Thầy Nguyễn Nhựt Tân đi bán vé số - Ảnh: TTXVN
Từ cán bộ tòa đến "gõ đầu trẻ"
Trước khi đến với nghề "gõ đầu trẻ", thầy Nguyễn Nhựt Tân là cán bộ làm việc tại Tòa án Châu Thành A (tỉnh Hậu Giang). Sau đó, vì mong muốn được về làm việc gần nhà, thầy Tân học sư phạm và chuyển công tác về Trường trung học Phan Văn Trị (huyện Phong Điền) vào năm 2006. Đến năm 2008, thầy Tân chuyển về giảng dạy bộ môn mỹ thuật tại Trường tiểu học thị trấn Phong Điền 1.
"Ban đầu tôi chỉ mong muốn kiếm công việc gần nhà, thực lòng không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với nghiệp giảng dạy. Thế nhưng, mỗi ngày một chút, những nỗ lực bám lớp của học trò nghèo, những buổi đến nhà động viên cha mẹ cho các em tiếp tục đến trường… đã khiến tôi yêu nghề, mến lớp. Ngày nào không đến trường, tôi thấy rất bần thần. Rồi thì, 'bảng đen, phấn trắng' gắn bó đời tôi đã gần 20 năm", thầy Tân trải lòng.
Em Đặng Quốc Thịnh, học sinh lớp 5A Trường tiểu học thị trấn Phong Điền 1, cho biết em theo học thầy Tân từ lớp 1 tới giờ. Trong các tiết học, thầy Tân luôn lồng ghép các câu chuyện thực tế thầy đi bán vé số, đi làm thiện nguyện cho các em nghe. Nhờ đó, các em hiểu rằng ngoài kia còn rất nhiều bạn vì hoàn cảnh gia đình mà không có cơ hội đến trường. Các em tự nhủ phải cố gắng học tập và thực hành sống tiết kiệm…
Cơ duyên đến với hoạt động thiện nguyện, theo thầy Tân, cũng là do nghề giáo mang lại cho mình. Trong quá trình giảng dạy, thầy tự bỏ tiền túi mua những phần thưởng nhỏ khen thưởng bốn học trò cao điểm nhất lớp. Dõi theo sự cố gắng mỗi ngày của trò, thầy Tân đã có cơ hội được biết đến nhiều hơn những hoàn cảnh gia đình khó khăn của trò.
Cảm động với những hoàn cảnh ấy, không dừng lại ở mục đích ban đầu là khen thưởng cuốn tập, cây bút từ đồng lương giáo viên eo hẹp của mình, thầy Tân tìm kiếm kết nối các nhà hảo tâm, các nhóm thiện nguyện để có thể giúp đỡ gia đình các em những phần quà giá trị hơn, như nhu yếu phẩm, tiền mặt… để san sẻ bớt gánh nặng cơm áo. Nhờ vậy, các em an tâm bám lớp, không phải bỏ học giữa chừng.
"Đời chọn tôi cho các hoạt động thiện nguyện"
Thầy Tân chở gạo và sách vở đến tặng một gia đình nghèo - Ảnh: TTXVN
Thầy Tân hay bông đùa rằng nếu "nghề giáo" là tổ nghề chọn mình, các hoạt động thiện nguyện cũng là do "đời" chọn mình, một cách rất tự nhiên và nhẹ nhàng. Đó là cách lý giải có phần khiêm tốn của người thầy, cho một khối lượng công việc khổng lồ và một trái tim luôn rung động trước các mảnh đời bất hạnh…
Theo chân thầy Tân đến thăm nhà chị Trần Thị Tí (sinh năm 1986, ngụ tại ấp Nghĩa Tứ, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền), chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh bốn đứa trẻ từ 7 đến 12 tuổi chạy ùa ra reo hò: "A, thầy Tân đến, thầy Tân đến mẹ ơi!". Căn nhà vách tôn trống trước, hở sau, chông chênh bên dòng kênh ấp Nghĩa Tứ là nơi che nắng mưa cho 6 nhân khẩu.
