Cấp phát thuốc bảo hiểm y tế cho người bệnh tại Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) - Ảnh: XUÂN MAI
28 cơ sở y tế, 12 bệnh viện trung ương thiếu thuốc
Tại buổi tọa đàm, ông Đào Xuân Cơ - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - cho biết thiếu thuốc, vật tư y tế là vấn đề hết sức nóng, không chỉ riêng của bệnh viện mà còn là của toàn ngành y tế.
Sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, quý 2-2022, rất nhiều người bệnh không được đến các bệnh viện chuyên sâu, do vậy số lượng bệnh nhân từ các tuyến, các tỉnh về để khám chữa bệnh tăng đột biến, làm cho áp lực thiếu trang thiết bị, vật tư, thuốc vốn dĩ đã có từ trước, nay thiếu trầm trọng hơn…
Khi kiểm tra, các cơ quan hậu kiểm phát hiện vướng mắc tư pháp, do vậy các thiết bị không đảm bảo quy chuẩn pháp lý như: máy chụp chiếu, siêu âm, cộng hưởng từ, máy PET- CT, các máy kỹ thuật cao như robot phẫu thuật... Đây là những thiết bị hiện đại nhưng vướng pháp lý không thể hoạt động được, dẫn đến không thể thanh toán bằng BHYT cho bệnh nhân.
Nhiều vật tư tiêu hao, sinh phẩm có trong gói thầu, trúng thầu rồi nhưng các nhà cung cấp, các công ty, đơn vị phân phối không cung cấp được.
"Nếu văn bản pháp quy rõ ràng, tạo điều kiện cho việc mua sắm minh bạch, công khai chắc chắn các nhà quản lý, giám đốc bệnh viện… không khó khăn trong việc mua sắm vật tư y tế. Sắp tới, các văn bản pháp quy được sửa sẽ không còn sự e dè nào", ông Cơ nhấn mạnh.
Bà Bùi Thị An - nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII - nhận định, thiếu thuốc là vấn đề khá lớn trong giai đoạn hiện nay.
Việc thiếu thuốc xảy ra ở 28 cơ sở y tế và 12 bệnh viện trung ương ảnh hưởng đến việc điều trị, trong đó đặc biệt là bệnh của người nghèo, thu nhập thấp.
"Chính phủ cần quan tâm đến việc cơ chế chính sách có gì vướng mắc, tập trung sửa đổi nhanh chóng, sửa có lộ trình không quá lâu để hợp lệ", bà An nhấn mạnh.
Sửa đổi các văn bản chưa phù hợp
TS Nguyễn Huy Quang - nguyên vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) - cho biết thiếu thuốc, trang thiết bị hóa chất là trầm trọng, trải dài từ các đơn vị trực thuộc bộ cho tới trạm y tế tuyến xã.
Khi thiếu thuốc BHYT, người bệnh phải bỏ tiền túi mua thuốc ở ngoài, bù đắp thuốc thiếu do không có đủ nguồn thuốc, làm ảnh hưởng đến công bằng người bệnh, an sinh xã hội.
Theo ông Quang, về nguyên nhân khách quan, dịch COVID-19 cắt ứng chuỗi cung ứng thuốc toàn cầu, do vậy Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Sau dịch người bệnh đổ về các cơ sở y tế tăng đột biến không đảm bảo cung ứng, thiếu nguồn cung ứng dược liệu từ Trung Quốc…
Nguyên nhân chủ quan đó là cơ chế pháp lý, thể chế chưa rõ ràng, minh bạch, cụ thể, các cơ sở khám bệnh chưa có hành lang pháp lý. Năng lực tham gia đấu thầu còn hạn chế, người tham gia phải có am hiểu về trang thiết bị, thuốc và quy định đấu thầu dẫn đến tâm lý e ngại…
Giá thuốc tăng cao, tiêu chí mời thầu thấp thì không thể tham gia thầu, gia hạn giấy đăng ký chậm… cũng là một trong những nguyên nhân chủ quan dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế.
"Không thiếu thuốc ở tất cả các cơ sở y tế"
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS Nguyễn Thị Ngọc Bảo - phó giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia - cho hay vấn đề thiếu thuốc, vật tư trang thiết bị y tế đã xảy ra từ lâu, nhưng điều quan trọng là tình trạng thiếu ở mức độ nào, thiếu gì.
“Phải có số liệu rõ ràng. Trên cơ sở số liệu này, chúng ta mới đưa ra những giải pháp cụ thể”, TS Ngọc Bảo nêu ý kiến và cho biết tuần qua, lãnh đạo Bộ Y tế đã thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác thiếu thuốc, trang bị vật tư y tế ở tất cả các cơ sở y tế.
TS Ngọc Bảo cho hay, việc tổ chức đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị tại các cơ sở y tế còn vướng víu nhiều mặt do các cấp tổ chức đấu thầu hoạt động khác nhau.
90% văn bản pháp lý không theo kịp được thực tế là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thiếu thuốc, vật tư y tế.
Tuy nhiên, các văn bản quy phạm pháp luật cũng gần như bao phủ các yếu tố và thích ứng được phần nào sự thay đổi trong thực tế để đáp ứng được nhu cầu về thuốc, trang thiết bị y tế trong công tác điều trị.
Đối lập với việc thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế, TS Ngọc Bảo cho hay còn có những thuốc khi được đàm phán giá hay đấu thầu tập trung thì chỉ sử dụng 20 - 30% so với nhu cầu, gây thừa thuốc trong khi yêu cầu phải sử dụng ít nhất 80%.
“Không phải thiếu thuốc ở tất cả các đơn vị, và cũng không phải thiếu thuốc ở tất cả các danh mục thuốc. Do đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế trên toàn quốc hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả điều tra, giám sát, thực thi của 4 đoàn kiểm tra”, TS Ngọc Bảo khẳng định.
Trước những khó khăn nêu trên, TS Quang đề nghị kết hợp các giải pháp trước mắt và các giải pháp căn cơ, lâu dài để giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế.
Các bộ gấp rút hoàn chỉnh hồ sơ dự thảo nghị quyết về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, trình Chính phủ trước ngày 15-8.
Giá vật tư y tế không có cơ quan kiểm soát rõ ràng?
Ông Đào Xuân Cơ cho biết thêm hiện nay giá vật tư y tế được công khai trên cổng thông tin của Bộ Y tế không có cơ quan nào kiểm soát, giám đốc các bệnh viện không biết được giá đó là thật hay bị thổi giá, chuẩn chưa. Do đó cần có liên ngành để kiểm soát giá, đây là vấn đề lớn.
Trả lời câu hỏi này, bà Ngọc Bảo cho biết Bộ Y tế đang khẩn trương đưa trang thiết bị, vật tư y tế vào mục quản lý giá và từng bước đưa vào cổng thông tin, nghị định 98.
TTO - Đáng chú ý: Kiến nghị 265 dự án phục hồi kinh tế; 9 bộ ngành địa phương xin giảm vốn đầu tư công; Bộ Y tế lập 4 đoàn kiểm tra việc cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế tại cơ sở y tế; Cách kiểm soát khó thở hậu COVID-19...
Xem thêm: mth.50571705121802202-hneb-iougn-iov-gnab-gnoc-gnohk-al-et-y-ut-tav-couht-ueiht/nv.ertiout