ thi công luôn".
Gia đình em nghĩ tình làng ngõ xóm, nếu không làm đoạn bê tông đó thì mấy hộ bên trong đi lại vất vả nên đồng ý. Khi đường hoàn thành đi vào sử dụng một năm, mưa nhiều, nền nhà tôi bị nứt hết.
Chính quyền xã nói không bồi thường, nếu nguy hiểm quá thì gia đình chuyển tạm ra chỗ khác ở. Không còn lựa chọn nào khác, nhà tôi đành cố gắng ở lại căn nhà này, nhưng đến mùa mưa năm nay, vết nứt nền nhà càng lớn hơn, bửa đôi, rất nguy hiểm.
Gia đình tôi không có đất để làm nhà ở địa điểm khác, nhưng ở lại đây cũng rất lo lắng. Gia đình có thể khiếu nại việc này thế nào, chính quyền xã hay đội thi công có phải chịu trách nhiệm?
Độc giả Hữu Khánh
Giải đáp câu hỏi của bạn Khánh, luật sư Phạm Thanh Bình (Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) nhận định, quyền sở hữu hợp pháp về tài sản của cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Nếu người gây thiệt hại xâm phạm đến tài sản thì họ phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.
Điều 605 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.
Luật sư cho biết, trong trường hợp của bạn Khánh, nếu có căn cứ xác định công trình xây dựng đó gây thiệt hại đối với tài sản của gia đình thì chủ đầu tư, người được giao quản lý, sử dụng công trình xây dựng có trách nhiệm bồi thường. Bên thi công nếu cũng có lỗi trong việc để công trình xây dựng gây thiệt hại cho gia đình bạn thì cũng phải liên đới bồi thường.
Việc tính mức thiệt hại do tài sản bị xâm phạm được căn cứ Điều 589 Bộ luật Dân sự. Theo đó, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm tài sản bị mất, bị hủy hoại hoặc bị hư hỏng; lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút; chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại...
Ngoài ra, khoản 2 Điều 31 Nghị định 16/2022/NĐ-CP quy định, việc tổ chức thi công xây dựng công trình vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác có thể bị phạt tiền 30-100 triệu đồng.
Như vậy, gia đình bạn Khánh có quyền yêu cầu UBND xã bồi thường thiệt hại do hành vi thi công xây dựng công trình gây thiệt hại đến tài sản của gia đình bạn. Nếu không thể thỏa thuận được, gia đình bạn Khánh có quyền khởi kiện lên Tòa án có thẩm quyền yêu cầu giải quyết bồi thường thiệt hại, luật sư Bình nêu.
Hải Thư
Xem thêm: lmth.2685944-ahn-nul-yag-gnoc-iht-ihk-gnouht-iob-coud-oc-iot-gnoud-mal-tad-neih/ten.sserpxenv