Bộ Y tế vừa có văn bản trình Chính phủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.
Theo Bộ Y tế, hiện nay, việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B đối với COVID-19 có nhiều thách thức. Cụ thể, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn liên quan, có nhiều quy định khác biệt cần phải điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B như về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám, chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp.
Cạnh đó, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, các tổ chức, đoàn thể, huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
WHO khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững. |
Do đó, trong tờ trình, Bộ Y tế tiếp tục đề xuất vẫn giữ phân loại COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, tuy nhiên có đề xuất từng bước giảm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, áp dụng linh hoạt, phù hợp một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A và một số biện pháp như đối với bệnh truyền nhiễm nhóm B.
Theo Bộ Y tế, bệnh lưu hành là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc có tỷ lệ mắc bệnh (hiện mắc/mới mắc) tương đối cao trong một khu vực địa lý hoặc trong một quần thể nhất định.
Như vậy, một bệnh được coi là lưu hành khi có một số tiêu chí cụ thể như sau: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Đối với dịch COVID-19, hầu hết các nước trên thế giới có số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi có xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 liên tục xuất hiện, đồng thời miễn dịch (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian, do đó dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào.
Theo Bộ Y tế, WHO đã đưa ra kế hoạch kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch COVID-19 trong năm 2022 với điều kiện cơ bản là tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu và kiểm soát được số mắc mới và tử vong do COVID-19. WHO cũng khuyến khích các quốc gia thực hiện các biện pháp chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững.