Mặc dù chưa thể khắc phục hàng loạt sai phạm xảy ra tại các toà nhà tái định cư đã được đưa vào sử dụng, nhưng nhiều nơi trên địa bàn TP Hà Nội lại tiếp diễn tình trạng dự án chung cư mới - xây xong rồi bỏ hoang từ năm này qua năm khác, không ít trong số đó đã xuống cấp nghiêm trọng.
Nhếch nhác, hoang lạnh là thực trạng tại nhiều khu nhà tái định cư vừa mới xây xong trên địa bàn Hà Nội như dự án tại ngõ 156 đường Tam Trinh, phường Yên Sở; dự án tái định cư Đền Lừ III tại đường Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai...
Chị Trần Thị Thu, trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai cho biết, khu nhà tái định 156 đường Tam Trinh đã hoàn thành nhiều năm trước, nhưng không có người ở; chủ đầu tư quây tôn, cỏ mọc um tùm, tấm biển thông tin về dự án cũng biến dạng theo thời gian. Mặc dù tại các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND quận, thành phố, người dân đã nhiều lần phản ánh, kiến nghị, nhưng vẫn không có gì thay đổi.
“Không hiểu người ta tính toán thế nào, cứ xây nhà tái định cư xong rồi bỏ hoang đấy rất lãng phí. Tôi cho rằng cần phải làm rõ vấn đề này, không thể để lãng phí, tốn tiền của của nhà nước như thế này được”, chị Thu gay gắt.
Tương tự, tại dự án tái định cư Đền Lừ III, đường Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ, 3 toà nhà được hoàn thành vào năm 2017, nhưng vẫn trong tình trạng bỏ không, phơi mưa phơi nắng. Bỏ hoang nhiều năm, nhiều hộ dân đã tận dụng không gian để tập kết vật liệu, hàng hoá kinh doanh. Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, nơi đây đã được tận dụng để cách ly, điều trị bệnh nhân, nhưng sau khi kết thúc trưng dụng, toà nhà lại để không.
Cũng trên địa bàn quận Hoàng Mai là dự án nhà tái định cư tại phường Trần Phú. Đây là dự án được UBND TP Hà Nội chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2010 để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Với tổng kinh phí khoảng 760 tỷ đồng, dự án nhà tái định cư tại phường Trần Phú xây dựng 4 cụm nhà chung cư cao tầng có chức năng nhà ở với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.
Tuy nhiên, cũng giống như một số toà nhà tái định cư khác, dự án tái định cư tại phường Trần Phú sau khi hoàn thành cũng bỏ hoang chưa biết ngày đưa vào sử dụng. Xót xa, lãng phí nhiều tài nguyên đất, cơ sở vật chất, một số người dân xung quanh đã tận dụng làm nơi nuôi thả gia cầm.
Ông Lê Hải Quang, Chủ tịch UBND phường Trần Phú, quận Hoàng Mai cho biết, trong việc phát triển Quỹ nhà cũng đã có rất nhiều ý kiến đề nghị đưa dự án vào sử dụng. “Việc dự án nhà ở để không, hoang hóa như hiện nay ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng công trình cũng như vấn đề an ninh trật tự và vệ sinh môi trường”, ông Quang nói.
Lý giải về thực trạng quỹ nhà tái định cư xây xong rồi bỏ hoang, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, các khu nhà này đang trong quá trình hoàn thiện. Theo đó, trên địa bàn thành phố có 5 dự án dang dở, trong đó có 4 dự án tại quận Hoàng Mai, 1 dự án tại quận Bắc Từ Liêm. Từ cuối năm 2021, UBND thành phố đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo chủ đầu tư, các Sở, ban, ngành liên quan, tuỳ từng lĩnh vực cụ thể có giải pháp tháo gỡ, giải quyết với từng dự án.
Cụ thể, tại dự án tái định cư CT4 với 130 căn hộ ở quận Bắc Từ Liêm, quá trình kiểm tra cho thấy có 2 nội dung cần được tháo gỡ là bổ sung nguồn vốn thực hiện và hoàn thiện các thủ tục liên quan đến phòng cháy chữa cháy. Còn dự án khu nhà BC phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, theo đại diện Sở Xây dựng Hà Nội vấn đề còn vướng là liên quan đến công tác xả thải. Hiện Sở Tài nguyên Môi trường đã hướng dẫn chủ đầu tư các quy trình, thủ tục liên quan để Dự án sớm nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
“Dự án B10 OTD 3 của phường Yên Sở mới xong phần thô. Nguyên nhân chậm là dự án đang thiếu vốn khoảng 25 tỷ đồng. Trong kế hoạch đầu tư công sắp tới, quận Hoàng Mai đang báo cáo bổ sung vốn để hoàn thiện dự án. Dự án cũng đang vướng công tác giải phóng mặt bằng nên thành phố đã chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai thực hiện để mở đường đi vào dự án”, ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.
Rõ ràng, quản lý, sử dụng quỹ nhà tái định cư đang là vấn đề lớn đối với Hà Nội. Ngoài thực trạng dự án xây xong rồi phơi mưa phơi nắng là nhan nhản sai phạm trong hợp đồng thuê nhà, hệ thống ki ốt tầng 1, không gian dùng chung tại các dự án chung cư đã được đưa vào sử dụng. Thống kê cho thấy, trong tổng số 199 toà nhà chung cư tái định cư với 17.957 căn hộ, đã có tới 650 căn hộ có vi phạm khi đơn vị quản lý tự ý cho các hộ vào ở mà chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền thuê nhà./.