Phụ huynh đưa con trẻ nhập viện vì mắc các bệnh về đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
Sở Y tế TP.HCM cho biết, theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia, trong thời gian gần đây số ca mắc hội chứng cúm nhập viện có xu hướng gia tăng ở một số bệnh viện tuyến cuối (phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A).
Bên cạnh đó, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi, khó dự báo, nhất là về mức độ nguy hiểm, khả năng làm giảm hiệu quả vắc xin và nguy cơ tăng bệnh nặng, tử vong.
Theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, trong tuần gần đây, trung bình mỗi ngày TP có 144 ca mắc COVID-19 mới, con số này vào 7 ngày trước đó là 134 ca. Tương ứng với số ca mắc COVID-19 mới tăng, số ca nhập viện và nặng cũng có xu hướng tăng. Trung bình có 35 ca nặng/ngày trong một tuần qua, trong khi đó trung bình của tuần trước là 18 ca/ngày.
Đối với dịch sốt xuất huyết, hiện tình hình dịch đang có chiều hướng giảm. Tính từ đầu năm đến nay, TP có 39.449 ca, tăng 378,8% so với cùng kỳ năm ngoái (8.240 ca). Tính đến ngày 8-8, TP đã ghi nhận 17 ca tử vong, tăng 3 ca so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 17 ca tử vong này có đến 11 ca chưa ghi nhận bệnh nền.
Từ ngày 1 đến 7-8, toàn TP ghi nhận 181 ổ dịch sốt xuất huyết mới phát sinh ở 96 phường, xã thuộc 20 quận, huyện và TP Thủ Đức; giảm 18 ổ dịch so với tuần trước đó. Theo sở, nguy cơ dịch sốt xuất huyết tại các quận, huyện là tương đương nhau do tỉ suất ca mắc/số dân không có sự chênh lệch quá lớn.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm hạn chế dịch chồng dịch trong thời gian tới, Sở Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị tiếp tục tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết và triển khai chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.
Đồng thời tăng cường tiêm vắc xin phòng bệnh, đẩy mạnh giám sát viêm phổi nặng, chùm ca bệnh trong cộng đồng. Cần phát hiện sớm các ổ dịch trong cộng đồng để triển khai xử lý kịp thời và tăng cường truyền thông phòng, chống bệnh lây qua đường hô hấp.
Thông tin từ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết, số bệnh nhân nhập viện vì mắc các bệnh lý đường hô hấp như viêm tiểu phế quản, viêm phổi cao hơn cùng kỳ năm trước và trung bình 5 năm.
Số ca tiêu chảy cấp nhập viện cũng tăng với 210 trường hợp nhập viện (tương đương trung bình 5 năm nhưng cao hơn cùng kỳ năm trước). Số ca mắc COVID-19 giảm. Không ghi nhận ca sởi nhập viện.
Dự báo trong tháng 8, mùa mưa đang cao điểm ở các tỉnh phía Nam và là thời gian đỉnh dịch tay chân miệng nên dự đoán số ca mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng tiếp tục tăng. Đây cũng là lúc thời tiết thất thường nên trẻ em dễ mắc các bệnh đường hô hấp. Ngoài ra còn có nguy cơ COVID-19 xuất hiện biến chủng mới và xuất hiện bệnh dịch mới là bệnh đậu mùa khỉ.
TTO - Ngành y tế TP.HCM đang đứng trước 3 nguy cơ lớn gồm nguy cơ dịch chồng dịch; thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế và thiếu hụt nguồn nhân lực y tế công lập.