Vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh đối với người người đồng tính, song tính và chuyển giới (gọi chung là cộng đồng LGBT).
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các đơn vị chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thuộc thẩm quyền quản lý của mình tăng cường tuyên truyền, phổ biến để các bác sĩ, nhân viên y tế và người dân hiểu đúng về cộng đồng LGBT.
Khi khám bệnh, chữa bệnh cho người thuộc cộng đồng LGBT phải bình đẳng, tôn trọng giới tính, không phân biệt đối xử, không kỳ thị họ. Không coi đồng tính, song tính, chuyển giới là một bệnh, không can thiệp, ép buộc điều trị với họ, nếu có chỉ là hỗ trợ về tâm lý và do người có hiểu biết về bản dạng giới thực hiện.
Cộng đồng LGBT và các khách mời tham gia chiến dịch "Tôi đồng ý". Ảnh: ICS |
Phóng viên Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với ông Huỳnh Minh Thảo, chuyên gia thúc đẩy quyền LGBTQ+ Việt Nam về những khó khăn khi khám chữa bệnh và kiến nghị những giải pháp nhằm nâng cao quyền tiếp cận dịch vụ y tế của cộng đồng LGBT.
.Phóng viên: Thưa ông, hiện tại, cộng đồng LGBT có gặp những trở ngại gì khi đi khám dịch vụ y tế không? Vì sao họ lại còn khó tiếp cận dịch vụ y tế?
+ Chuyên gia Huỳnh Minh Thảo: Tôi tạm chia ra có 3 góc nhìn nhận của nhóm y, bác sĩ trước cộng đồng LGBT. Thứ nhất là những người có am hiểu và kiến thức khoa học, có cái nhìn bình đẳng và tôn trọng về sự đa dạng giới và tính dục. Thứ 2 là những bác sĩ luôn có trong mình sự tử tế, dù chưa có nhiều thông tin khoa học. Còn lại là một số y, bác sĩ còn mang nhiều định kiến, quan điểm cũ kỹ, sai lệch nhưng lại khá bảo thủ, tư duy đóng và không chịu tiếp nhận những thông tin mới.
Chính vì những thiên kiến đó, dẫn đến việc thái độ và hành vi của họ cũng sẽ bị ảnh hưởng và điều này tác động trực tiếp đến sự lo lắng, bất an của chính cộng đồng LGBT khi họ mong muốn có được một dịch vụ đảm bảo.
Chuyên gia thúc đẩy quyền LGBTQ+ Việt Nam Huỳnh Minh Thảo. Ảnh: NVCC |
. Ông có thể chia sẻ một vài câu chuyện các bạn gặp khó trong việc tiếp cận dịch vụ y tế?
+ Một số bạn sợ phải chịu những ánh nhìn định kiến, những phân biệt đối xử trực tiếp từ các điều dưỡng, bác sĩ khám chữa bệnh. Một số khác lại ngại phải đối mặt với những câu hỏi thiếu tế nhị, nhạy cảm không cần thiết, không liên quan đến chuyên môn. Hay một số khác phải phân vân khi chính các cơ sở y tế cũng chưa có những chuyên khoa phù hợp với nhu cầu của họ.
Tôi ví dụ, một bạn chuyển giới nam, khi đến khám chữa bệnh về phụ khoa (vì các bạn có cơ thể sinh ra là nữ) thì sẽ bị những ánh nhìn xét nét và thậm chí, nhiều bác sĩ đọc tên của họ và cười khúc khích với nhau vì nó không hợp với vẻ ngoài của họ.
Trong quá trình khám bệnh, một số bác sĩ còn gợi ý cho người nhà của người bệnh tìm cách điều trị tâm lý cho họ để khỏi đồng tính, chuyển giới một cách phản khoa học. Đây chính là nỗi ám ảnh của bất kỳ khách hàng nào khi họ có nhu cầu cần được khám chữa bệnh nhưng lại không biết đâu là nơi đáng tin cậy, có thông tin đúng về cộng đồng mình.
. Ông có thể chia sẻ hậu quả của việc không được tiếp cận kịp thời dịch vụ y tế của cộng đồng LGBT?
Rất nhiều phụ huynh khi biết con mình thuộc cộng đồng LGBT đã tự động dẫn đến các cơ sở khám, chữa bệnh mà họ biết để nhờ tư vấn, “điều trị”. Việc này trước đây từng gây nên những hệ quả nghiêm trọng đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của nhiều người thuộc cộng đồng LGBT.
Tôi nhớ một phụ huynh ở quận 9, TP Thủ Đức… đã dẫn con mình đi khám bệnh tâm thần và cho bạn đó uống thuốc điều trị, hậu quả là đến nay, bạn này đã phải uống thuốc suốt đời để ức chế những tổn thương xảy ra trong quá trình “điều trị” này.
Nhiều trường hợp khác của các bạn chuyển giới nữ, do chưa có các cơ sở khám, chữa bệnh uy tín, đảm bảo ở Việt Nam, đã tự ý mua hormone về uống, tự ý tìm đến các cơ sở phẫu thuật chuyển giới trái phép ở cả Việt Nam và các nước khác. Điều này vừa nguy hiểm đến tính mạng, vừa tốn kém và gây nên nhiều khó khăn cho chính họ.
Ở một hướng ngược lại, những quốc gia thân thiện với cộng đồng LGBT như Thái Lan, Hàn Quốc, đã khai thác nhóm dịch vụ này như những ngành công nghiệp hái ra tiền dựa trên nhu cầu của khách hàng. Việc này theo tôi là không có gì sai trái, bởi thà có những cơ sở khám chữa bệnh uy tín và đảm bảo, thì cộng đồng LGBT sẽ được tiếp cận với những dịch vụ phù hợp và uy tín hơn, vừa tiết kiệm chi phí thay vì phải di chuyển đến những quốc gia khác và lại khó khăn trong việc có người thân hỗ trợ.
Chuyên gia Huỳnh Minh Thảo và hai người đẹp chuyển giới, ca sĩ Hương Giang và ca sĩ Lâm Khánh Chi. Ảnh: NVCC |
. Hiện cộng đồng LGBT đã được hỗ trợ để tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn ra sao?
+ Công bằng mà nói, nhờ các dự án nâng cao năng lực cho các y, bác sĩ trong việc tiếp cận với khách hàng thuộc cộng đồng LGBT của một số tổ chức xã hội làm về sức khỏe cộng đồng, đến nay rất nhiều cơ sở khám, chữa bệnh đã có những chính sách rất tốt cho người LGBT. Ví dụ như một số bệnh viện đa khoa như Bệnh viện Bình Dân, Bạch Mai, Việt Đức… cũng đã có những khoa riêng hỗ trợ các thông tin về giới tính, các khoa thân thiện với người MSM (nam quan hệ tình dục với nam) hoặc có những phòng khám tư nhân ghi rõ là họ sẵn sàng hỗ trợ các bệnh nhân thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên, con số này còn khá ít và khá nhỏ lẻ, thậm chí có vài nơi còn thông tin là chữa được bệnh đồng tính để marketing, tôi nghĩ, nó chính là lý do để Bộ Y Tế quyết định ban hành công văn vào ngày 3-8 vừa rồi.
Trong khi đó, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong ngành y tế giai đoạn từ năm 2021- 2030 trong mục tiêu “Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”, Chính phủ cũng đã nói rõ “Tỉ lệ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất một cơ sở y tế cung cấp thí điểm dịch vụ chăm sóc sức khỏe dành cho người đồng tính, song tính và chuyển giới đạt 40% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.”
. Kiến nghị của cộng đồng LGBT để việc tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn?
+ Để giải quyết việc này lâu dài chỉ có cách là cập nhật kiến thức thêm cho y, bác sĩ trong quá trình đào tạo. Nhưng trong giai đoạn hiện tại, việc lên tiếng của Bộ Y tế cũng phần nào tác động đến sự chủ động của các cơ sở khám, chữa bệnh, để họ có những điều chỉnh, tập huấn sớm hơn trong đội ngũ đang hành nghề của mình.
Đa phần theo tôi quan sát, nếu không nằm trong các nhóm dự án của các tổ chức sức khỏe, thì các cơ sở khám, chữa bệnh đều tự cập nhật thông tin một cách chủ động dựa trên các trang tin, tài liệu tản mát. Điều này sẽ dẫn đến việc có thể có những thông tin sai lệch, chưa thống nhất và dễ tạo nên những thiên kiến mới. Mong rằng, Bộ Y tế sẽ còn tiếp tục có những hành động tiếp theo sau công văn vừa qua.