Lo lắng thị trường du lịch quốc tế
Chiều 8/8, tọa đàm Giải pháp phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam được tổ chức trong khuôn khổ chương trình Liên kết sức mạnh du lịch Việt Nam, do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch Tp.HCM tổ chức tại Tp.HCM.
Tại tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, những năm qua, ngành du lịch đã có bước tăng trưởng vượt bậc, trung bình 22,7% năm giai đoạn 2015-2019, đóng góp trên 9,2% vào GDP và từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn.
Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn ngành đã đón trên 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, 85 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, do tác động của đại dịch Covid-19, các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành đều sụt giảm nghiêm trọng.
Đại dịch Covid-19 bùng phát ngay lập tức tác động đến hoạt động du lịch quốc tế phải tạm dừng từ tháng 4/2020 đến tháng 11/2021 và làm gián đoạn hoạt động du lịch nội địa qua bốn lần dịch bùng phát mại dịch Covid-19 trong suốt gần 2 năm qua đã gây thiệt hại vô lớn, chưa từng có trong lịch sử ngành du lịch, để lại những hậu quả và hệ lụy hết sức nghiêm trọng.
Trước diễn biến đó, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và có những biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm giảm bớt khó khăn, thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động.
Đồng thời, trong bối cảnh hiện tại thích ứng an toàn linh hoạt, các ngành, các cấp, từ Trung ương tới địa phương và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực đồng lòng vào cuộc tìm hướng đi và giải pháp để sớm phục hồi và phát triển du lịch trở lại.
Với nỗ lực của toàn ngành, thị trường du lịch đã dần khôi phục trở lại nhất là du lịch nội địa. Doanh nghiệp du lịch đã quay trở lại thị trường và bắt đầu hồi phục.
Chỉ tính riêng trong 7 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp du lịch đã đón tiếp và phục vụ trong số 71,8 triệu lượt khách du lịch nội địa, vượt chỉ tiêu kế hoạch toàn ngành đề ra trong năm nay.
Mặc dù vậy, lượng khách du lịch quốc tế còn hạn chế. Cả nước mới đón 733.400 lượt khách quốc tế đến trong 7 tháng năm 2022, đạt gần 15% so với kế hoạch đón 5 triệu khách quốc tế năm nay vì một số nguyên nhân khách quan.
“Mặt khác, dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng thị trường của Google cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam đang tăng trưởng khoảng 50% - 75%, mức tăng cao thứ 4 thế giới đặc biệt kể từ sau khi mở cửa hoàn toàn từ 15/3/2022. Chỉ số này của Việt Nam đã liên tục duy trì mức tăng trưởng các hàng đầu thế giới, hứa hẹn tốc độ phục hồi mạnh mẽ du lịch quốc tế của ngành du lịch nước nhà”, ông Khánh chỉ ra.
Cần nhiều giải pháp quyết liệt
Nhằm tận dụng cơ hội thu hút khách du lịch quốc tế những tháng cuối năm 2022, góp phần thúc đẩy ngành du lịch bứt phá, ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung giải quyết những vấn đề cơ bản.
Một là làm mới sản phẩm du lịch như vấn đề then chốt để tăng khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam trên thị trường quốc tế sau đại dịch. Du lịch Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư, phát triển, làm mới các dòng sản phẩm du lịch chủ đạo đang được khai thác như du lịch biển, đảo; du lịch văn hóa (bao gồm ẩm thực và di sản); du lịch sinh thái (bao gồm du lịch cộng đồng) và du lịch đô thị (bao gồm du lịch MICE).
Trong đó, sản phẩm du lịch biển đảo đã được định hình rõ nét hơn với việc hình thành các khách sạn, khu nghỉ dưỡng, giải trí chát lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số sản phẩm bổ trợ cũng được quan tâm phát triển: du lịch thể thao, du lịch kết hợp chữa bệnh, du lịch mạo hiểm.
Bên cạnh đó, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cũng cần được quan tâm, đầu tư phát triển đáp ứng nhu cầu mới của thị trường.
Thứ hai là công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Sau 2 năm bị tàn phá bởi làn sóng Covid-19, nguồn nhân lực du lịch suy giảm, nhiều nhân sự đã rời bỏ thị trường.
Các địa phương và doanh nghiệp du lịch cần có chính sách thu hút nhân lực du lịch đã thôi việc, chuyển việc trở lại phục vụ trong ngành du lịch, tổ chức bồi dưỡng, đào tạo lại cho 100% nhân lực nghiệp vụ du lịch tại các địa phương đối với đối tượng quay trở lại làm việc, đảm bảo chất lượng phục vụ khách du lịch.
Trong khi đó, có kế hoạch đào tạo bổ sung mới làm bảo đủ nguồn nhân lực thiếu hụt do việc chuyển việc, thôi việc nhân sự du lịch thời gian vừa qua, có thể thu hút nhân sự lĩnh vực khác chưa qua đào tạo du lịch để bồi dưỡng, đào tạo nhanh nhân sự du lịch; chú trọng đối tượng nhân sự là người dân địa phương để ưu tiên tuyển dụng, đào tạo.
“Cần tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác trong đào tạo nhân lực du lịch. Phải xác định hợp tác đào tạo phát triển nhân lực du lịch là một trong những vấn đề then chốt để phát triển ngành du lịch”, lãnh đạo Tổng cục Du lịch nói.
Thêm nữa, đại dịch Covid-19 đòi hỏi công tác chuyển đổi số trong ngành du lịch được thực hiện nhanh hơn để bắt kịp với những yêu cầu mới của của thị trường.
Nhiều quốc gia đã đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh và ứng dụng công nghệ thông tin để tạo ra các trải nghiệm “không chạm” và thông suốt cho khách du lịch, giúp tiết kiệm thời gian cũng như hạn chế tương tác trực tiếp trong giai đoạn đại dịch.
Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng mang lại một số thách thức mới cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt là nhiệm vụ bảo vệ không gian mạng và kiểm soát rủi ro do tội phạm mạng gây ra.