Theo cơ quan Công an, năm 2001, ông Trần Ngọc Thành (ngụ tỉnh Cà Mau) thuê 2ha đất tại Khóm Chòm Xoài thuộc P.Nhà Mát (TP.Bạc Liêu) để canh tác và thuê Tuyên làm công. Trong quá trình canh tác, do thua lỗ nên ông Thành trả lại đất. Lúc này, Tuyên tự ý cải tạo, canh tác trên phần đất này.
Năm 2007, khi chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ tiền cho những người canh tác trên phần đất, Tuyên làm giả giấy ủy quyền, đứng ra nhận hơn 100 triệu đồng tiền trợ cấp. Sau khi phát hiện sự việc, bị hại đã trình báo cơ quan Công an. Quá trình điều tra, Trịnh Xuân Tuyên bỏ trốn khỏi địa phương. Sau thời gian mật phục theo dõi, ngày 03-8, Công an đã bố trí lực lượng bắt giữ Tuyên khi đang lẩn trốn tại tỉnh Đắk Nông.
Trước đó, ngày 04-8, Công an huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) cũng đã bắt giữ Nguyễn Thành Long (SN 1965, ngụ P2, TP.Bạc Liêu) là đối tượng bị truy nã về hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Theo kết quả điều tra, Long là nhân viên của một Công ty cổ phần nông dược, được giao nhiệm vụ giao dịch, mua bán thuốc bảo vệ thực vật.
Từ tháng 4 đến tháng 10-2013, Long thu tiền từ việc bán thuốc bảo vệ thực vật tại các tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau nhưng không nộp cho Công ty mà chiếm đoạt với tổng số tiền trên 240 triệu đồng, rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 21-4-2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Vĩnh Lợi đã ra quyết định khởi tố bị can và ra quyết định truy nã Nguyễn Thành Long về tội "lạm dụng tín nhiệm chiến đoạt tài sản". Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an đã bắt được Long tại P.Thạnh Xuân (Q12, TP.Hồ Chí Minh) sau 8 năm lẩn trốn.
Liên quan đến tội phạm lừa chiếm đoạt tài sản, Công an tỉnh Bạc Liêu đưa ra khuyến cáo, trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều thủ đoạn, chiêu trò lừa đảo qua tin nhắn, cuộc gọi điện thoại và mạng xã hội. Tinh vi hơn, nhiều đối tượng còn lợi dụng, gắn mác công an, cơ quan điều tra, tòa án để lừa đảo. Mặc dù thủ đoạn này đã được cảnh báo nhiều, nhưng không ít người dân vẫn "sập bẫy".
Theo đó, bọn tội phạm "ăn theo" việc Bộ Công an triển khai cấp tài khoản định danh điện tử bằng cách tự xưng mình là công an, yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo để được cung cấp tài khoản định danh điện tử. Từ việc các đối tượng lừa đảo đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh, nhiều người thiếu cảnh giác sẽ làm theo yêu cầu, cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, mã OTP... theo hướng dẫn của chúng.
Mới đây, rất nhiều người dân tại Bạc Liêu đã nhận được các cuộc gọi, thông qua điện thoại bàn để thông báo gia đình họ đang có một giấy gọi lên "hầu tòa" vì một lý do "trời ơi", như có liên quan đến một vụ án mà đương sự hoàn toàn không biết.
Không những thế, lợi dụng sự thiếu hiểu biết trong quy trình xử phạt giao thông, các đối tượng lừa đảo đã gọi điện thoại thông báo đang giữ biên lai "phạt nguội", yêu cầu "con mồi" kê khai tài sản, cung cấp thông tin và chuyển tiền vào tài khoản do bọn chúng cung cấp để xác minh, điều tra.
Trong khi đó, nếu đúng quy trình, nếu bị "phạt nguội" thì người dân phải nhận được thông báo bằng văn bản từ Phòng CSGT trực tiếp gửi đến nhà của chủ phương tiện hoặc cá nhân, tổ chức liên quan. Công an không làm việc qua điện thoại. Cho nên người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin, thực hiện chuyển khoản ngân hàng dưới bất kỳ hình thức nào cho người lạ qua điện thoại.
Xem thêm: lmth.432531_nas-iat-taod-meihc-oad-aul-gnout-iod-cac-tab-yurt/na-uv/nv.moc.nagnoc