Chồng chị Tí bận đi phụ hồ không có nhà, 5 mẹ con đang loay hoay bên đống ve chai mới nhặt. Không khí ảm đạm đó như bừng chút niềm vui khi thầy Tân đến thăm, trao tặng bao gạo và ít sách vở cho các bé… Những món quà tuy nhỏ nhưng là nguồn động viên lớn để vợ chồng chị vươn lên trong cuộc sống, cố gắng cho các con đi học.
Bà Nguyễn Thị Thiện (sinh năm 1973, ngụ tại ấp Nhơn Phú 1, thị trấn Phong Điền) là một trường hợp khó khăn, sức khỏe kém, khi nào khỏe thì đi bán vé số, mệt nghỉ ở nhà. Thu nhập gia đình rất eo hẹp, việc đến trường của các con bấp bênh theo. Thầy Tân đã nhiều lần hỗ trợ bà bán nốt phần vé số còn "ế" trong ngày do bà mệt không thể đi bán tiếp được.
Đồng thời, thầy còn làm cầu nối để nhiều nhà hảo tâm tìm đến hỗ trợ gia đình bà các nhu yếu phẩm, tiền mặt, đưa rước bà đi bệnh viện. Bà còn nhận được phần hỗ trợ 20 triệu đồng chữa bệnh. Nhờ đó, gia đình bà vượt qua được những cơn thắt ngặt.
Anh "công nhân vá đường" dễ mến
Trong quá trình đi bán vé số, thầy Tân chứng kiến nhiều trường hợp người dân vùng nông thôn té xe do những đoạn đường sình lầy, ổ gà, rong rêu... Thầy lại nảy sinh ý tưởng dặm vá, xử lý rong rêu các đoạn đường hư, giúp bà con an toàn khi tham gia giao thông.
Ban đầu, thầy Tân chỉ dặm vá đường một mình. Khi có dư chút đỉnh, thầy mua bao xi măng, ít cát, đá để vá lại những đoạn ổ gà trên con đường thầy nhìn thấy. Lâu dần, nhiều anh em bạn hữu, láng giềng đã cùng chung tay với thầy. Người góp công, người góp của…
Anh Trần Văn Phúc, hàng xóm và cũng là một thành viên trong đội dặm vá đường cùng thầy Tân, chia sẻ: Mấy năm qua, mọi người trong xóm quá quen thuộc với hình ảnh một thầy giáo cứ sau giờ đến lớp lại thay bộ đồ lao động, hì hục đẩy xe rùa đi dặm vá đường và xử lý rong rêu.
Dần dần anh em chung xóm rủ nhau làm cùng thầy Tân cho vui. "Đường đi tốt, giao thông nông thôn sạch đẹp, an toàn cho người dân. Đó là niềm vui của chúng tôi", anh Phúc cười vui vẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Sang, trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Phong Điền, thầy Tân là giáo viên có chuyên môn vững vàng, yêu nghề. Thầy còn xông xáo tham gia các hoạt động thiện nguyện. Thầy đã vận động hỗ trợ, giúp đỡ cho hàng trăm trường hợp người dân và học sinh, với số tiền khoảng 500 triệu đồng. Việc làm của thầy Tân có sức lan tỏa mạnh, là tấm gương để cán bộ, giáo viên, học sinh huyện Phong Điền noi theo.
Ngày 15-7 vừa qua, ông Trần Thanh Bình, giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo thành phố Cần Thơ, đã đến động viên, khích lệ và trao giấy khen cho thầy giáo Nguyễn Nhựt Tân. Ông Bình cho biết: Nghĩa cử của thầy Tân đã làm đẹp thêm hình ảnh người giáo viên trong xã hội hiện nay. Sở Giáo dục và đào tạo thành phố sẽ luôn ủng hộ, đồng hành cùng thầy trong thời gian tới, với những hỗ trợ tích cực và hiệu quả, để thầy có thêm điều kiện hoàn thành tốt công việc, tiếp tục làm công tác thiện nguyện.
TTO - 'Cơ duyên trở thành nhà sáng tạo nội dung trên hai nền tảng TikTok và YouTube đến quá bất ngờ. Chỉ sau một đêm thức dậy thì hàng loạt video của mình chạm mốc trăm ngàn rồi hàng triệu lượt xem'.
Xem thêm: mth.25552959170802202-oehgn-ort-puig-neit-meik-os-ev-nab-oaig-yaht/nv.ertiout